Thiện Tùng: Thành công của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành kỷ niệm
Là một trong những nghệ sỹ đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, Lê Thiện Tùng (Nhà hát kịch Hà Nội) được đánh giá là …
Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đắc Sừ là đạo diễn xuất sắc của sân khấu Chèo Việt Nam những thập kỷ cuối thể kỷ XX đầu thế kỷ XXI. Tính đến thời điểm hiện nay, ông là người dàn dựng nhiều vở diễn nhất cho sân khấu chèo (trên 100 vở) và các vở diễn của ông giành được nhiều Huy chương Vàng, Huy chương Bạc nhiều nhất trong các cuộc Hội diễn, Liên hoan, cuộc thi sân khấu Chèo chuyên nghiệp toàn quốc. NSND Bùi Đắc Sừ từng làm Phó Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (1998 – 2004), rồi Giám đốc Nhà hát Chèo Việt Nam (2004 – 2009).
Trên cương vị lãnh đạo Nhà hát, ông đã có nhiều đóng góp vào việc phát triển Chèo, đào tạo các nghệ sĩ và xây dựng được những tác phẩm tiêu biểu. Với sự cộng tác dàn dựng vở diễn cho hầu hết các Nhà hát Chèo, Đoàn Chèo chuyên nghiệp trong cả nước, ông đã có đóng góp lớn cho sự kế thừa và phát triển nghệ thuật chèo gần 40 năm qua bằng rất nhiều vở diễn thành công xuất sắc và góp công đào tạo các nghệ sĩ xuất sắc cho ngành chèo hiện nay.
NSND Bùi Đắc Sừ cũng “sinh ra từ làng” như tên gọi một chương trình của Đài Truyền hình Việt Nam. Quê ông, Làng Then, huyện Lạng Giang tỉnh Bắc Giang, là một làng quê có truyền thống yêu nghệ thuật, đặc biệt gần nửa thế kỷ qua đã rộ lên và giữ vững phong trào luyện tập và biểu diễn cây đàn Violon. Có lúc tới mấy chục “nhạc sĩ nông dân” cùng tham gia diễn tấu. Làng Then cũng là một làng quê hết sức yêu chèo, nhiều năm có đội chèo mạnh tham gia Hội diễn ở huyện ở tỉnh. Làng Then đã cung cấp cho Nhà hát Chèo Việt Nam tới 3 nghệ sĩ chèo thành đạt. Đó là nhạc sĩ, NSƯT Trần Vinh, NSND Bùi Đắc Sừ và NSƯT Hà Quốc Minh.
Từ nhỏ đã say mê nghệ thuật chèo cho nên sau khi tốt nghiệp trường phổ thông hệ 10 năm, Bùi Đắc Sừ không đi theo con đường vào trường đại học mà gia nhập Nhà hát Chèo Việt Nam làm một diễn viên. Năm 1980, Bùi Đắc Sừ được cử đi học đạo diễn tại Trường đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Năm 1983, ông ra trường, làm đạo diễn chèo chuyên nghiệp rồi trở thành một đạo diễn chèo xuất sắc, được phong tặng danh hiệu NSƯT (năm 1987), NSND (2007), Giải thưởng Nhà nước về Văn học nghệ thuật (2012) và Huân chương Lao động Hạng Ba.
NSND Bùi Đắc Sừ là đạo diễn tha thiết yêu chèo và kiên định chủ trương phát triển chèo trên cơ sở kế thừa và phát huy tinh hoa truyền thống của chèo cổ, kế thừa và phát triển các nguyên tắc cơ bản trong phương pháp nghệ thuật mang đặc trưng thể loại của chèo cổ. Hầu hết các vở chèo do Bùi Đắc Sừ dàn dựng đều thấm đượm “chất chèo”. Có thể kể một số vở tiêu biểu nhất như “Hồ Xuân Hương”, “Trinh phụ hai chồng”, “Của hồi môn”, “Kính chiếu yêu”, “Duyên nợ ba sinh”, “Nàng chúa ong”, “Danh chiếm bảng vàng”, bộ ba vở diễn về “Tam tổ Trúc Lâm”, “Đào lý một cành”, “Nam dược thánh dân” v.v… và đặc biệt là vở diễn “Những vần thơ thép” với hình tượng trung tâm là Hồ tiên sinh (tức Bác Hồ).
Đây là vở diễn được các vị lãnh đạo Đảng và Nhà nước đánh giá cao, được chọn diễn phục vụ Đại hội Đảng CSVN toàn quốc lần thứ XI và Đại hội XII. Vở diễn thể hiện thành công hình tượng Bác Hồ mà vẫn đậm đà bản sắc chèo, nhuần nhị “chất chèo”. NSND Bùi Đắc Sừ thấm đậm chất chèo trong quan điểm nghệ thuật, trong tư duy hình tượng, trong nhịp điệu tâm hồn, trong cảm xúc thẩm mỹ và trong vốn nghề tổ giàu có, điêu luyện.
Vì vậy “chất chèo” trong vở diễn của ông thể hiện từ bố cục tổng thể cho đến các mảnh trò, từ các chi tiết trong xử lý diễn xuất cho đến cách dàn cảnh, tạo nên hình tượng vở diễn, từ xử lý ngữ khí đài từ trong đối thoại đến xử lý hát cho từng vai diễn, từ những nét tinh tế của từng ngôn ngữ thành phần cho đến sự phối hợp tổng thể của một hình thức sân khấu tổng thể bao gồm các ngôn ngữ: văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa và nghệ thuật biểu diễn của diễn viên. Cứ như là Bùi Đắc Sừ sinh ra để làm chèo.
NSND Bùi Đắc Sừ yêu ghét rõ ràng và thường tỏ thái độ một cách bộc trực. Tính cách đó đã giúp ông tiếp nhận, thừa kế và diễn tả trong vở diễn của mình tính chất “hắc bạch phân minh” (đen trắng rõ ràng) trong chèo cổ. Các nhân vật trong vở diễn do Bùi Đắc Sừ dàn dựng đều được khắc họa rõ nét tính cách và có kế thừa nguyên tắc mô hình hóa, giúp cho diễn viên dễ tìm ra những động tác chủ đạo, những cách xử lý đài từ, cách hát và cả trong cách hóa trang. Sự khắc họa sắc nét các tính cách đối lập giúp cho xung đột mang kịch tính quyết liệt hơn trong dòng diễn kể theo nguyên tắc tự sự, ước lệ của chèo, gia tăng sức hấp dẫn cho vở chèo.
NSND Bùi Đắc Sừ làm việc hết sức nghiêm túc, luôn lao động sáng tạo hết mình và đòi hỏi diễn viên cũng lao động sáng tạo hết mình cho sự thành công của vai diễn. Ông luôn đồng sáng tạo với các nghệ sĩ biểu diễn, biết cách khai thác, phát huy sở trường và khắc phục sở đoản của từng nghệ sĩ, diễn viên. Nhờ vậy, nhiều nghệ sĩ chèo đã trưởng thành qua làm việc với NSND Bùi Đắc Sừ.
Trong mối quan hệ cộng tác với tác giả, nhạc sĩ, họa sĩ, biên đạo múa, người thiết kế ánh sáng, phụ trách âm thanh, đài trưởng, nhạc trưởng, NSND Bùi Đắc Sừ đều tỏ rõ sự tôn trọng, lắng nghe, cùng bàn bạc thấu đáo để chọn lấy cách xử lý tốt nhất, có hiệu quả cao nhất trong khi phối hợp các ngôn ngữ thành phần cho tổng thể vở diễn.
Có thể nói NSND Bùi Đắc Sừ là tấm gương sáng về tài năng và đạo đức nghề nghiệp trong giới nghệ sĩ chèo. Xét trong một thời kỳ lịch sử của chèo từ khi đất nước bước vào công cuộc đổi mới đến nay, những đóng góp của NSND Bùi Đắc Sừ trong việc bảo tồn và phát triển chèo, giữ vững và phát huy chèo truyền thống, xây dựng nhiều tác phẩm có giá trị tư tưởng và nghệ thuật xuất sắc cùng với việc đào tạo nghệ sẽ chèo… thật là rất lớn, cần được ghi nhận và đánh giá cao. Ông rất xứng đáng với lòng tin cậy, yêu mến của các nghệ sĩ, của các nhà quản lý nghệ thuật sân khấu, của hàng triệu khán giả yêu chèo, và xứng đáng với danh hiệu cũng như phần thưởng cao quý mà Đảng và Nhà nước ta đã trao tặng cho ông.
NSND Bùi Đắc Sừ ra đi là một tổn thất lớn cho sân khấu chèo hiện nay, để lại nỗi tiếc thương cho các nghệ sĩ chèo và những khán giả yêu chèo truyền thống. Là tác giả đã nhiều năm cộng tác với NSND Bùi Đắc Sừ, tôi cũng xin có mấy vần thơ để tiễn biệt anh:
Tạm biệt làng Then trong những tiếng vĩ cầm,
Anh đi theo nhịp trống chèo thổn thức,
Vượt qua những suối sâu đèo dốc,
Trải gian nan qua mấy trổ “Đường trường”.
Từ tiếng cười nhân thế “Hồ Xuân Hương”,
Anh đến với âm vang “Những vẫn thơ thép”.
Mặc cho ai thay làn đổi phách,
Sáu chữ vàng nghề tổ vẫn đinh ninh.
Bảy hai năm tha thiết bao tình,
Anh tận lực với nghiệp chèo dâng hiến.
Bệnh hiểm nghèo đòi cắt ngang nhịp trống,
Anh vẫn lên sàn tập quyết không rời.
Điệu hát “Dương xuân” sao đau đớn nghẹn lời,
Bỗng dừng lại khi vẫn còn dang dở.
Đồng nghiệp thương anh, chạy đàn kết vở
Đưa anh về với Tiểu Kính Tâm,
Đưa anh về theo các vị nghệ nhân,
Những hội diễn chốn Bồng Lai sẽ mở.
Bầu bạn thay anh giữ gìn nghiệp tổ,
Tiễn biệt anh bằng “Chức cẩm hồi văn”.
Hà Nội, ngày 19/4/2020