Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng để sửa chữa, cải tạo rạp diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn …
Tác giả, đạo diễn Trần Văn Hưng quen thuộc với sân khấu TPHCM những năm 1990 – 2000 với nhiều vở diễn ăn khách tại Nhà hát hòa bình. Hiện nay ông là ủy viên ban chấp hành Hội Sân Khấu Tp HCM – Trưởng ban Đào tạo.
Ông cũng là thành viên Ban sáng tác tại Trại sáng tác Đà Lạt 2020. TCSK có dịp trò chuyện cùng tác giả, đạo diễn Trần Văn Hưng.
Ông nghĩ gì trước tình hình sân khấu hiện nay?
Tình trạng khó khăn của sân khấu hiện nay thì chắc ai cũng biết. Nếu như 10 năm trước, bức tranh sân khấu Tp.HCM tươi mới và ổn định với nhiều hoạt động của các đơn vị sân khấu nhà nước và sân khấu xã hội hóa. Sân khấu từ nhà nước đến tư nhân như Nhà hát kịch thành phố, Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, sân khấu kịch 5B, kịch Idecaf, Kịch Sài Gòn, Hồng Vân, Hoàng Thái Thanh, Thế Giới Trẻ…v.v.…đều sáng đèn hàng đêm, thì nay đời sống sân khấu đã không theo kịp đời sống xã hội, nhà hát vắng khán giả, xuất diễn cũng giảm.
Có nhiều nguyên nhân tạo nên thực trạng đó: Do phải cạnh tranh với nhiều loại hình giải trí, chất lượng vở diễn thiếu đầu tư, lực lượng diễn viên chưa đủ độ chín về nghề nghiệp, phân tán, không tập trung vào chuyên môn vì cuộc sống thực tế, miếng cơm manh áo. Hiện, ngoài các đơn vị nhà nước, các đơn vị xã hội hóa chỉ hoạt động cầm chừng, túc tắc sáng đèn để giữ ngọn lửa đam mê nghề nghiệp…dù đôi lúc nó chỉ còn là ngọn đèn dầu yếu ớt trước cơn gió mạnh. Trước khó khăn nghề không nuôi được người, nhiều nghệ sĩ đành bỏ nghệ thuật, hoặc phải làm thêm nhiều việc tay trái như buôn bán kinh doanh…v.v…và thực tế nghề tay trái lại trở thành tay phải để nuôi dưỡng nghệ sĩ. Giới tác giả sân khấu không ít người chuyển sang viết kịch bản phim, kịch bản truyền hình bởi truyền hình vẫn có nhu cầu dàn dựng phát sóng các vở diễn sân khấu.
Nhìn chung đời sống sân khấu hiện đang có chỉ số đi xuống trong nhiều mặt: khán giả, chất lượng kịch bản, đầu tư vở diễn, công tác tổ chức biểu diễn…Trong khi kỹ thuật điện ảnh, các loại hình nghe nhìn, các chương trình sân khấu giải trí khác phát triển mạnh về hình thức và nội dung, thì sân khấu của chúng ta cũ kĩ, không đáp ứng được nhu cầu thưởng thức của khán giả. Nay là 2020 mà cơ sở vật chất của các sàn diễn vẫn quá nghèo nàn, giống y như ngày này của thế kỉ trước, thậm chí có thể nói không đủ chuẩn để được gọi là một sân khấu đúng nghĩa, .
Thời hoàng kim, một vở diễn được dàn dựng rất kỹ lưỡng vì tuổi thọ cao, có vở diễn suốt cả mấy năm trời với cả ngàn xuất diễn, mà vẫn tạo sức hút như vở cải lương “Nàng Xê Đa” của Nhà hát cải lương Trần Hữu Trang, “Dạ cổ hoài lang” – Sân khấu 5B. Bây giờ, một vở chỉ diễn được ít xuất với con số khán giả khiêm tốn vài trăm, không còn cái thời nghệ sĩ ung dung lo trau rèn nghề nghiệp bởi khán giả xếp hàng dài cả cây số để chen nhau mua vé, kể cả vé chợ đen…Vậy nên hôm nay nghệ sĩ rất khó chăm chút cho đứa con tinh thần của mình, từ khâu kịch bản cho tới tổ chức biểu diễn vì đầu tư nhiều sẽ bị lỗ vốn. Mặc dù truyền thông ngày nay đã tốt hơn nhưng chất lượng vở diễn không hơn thì cũng khó thu hút người xem.
Điều này có ảnh hưởng đến công việc của người viết kịch bản sân khấu?
Tất nhiên, khi đời sống sân khấu mạnh mẽ, các tác giả có môi trường để hăng hái viết lách, sáng tạo, để nuôi sống mình bằng chính nghề nghiệp. Mỗi kịch bản được dàn dựng, biểu diễn thành công là động lực để họ có thể tái tạo sức lao động.
Nhiều tác giả trưởng thành từ các trại sáng tác kịch bản sân khấu, tuy nhiên lại xa rời thực tế của một số đơn vị xã hội hóa khiến dư luận có những ý kiến trái chiều. Theo ông, chúng ta có nên định hướng cho các tác giả mỗi khi tham gia Trại sáng tác?
Việc kịch bản được các đơn vị nghệ thuật chọn lựa dàn dựng hay không là chuyện rất bình thường bởi mỗi nhà hát có phong cách riêng, đối tượng khán giả khác nhau. Vở viết hay theo tiêu chuẩn của Trại cũng chỉ đáp ứng được một đối tượng khán giả nhất định chứ không thể làm hài lòng tất cả các đơn vị nghệ thuật. Còn việc Hội nghệ sĩ sân khấu Việt Nam và TPHCM vẫn tổ chức tại sáng tác cho các tác giả, là chủ trương đúng đắn và phù hợp của nhà nước chúng ta, là việc chăm sóc, vun sới cho giới tác giả có nhiều điều kiện sáng tác, có môi trường tập thể giúp đỡ nhau trong lao động nghệ thuật.
Còn nói định hướng không có nghĩa bắt buộc tác giả phải viết cái này, phải viết cái kia. Đâu có như thế, các tác giả vẫn tự do viết, tự do chọn đề tài, tự do chọn chủ đề tư tưởng, cách thể hiện…v.v…Chỉ có điều viết gì thì viết, phải viết với tâm hồn màu cờ sắc áo, đó là cờ đỏ sao vàng, là thống nhất đất nước dân tộc, yêu chuộng hòa bình, công bằng văn minh…v.v…Đó là định hướng, dứt khoát như thế. Vậy thì có gì mà mâu thuẫn, giữa người viết và tổ chức nhà nước, tổ chức hội nghề nghiệp. Trại sáng tác vẫn là nhu cầu phù hợp vào lúc này và chỉ cần có cách làm mới, vận hành mới phù hợp với sự phát triển nghề nghiệp hôm nay.
Có thực tế, các tác giả dự Trại thường chú ý viết chủ đề lớn, trong khi nhiều sân khấu chỉ cần những đề tài đời sống nhẹ nhàng, phù hợp với nhu cầu giải trí nên có hiện tượng nhiều vở viết của Trại không xuất hiện trên những sân khấu này. Nhưng cũng đã có nhiều kịch bản của trại sáng tác được các đoàn nghệ thuật, nhà hát dàn dựng hoặc đoạt giải thưởng cao của các liên hoan sân khấu, truyền hình những năm qua, thì sao? Việc các trại sáng tác kịch bản sân khấu có nên hay không nên? Có hiệu quả hay không hiệu quả? Tôi e nhiều ý kiến chỉ trích cũng giống như thày mù sờ voi.
Theo tôi, việc định hướng là cần thiết nhưng không nên chung chung mà nên cụ thể theo đề tài hoặc nhóm đề tài. Ví dụ: Học tập theo tấm gương tư tưởng đạo đức Hồ Chí Minh, truyền thống cách mạng yêu nước, lịch sử xã hội, hài kịch, giải trí v.v..…dành cho các tác giả chuyên viết chủ đề đó. Chúng ta phải làm thế nào để trăm hoa đua nở, không nên đánh giá cao chủ đề này mà coi thường chủ đề khác.
Thực tế, nhiều vở đề tài đơn giản vẫn tuyệt hay và ăn khách, được dư luận xã hội đánh giá cao về nghệ thuật về ý tưởng nhân văn. Việc sáng tác về nghệ thuật và việc bán vé, có nhiều khán giả là những vấn đề không thể hiểu và giải thích một cách đơn giản như hai cộng hai là bốn được. Bởi sân khấu là nghệ thuật, là thiên đường.
Có vẻ đang tồn tại nhiều tiêu chuẩn khác nhau về một tác phẩm sân khấu. Theo ông, cần phải có một quy định chung?
Sân khấu không có khán giả là sân khấu gì? Nghệ thuật không có người xem là nghệ thuật gì? Nó sẽ không tồn tại. Nghệ thuật Sân khấu là sự sống. Theo tôi, nên coi khán giả là số 1, là tiêu chuẩn đầu tiên. Chúng ta ngoài vai trò cao cả, sứ mệnh cao cả gì đó ra, chúng ta phải là người phục vụ. Bệnh của chúng ta là ở trên cao muốn dùng tác phẩm để dạy dỗ khán giả. Chúng ta luôn nói nghệ thuật phải có tính giáo dục nên chúng ta có thái độ tự cao tự đại đến nỗi quên mất khán giả là người thày chúng ta không? Một vở diễn chúng ta thích mà khán giả không xem thì cho là họ thấp kém, không hiểu nghệ sĩ, có như thế không?. Nên nhớ, mỗi thành phần xã hội có gu thẩm mỹ khác nhau, có tâm tư tình cảm thói quen giải trí khác nhau. Mình không nên làm ra những sản phẩm xa rời với nhận thức của người xem. Hãy chọn đúng khán giả của mình để phục vụ, để cùng khóc cười, vui buồn với họ. Như vậy có thể được coi là thành công chứ?
Vậy theo ông, trong tình hình này, chúng ta phải làm gì để sân khấu phát triển?
Đây là một câu hỏi quá lớn, bao gồm nhiều khía cạnh: sáng tạo của tác giả, bản lĩnh của nhà hát cùng rất nhiều yếu tố như cơ sở vật chất, âm thanh, ánh sáng…Vai trò nhà hát rất quan trọng, họ phải tự sống, vì thế phải căn cứ vào thị trường khán giả ở khu vực đó. Tác giả cộng tác với nhà hát nào thì cần nắm được “gu” của nhà hát đó. Vở diễn dự Trại có thể được khen tuyệt hay, nhưng không vì thế mà nhà hát phải dựng.
Hiện đang có một khoảng cách mà chúng ta cần thu hẹp, đó là tác phẩm ra đời từ trại sáng tác và nhu cầu kịch bản của các đơn vị, nhà hát. Nhiều tác giả không tham gia trại sáng tác vì đã có mối với các nhà hát. Trước giải phóng, đã có hình thức các nhà hát ký hợp đồng với tác giả để sáng tác theo “gu” của họ, tình cảm xã hội ướt át hay kiếm hiệp, tuồng cổ lịch sử hay xã hội hiện đại. Nhiều đoàn hát nghệ thuật thuộc Tp HCM trước kia đã có một phong cách riêng biệt để tạo nên sự đa dạng sắc màu. Ngày nay khán giả thay đổi nhiều, nhanh trong cách thẩm thấu nghệ thuật do đời sống xã hội kinh tế kỹ thuật phát triển tốc độ… vì thế, các sân khấu phải đổi mới và giới tác giả càng cần đổi mới.