Thiện Tùng: Thành công của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành kỷ niệm

Là một trong những nghệ sỹ đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, Lê Thiện Tùng (Nhà hát kịch Hà Nội) được đánh giá là gương mặt sáng giá nhất nhì Liên hoan. Tạp chí Sân khấu đã có cuộc trò chuyện với Thiện Tùng sau thành tích vẻ vang này của anh.

Chào Thiện Tùng, chúc mừng bạn vừa đoạt được chiếc HCV danh giá tại Liên hoan sân khấu kịch nói. Khi nhận Huy chương, bạn nghĩ đến điều gì đầu tiên, và vì sao?

Cảm ơn tạp chí Sân Khấu đã dành cho Thiện Tùng cơ hội được trò chuyện với Bạn đọc, và đặc biệt với bạn nghề. Thật hạnh phúc khi Thiện Tùng được nhận giải thưởng cao quý nhất trong kỳ Liên hoan sân khấu Kịch Nói chuyên nghiệp toàn quốc 2021.

Điều Tùng nghĩ đến khi đấy chính là mình đã đạt được vinh quang cao quý sau 16 năm làm nghề. Một chặng đường thật không đơn giản, mình cứ cố gắng cố gắng rồi cũng có được thành tích mà những người nghệ sĩ đều mong đợi. Và thật tự hào vì mình là một nghệ sĩ của Nhà Hát Kịch Hà Nội. Mình cũng đã góp sức mình vào thành công của Nhà Hát tại một kỳ Liên hoan.

“Quả” là vai diễn cực “nặng” đối với bất kỳ nghệ sỹ nào nếu được giao vai này. Một vai diễn dài hơi, nhiều giai đoạn cuộc đời và xuất hiện từ đầu đến cuối với vô vàn những tình huống kịch và lời thoại. Bạn có bị “tẩu hỏa nhập ma” không, và bạn phải làm thế nào để đủ tỉnh táo kiểm soát toàn bộ vai diễn của mình?

Có thể nói nhân vật “Quả” trong “Làng Song Sinh” của Nhà Văn Xuân Đức là một nhân vật lý tưởng, một mảnh đất màu mỡ cho người nghệ sĩ hoá thân thoả sức sáng tạo. “Quả” được xuất hiện từ đầu đến kết vở kịch và sống trong câu chuyện hơn 20 năm, từ chàng trai khù khờ đến khi trở thành một chủ tịch huyện đầy mưu tính.

Thiện Tùng (bìa phải) cùng NSND Trung Hiếu – Đạo diễn vở “Làng song sinh” và diễn viên trẻ Thùy Anh

“Quả” đa nhân cách bởi vậy đây là nhân vật rất sinh động, tuy nhiên cũng là nhân vật rất khó thể hiện, bởi lẽ thực tế cuộc sống sẽ không tìm thấy mẫu người nào như “Quả”. Cái khó của Thiện Tùng khi làm vai Quả chính là phải làm thật tốt sự trong sáng của Quả khi nhân vật mới 23 tuổi ở phần đầu vở diễn, như vậy mình sẽ phải làm trẻ hơn chính mình đến 18 tuổi. Và để khán giả chấp nhận và tin sự ngô nghê của nhân vật thì đây là một thách thức đối với Thiện Tùng.

Rồi đến phần sau của vở kịch, Quả lại là con người khác hẳn sự ngô nghê hồi trẻ của mình, khi ấy, “Quả” của một thời trong sáng, hồn nhiên đã bị triệt tiêu hoàn toàn, lộ rõ sự toan tính, nén chịu để thực hiện mục đích trả thù những người thân đã lửa dối và đẩy Quả vào bẫy tình.

Tâm lý đa chiều của nhân vật phức tạp nếu mình không nắm rõ hoàn cảnh lịch sử cụ thể, không tự đặt cho mình những câu hỏi tại sao, có lẽ mình sẽ không biết sẽ làm gì và làm thế nào để nhân vật có đời sống nội tâm phù hợp.

Một nghệ sỹ lên sân khấu cần bao nhiêu % độ “phiêu” và bao nhiêu % độ “tỉnh táo”? Giữa “phiêu” và “tỉnh”, bạn thấy cách diễn nào phù hợp với mình hơn?

Là một diễn viên chuyên nghiệp Thiện Tùng nghĩ trước tiên mình phải thật tỉnh táo, tính toán kỹ để đảm bảo độ chính xác cho nhân vật trước rồi mới tính đến độ phiêu. Khi nhân vật đã chắc chắn đúng quỹ đạo về mọi mặt thì khi đó “phiêu” sẽ là lúc thăng hoa của biểu diễn.

Sau khi hoàn thành xong vai diễn tại cuộc thi, điều bạn nghĩ đến là gì?

Sau khi hoàn thành vai diễn sau Liên hoan, Thiện Tùng nghĩ làm sao được diễn thật nhiều đêm trước khán giả, vì đã 2 năm rồi từ đại dịch Covid gần như việc biểu diễn trở nên xa xỉ đối với các Nhà hát. Tùng rất mong mọi thứ ổn trở lại để Nhà hát lại “sáng đèn” và các nghệ sĩ lại được biểu diễn thăng hoa trước khán giả thân yêu.

Trong quá trình nhập vai, điều bạn hài lòng nhất về mình là gì? Có khi nào bạn thấy hối tiếc một điều gì đó khi vào vai Quả?

Sau mỗi đêm diễn trước khán giả thì đấy chính là lúc mình tự đo đếm và tính toán lại về vai diễn sao cho hợp lý hơn. Nghệ thuật biểu diễn là vậy, rất cần phản ứng của khán giả, vì người hoàn thiện vở diễn chính là khán giả. Khán giả hài lòng thì vai diễn mới thành công.

Trong quá trình nhập vai, điều hài lòng nhất của Tùng là đã tìm được đồng vọng của nhân vật với khán giả, đã tìm được cảm xúc của nhân vật trong lòng khán giả, khán giả đã cười, đã ghét và thương tiếc cho nhân vật “Quả”. Tùng tin là sau mỗi đêm diễn, nhân vật Quả sẽ được hoàn thiện hơn.

Bạn có nhận xét như thế nào về người bạn thân cùng diễn trong vở Làng song sinh – Phùng Tiến Minh? Cái mà bạn cảm thấy thú vị nhất khi diễn cùng Phùng Tiến Minh là gì?

NSƯT Tiến Minh là người anh, người thầy đầu tiên của Thiện Tùng. Hai anh em chơi với nhau từ thời học sinh, vì anh Minh học nghệ thuật nên Tùng mới biết để theo học, anh đã dạy và chỉ bảo Tùng từ những ngày đầu tiên tập bài để thi vào trường.  Nên khi ra trường, hai anh em cùng về Nhà Hát kịch Hà Nội để có nhiều cơ hội đứng chung sân khấu.

Thân nhau ngoài đời nhưng mỗi lần có dịp làm chung lại rất hay được làm những vai đối đầu nhau, đấy là đều rất thú vị, vì chỉ có trên sàn diễn anh em mới có dịp cãi vã, “hành hạ” nhau.

Kịch nói hiện đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là việc khán giả ngày càng tỏ ra ít quan tâm hơn đến bộ môn nghệ thuật này, là một diễn viên kịch nói, bạn có thấy chạnh lòng?

Kịch nói là bộ môn nghệ thuật hàn lâm bởi vậy mà nó đã tồn tại hơn 2.500 năm . Nó hấp dẫn và lay động trái tim khán giả, nó khiến khán giả cùng khóc cùng cười cùng suy ngẫm về những vấn đề sâu xa, ẩn dụ trong tác phẩm.

Tuy nhiên với thời đại công nghệ số như ngày nay, khán giả có quá nhiều lựa chọn, họ có thể khám phá khắp thế giới qua chiếc điện thoại thông minh, chính vậy mà sân khấu kịch nói phần nào vắng khán giả mặc dù có rất nhiều tác phẩm xuất sắc.

Nếu cứ buồn, buông trôi thì kịch nói liệu sẽ đi về đâu? Thiện Tùng nghĩ đây là trách nhiệm chung của những người làm sân khấu, làm sao để kéo khán giả đến với Nhà hát, để Kịch nói vẫn huy hoàng như những gì đã có.

Ví dụ với góc độ là một khán giả, bạn sẽ muốn đi xem một vở kịch như thế nào? Nhà hát kịch Hà Nội đã có những vở diễn nào đáp ứng được các tiêu chí ấy?

Theo quan niệm của Thiện Tùng, tiêu chí để thưởng thức một tác phẩm kịch nói chính là chất lượng nghệ thuật của vở diễn: mãn nhãn, mãn nhĩ và tác phẩm hướng tới điều gì dù là giải trí, hay chính luận thì cũng phải đạt được thẩm mỹ cao. Hướng con người đến vẻ đẹp chân thiện mỹ.

Nhà Hát Kịch Hà Nội cũng có rất nhiều tác phẩm nổi tiếng đạt được điều đó như “Tôi và chúng ta”, “Hà Mi của Tôi”, “Cát Bụi” “Những mặt người thấp thoáng”, “Tiếng Đàn vùng mê thảo”, “Trương Chi – Mỵ Nương”, ” Hà Thành chính khí” và gần đây nhất là “Làng Song Sinh” ….

Ngày xưa, diễn viên kịch nói sống được, thậm chí sống tốt với nghề của mình, còn ngày nay, hầu hết các diễn viên đều phải kiếm thêm thu nhập từ những công việc khác. Với Thiện Tùng, chuyện “cơm áo gạo tiền” có ảnh hưởng nhiều đến hoạt động nghệ thuật của bạn?

Vấn đề kinh tế đối với cuộc sống là vô cùng cần thiết, “có thực mới vực được đạo” vậy nên việc khó khăn quá cũng khiến nhiều nghệ sỹ không trụ được với nghề, nếu cứ khó khăn mãi thì sẽ không còn thế hệ kế tiếp theo học và làm nghề, sẽ không còn những đào kép xuất sắc nữa, và như thế sẽ không còn nhiều lựa chọn tốt nhất cho các Nhà hát. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến chất lượng nghệ thuật.

Với Tùng cũng vậy thôi, nhiều khi cũng thấy mệt mỏi vì thời cuộc và thương cho cuộc sống của anh em nghệ sỹ, và vẫn mong ước có được sự ổn định hơn để được làm nghề mà không phải lo nghĩ nhiều đến cơm áo gạo tiền. Khi đó,  mình sẽ toàn tâm toàn ý vào việc hoàn thành thiên chức của người nghệ sỹ là sáng tạo ra những tác phẩm làm vui làm đẹp cho đời.

Quan niệm của bạn về việc chinh phục các đỉnh cao trong nghề là gì? Bạn đã thấy hài lòng với vai Quả hay bạn vẫn muốn được chinh phục những vai diễn khó hơn?

Nghệ thuật không có đỉnh cao để tự mãn. Người nghệ sĩ luôn phải làm mới mình trước mỗi vai diễn, không để cùn, mòn cảm xúc với chính nghề nghiệp của mình – Thiện Tùng luôn tâm niệm như vậy.

Vai “Quả” là thành công của ngày hôm nay, nhưng ngày mai nó đã là kỷ niệm, thế nên Tùng vẫn luôn cố gắng với công việc của mình để đón chờ những cơ hội mới với những vai diễn mới hay hơn, tốt hơn để làm hài lòng khán giả.

Cảm ơn Thiện Tùng về cuộc trò chuyện!

Xem lại vở kịch Làng song sinh:

Việt Tùng (thực hiện)

Tags: #Làng song sinh#Liên hoan kịch nói 2021#Nhà hát kịch Hà Nội#Thiện Tùng