Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng để sửa chữa, cải tạo rạp diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn …
Qua Đại hội Hội NSSKVN lần thứ IX vừa qua, có thể thấy vấn đề nhức nhối nhất của các Đại biểu là sự thưa vắng khán giả. Khác với các hình thức nghệ thuật khác, công chúng thưởng thức vở diễn lại là một trong những thành phần cùng tham gia sáng tạo. Nói cách khác, nếu không có khán giả thì sẽ không có vở diễn Sân khấu. Bởi vậy, sự thưa vắng khán giả trở thành lý do sống còn mà người làm Sân khấu cần giải quyết. Cũng đã rất nhiều bút mực trí tuệ được đổ vào để mổ xẻ, phân tích vấn đề này từ mấy thập niên nay.
Nguyên nhân được chỉ ra có nhiều, nhưng chủ yếu là cho rằng, sân khấu đang bị rơi vào thế cạnh tranh bất lợi với rất nhiều công cụ giải trí tiện lợi, hiện đại hơn… Trong nội dung bài viết này, chỉ xin được nhìn nhận từ một vài nguyên nhân chủ quan từ phía các nhà hoạt động Sân khấu, đội ngũ nghệ sĩ…
Thiếu kịch bản hay, có tầm, có tư duy mới
Xây dựng một đội ngũ sáng tác kịch bản tốt lâu nay vẫn là khâu quan trọng và cũng là khâu khiến nhiều người yêu mến Sân khấu trăn trở nhất. Kịch bản vốn là hình thức văn học rất khó, hiếm có những tài năng không qua đào luyện, không có vốn sống mà có thể sáng tạo được. Trong khi đội ngũ biên kịch lớn tuổi lại không có khả năng cập nhật nhanh, nhạy những vấn đề của cuộc sống, lại thêm phẩn lo ngại cánh duyệt kịch bản của đơn vị, của Cục và Sở nên viết theo lối cũ “cho lành”, kết cấu không có gì mới, nội dung cũng rơi vào tình trạng đọc đầu biết kết, chẳng có điểm mới lạ.
Đội ngũ người trẻ cũng có nhiều cây viết hào hứng lao vào lĩnh vực này, nhưng khi đầu ra ngày càng kém, lại bị sự can thiệp của nhiều người nên nản lòng thoái chí. Thật khó để khiến người trẻ dồn tâm lực cho lĩnh vực khó viết, lại càng khó tìm thấy đầu ra. Thêm vào đó, vẫn còn một lượng không nhỏ người làm Sân khấu thiếu tâm huyết với nghề, vốn thẩm định kém, cộng thêm những lý do ngoài nghệ thuật, những toan tính ngoài tiêu chí xây dựng tác phẩm thực sự nghệ thuật…
Những tư tưởng “ăn xổi” đã chi phối mạnh tới các nghệ sĩ. Vì sự an toàn cho chiếc ghế chỉ đạo của cá nhân, người ta lựa chọn, đặt hàng những tác phẩm kịch bản cũ mòn, bỏ qua những sáng tạo mới vốn rất khó có được của những tên tuổi chưa được công nhận… Và vì thế, ngay phần “bột” đã kém phẩm chất, thật khó để tạo thành loại “hồ” nhuần nhuyễn, ý vị, đổi mới, chất lượng.
Thiếu những đạo diễn mạnh dạn đổi mới
Hiện nay, nếu kể tên các đạo diễn thành danh trên sàn diễn, những cái tên để người làm nghề cũng như đông đảo khán giả công nhận như những đạo diễn quá nổi tiếng ở thế hệ trước, quả thực khá khó khăn. Theo sát tình hình Sân khấu thì cũng đã nổi lên tên tuổi sáng giá, có phong cách riêng như NSND Anh Tú, nhưng tiếc thay, người nghệ sĩ này đã không còn để tiếp tục cống hiến cho nghề. Và cũng có những đạo diễn dựng vở tương đối thành công như NSND Lê Khanh, NSƯT Sĩ Tiến, Trịnh Mai Nguyên, Lâm Tùng…
Nhưng, để có được lớp nghệ sĩ tài danh, đủ sức thay thế những cây đa, cây đề mà hiện nay vẫn còn được mặc sức tung hoành ở phần lớn các đơn vị Kịch thì rõ ràng, thế hệ đạo diễn trẻ chưa đủ gương mặt đại diện. Vì thế, phần nhiều đơn vị vẫn tha thiết mời các nghệ sĩ thành danh về dựng tác phẩm để ít nhất cũng đảm bảo chất lượng tối thiểu, dẫn tới tình trạng hai, ba đạo diễn đã lên lão từ lâu tung hoành ngang dọc suốt thời kỳ quá dài. Các ông làm nhiều đến nỗi đi đâu cũng chỉ thấy những tác phẩm của chính các ông, mặc cho sự thật là khi cùng một lúc dàn dựng quá nhiều, người ta thấy được sự cẩu thả trong việc làm nghề của các đại nghệ sĩ này.
Mảng miếng được lặp đi lặp lại, tự ăn vào chính vốn nghề của mình. Rồi không biết vì phong cách quá mạnh, người xem chỉ nhìn thấy trò diễn lấp đầy sân khấu mà không còn thấy những số phận, những tính cách khác biệt ở từng đơn vị, từng tác phẩm… Cứ thế, đến lúc nào đó, họ trở thành tội đồ của sân khấu, người xem chán nản khi bị đánh lừa vì nghệ thuật mất đi tính sáng tạo, độc đáo của nó…, thiếu đi sự phong phú và đa dạng. Trong khi lứa đạo diễn mới vẫn chưa thể khẳng định được mình, lại trên nền tảng kịch bản cũ mòn về kết cấu lẫn nội dung thì thật khó để tìm hình thức mới cho việc thể hiện tác phẩm.
Thiếu những gương mặt nghệ sĩ biểu diễn tài ba
Người diễn viên là ông hoàng, bà chúa trên sân khấu… Đấy là một trong những lý thuyết nhập môn của sân khấu bởi sân khấu luôn rất cần những nghệ sĩ tài ba, có sức cuốn hút lớn với công chúng. Chưa kể, do vị thế nghệ thuật sân khấu ngày càng thấp vì không còn nhiều tác động đối với xã hội, nên lực hút với người tài ngày càng kém thì bản thân sân khấu còn phải cạnh tranh với truyền hình, với game show khi những hình thức này ngày càng bùng nổ, đòi hỏi nhiều hơn nữa gương mặt mới. Thật khó để người nghệ sĩ chuyên tâm với nghề, với sàn diễn trong bối cảnh khán giả ít, lực lan tỏa kém, bồi dưỡng nghề cũng quá hẻo…
Đôi ba nghệ sĩ khi được hỏi đều khẳng định vẫn coi sân khấu là nghiệp chính, nhưng sự cống hiến của họ trên sàn diễn chưa nhiều, khó để cho rằng, đó là những lời thật tâm. Những nghệ sĩ lớn như Lê Khanh, Thành Hội… biết biến những vai diễn trở thành độc đáo, như “đo ni đóng giày” cho riêng mình… ngày càng hiếm. Và phần nữa là trong nhận thức của nhiều nhà quản lý vẫn thiếu chiến lược phát triển đội ngũ nghệ sĩ, xây dựng thương hiệu riêng, lăng xê đúng cho những nghệ sĩ tài ba để họ trở thành những ngôi sao đủ sức cuốn hút người xem…
Thiếu trang thiết bị cho sân khấu
Bản chất của sáng tạo văn hóa nghệ thuật là sự thay đổi liên tục, sân khấu cũng không ra ngoài quy luật đó. Nhưng do đặc trưng riêng của loại hình có sự gò bó nhất định trong không gian, thời gian nên sự đổi mới, cách tân sân khấu không hề dễ dàng. Đã nhiều thập niên nay, sân khấu vẫn còn quá lệ thuộc vào bục bệ nặng nề, vào những xử lý không gian, thời gian đã rất cũ kỹ, lỗi thời. NSND Lê Huy Quang từng chua chát viết: “ Sân khấu của các rạp hát Việt Nam hôm nay quả là cũ kỹ, nghèo nàn, đơn điệu và lạc hậu về mọi phương diện kỹ thuật, từ ánh sáng, âm thanh đến công tác hậu đài, chuyển cảnh, các yêu cầu tối thiểu về thao tác, phối hợp trên sân khấu… Việc tắt đèn, chuyển cảnh thay đổi không gian, địa điểm vẫn thô sơ, lạc hậu, kéo ra kéo vào, lên xuống vài tấm phông vải mềm và đặt xuống, dựng lên vài tấm bục gỗ dán, pa-nô di động với chất liệu chủ yếu là gỗ và vải…”. Cũng đã có sự đầu tư không nhỏ cho việc xây dựng mới một số rạp như Rạp Công Nhân, Đại Nam… ở Hà Nội; hay rạp Trần Hưng Đạo ở TP.HCM… nhưng do cơ chế quản lý, nên khi nhận rạp, các nghệ sĩ chỉ biết thở dài vì người thiết kế, đơn vị thi công không hiểu gì về đặc trưng của sàn diễn khiến nghệ sĩ bó tay vì không thực hiện được bối cảnh.
Nhìn ra các nước trên thế giới, đội ngũ họa sĩ, đạo diễn chỉ biết mơ ước vì nhiều suy nghĩ sáng tạo bay bổng đành khép lại do thiếu cơ sở để thực hiện nhiều không gian kịch. Làm gì có sân khấu quay nhiều chiều, nhiều tầng, nhiều lớp, lên cao hay xuống thấp dưới gầm sàn diễn, rồi ánh sáng, âm thanh hoàn hảo bởi hàng trăm ngọn đèn chiếu sáng và tạo dựng không gian bằng ánh sáng… để mở rộng bối cảnh diễn tả? Vậy là lại vận dụng những cái ước lệ, cách điệu của sân khấu dân tộc vào sân khấu tả thực, để rồi, phương pháp này như con dao hai lưỡi, gây ra cảnh cẩu thả, cũ nhàm trên sân khấu. Chưa kể, đội ngũ họa sĩ cũng không được chuyên biệt, vẫn làm tất mọi khâu từ trang trí, phục trang, hóa trang…, và đội ngũ này cũng ngày một ít ỏi trong bối cảnh sân khấu đìu hiu, khó tìm được người tài cống hiến hết lòng.
Thực trạng Sân khấu thưa vắng khán giả vẫn là bài toán tìm mãi không có lời đáp thỏa đáng… Nhưng nếu không giải quyết, Sân khấu vẫn mãi tối đèn, thì tương lai của Kịch nghệ nước nhà vẫn mãi lắt lay.