Nghệ sỹ trẻ Tô Dũng: Kịch nói là “hơi thở” trong cuộc sống của tôi
Với phần thể hiện cực kỳ xuất sắc vai Bân trong vở kịch Điều còn lại (Nhà hát kịch Việt Nam), nghệ sỹ trẻ Tô Dũng đã được BGK trao …
Thể hiện xuất sắc vai nữ cán bộ trại giam trong vở cải lương Chuyện của Dung – nghệ sỹ trẻ Thu Mỹ đã được BGK trao tặng Huy chương vàng, vở diễn đoạt Huy chương Bạc tại Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân vừa diễn ra tại Hà Nội.
Sinh ra và lớn liên ở vùng đất Tây Ninh – dải đất miền Tây Nam Bộ – “cái nôi” của cải lương Việt Nam nên từ nhỏ, dù gia đình không ai theo nghệ thuật nhưng Thu Mỹ đã sớm bộc lộ tài năng văn nghệ, đặc biệt là hát cải lương. Với niềm hạnh phúc khi khoác lên mình những bộ cánh “giả” làm hoàng tử, công chúa – Thu Mỹ nuôi trong mình giấc mơ trở thành một nghệ sỹ cải lương nên cô đã nhiệt tình tham gia tất cả các hoạt động văn nghệ của trường, lớp và đi diễn phục vụ chiến sỹ, nhân dân trong vùng.
Lớn lên, cô “khăn gói quả mướp” lên thành phố Hồ Chí Minh thi và đỗ vào khoa kịch hát dân tộc (cải lương) tại trường ĐH SKĐA thành phố do thày Lê Nguyễn Đạt làm trưởng khoa và thày Cao Tấn Lộc làm chủ nhiệm. Tốt nghiệp ra trường, Thu Mỹ về đầu quân cho Trung tâm văn hoá nghệ thuật tỉnh Long An.
Tham gia Liên hoan nghệ thuật sân khấu toàn quốc hình tượng người chiến sỹ Công an nhân dân, Thu Mỹ được đạo diễn – NSƯT Hồ Ngọc Trinh giao cho vai nữ chính trong vở Chuyện của Dung và cô đã xuất sắc giành Huy chương vàng một cách vô cùng thuyết phục. Sau cánh gà sân khấu Lễ trao giải, phóng viên Tạp chí sân khấu đã có cuộc phỏng vấn nhanh với Thu Mỹ về sự kiện ý nghĩa này.
Chào Thu Mỹ, cảm giác của bạn bây giờ như thế nào khi nhận được Huy chương vàng cá nhân trong Liên hoan?
Cho đến bây giờ thì em vẫn còn cảm giác rất vui và hạnh phúc khi nhớ lại lúc được MC xướng tên mình trong danh sách 59 HCV cá nhân, lần đầu tiên được cầm trong tay chiếc HCV tại Liên hoan toàn quốc – đó là niềm vinh dự lớn cho bản thân em, cho thành tích của đoàn, niềm vui của gia đình, cho cả 1 sự nỗ lực, phấn đấu của bản thân.
Để thể hiện vai nữ cán bộ trại giam một cách thuyết phục, Thu Mỹ đã gặp những khó khăn và thuận lợi như thế nào?
Điều khó khăn nhất là mình không có nhiều kinh nghiệm nghiệp vụ, nên phải làm sao để hoá thân thật giống với vai nữ cảnh sát trại giam mới ra trường về nhận công tác, rất nhiều áp lực từ gia đình, công việc đến phạm nhân, vv… mà khó nhất là tập cách thoại, lúc đầu em thoại bị khô và không có tình cảm, nhưng trong quá trình tập, được đạo diễn – NSƯT Hồ Ngọc Trinh hiện đang là Trưởng đoàn kiêm Phó giám đốc trung tâm văn hoá tỉnh và NSND Triệu Trung Kiên chỉ dẫn, dạy bảo tận tình nên em đã dần khắc phục được những nhược điểm của mình và bằng chứng là có một cô cảnh sát trại giam “cứng” mà không “cứng “ trên sân khấu trong vở Chuyện của Dung.
Tính chất của ngành công an là nghiêm khắc và “cứng”, nhưng hát cải lương thì lại mềm và ngọt, vậy bạn đã phải làm thế nào để dung hoà được hai yếu tố tưởng như đối nhau như thế trong một vai diễn?
Để dung hoà được thì không phải riêng em mà nó còn là thủ thuật xử lý của đạo diễn và cách đặt bài hát của tác giả ở mỗi tình huống, em chỉ là người thể hiện nó. Cái “cứng” là khí chất, là tính cách nhân vật, còn cải lương là một bộ môn nghệ thuật và nó đủ để có thể miêu tả được hết các trạng thái của nhân vật, vì thế không có quá nhiều khó khăn khi thể hiện hình ảnh một chiến sỹ công an trên sân khấu cải lương. Điều quan trọng là tác phong phải chuẩn và diễn phải chân thật, hát phải thật hay và cảm xúc là sẽ chinh phục đươc khá ngỉa.
Bạn có cảm nghĩ như thế nào khi nhận được giải thưởng danh giá này?
Ở mỗi giải thưởng đều có ý nghĩa và cảm xúc khác nhau, em không biết phải giải thích như thế nào, nhưng không chỉ riêng giải thưởng này mà tất cả những giải thưởng nào mà em có được nó đều rất quý giá, là tài sản, là báu vật của người nghệ sĩ, là hành trang trưởng thành trên con đường nghệ thuật nên em rất trân trọng.
Có rất nhiều khán giả tiếc nuối khi vở Chuyện của Dung của Cải lương Long An không đoạt Huy chương vàng, bạn có suy nghĩ gì về điều này?
Em và đoàn xin cám ơn tình cảm của quý khán giả yêu mến cải lương phía Bắc đã dành cho đoàn Cải lương Long An. Tiếc thì cũng có tiếc đấy chứ, vì khi đoàn cất công dựng vở để đi thi thì ai cũng muốn mình có thành tích cao, nhưng cái này nó còn nhiều vấn đề và tuỳ vào góc độ đánh giá của BGK nữa, nên em xin phép không có ý kiến. Mà đoàn em cũng được Huy chương Bạc, vẫn được khán giả nhớ đến là em vui lắm rồi.
Trong vở diễn này, có phân đoạn nào mà Thu Mỹ thấy mình diễn chưa thực sự ưng ý không?
Đó là cảnh cô cảnh sát chia tay người yêu, bởi có thể nói một phần rất giống số phận ngoài đời của em, nên rất xúc cảm, cảnh đó cũng là cảnh lấy đi rất nhiều nước mắt của em khi tập, thi diễn và cả khán giả nữa, nhưng vẫn có khán giả họ muốn đoạn đó em thử diễn “tĩnh” hơn nữa rồi cuối cùng hãy bung ra khi chỉ còn một mình, thì sẽ lấy được nhiều nước mắt hơn nữa, bởi như vậy khán giả sẽ thấy thương cô này hơn là chưa gì đã khóc bù lu bù loa mà khán giả không có cảm xúc (cười)
Là một “thí sinh” đi thi, chắc hẳn Thu Mỹ cũng xem một số vở diễn khác, bạn có cảm tình nhất với tác phẩm nào?
Cá nhân em rất thích vở Bộ Cảnh phục của đơn vị Nhà hát Tuổi trẻ. Vì ở đó câu chuyện rất hay và nhân vật nữ chính do bạn Ngô Lệ Quyên đảm nhận cũng rất dễ thương, và hoàn cảnh nhân vật của bạn ấy cũng giống giống với nhân vật của DUNG trong Chuyện của Dung, nên khi xem vở đấy, cảm xúc của em cứ nghẹn ở cổ rồi có lúc mình rơi nước mắt vì thương quá.
Giới trẻ ngày nay có vẻ không mấy mặn mà với sân khấu cải lương, bạn thử lý giải nguyên nhân nhìn từ góc độ một người trẻ như bạn?
Đây là câu hỏi em cũng thường gặp nhiều khi được các anh chị phỏng vấn. Theo em thì em nghĩ đó là tư duy và đam mê của mỗi người nhìn nhận một loại hình nghệ thuật khác nhau. Mỗi loại hình đều có cái hay riêng và mình không ép các bạn phải thích loại hình của mình, mà mình phải làm sao để loại hình nghệ thuật cải lương thuyết phục được các bạn trẻ, để các bạn ấy có cái nhìn khác về cải lương là không bị sến, bị điệu.
Trong những ngày tập luyện vở Chuyện của Dung cũng như suốt chặng đường nghệ thuật của mình, gia đình có ủng hộ bạn không hoặc bạn có gặp khó khăn gì từ phía họ không?
Tuy gia đình em không có truyền thống nghệ thuật, nhưng cả nhà ai cũng đam mê, thích hát hò. Vì thế, em theo nghề thì được cả nhà ủng hộ hết mình, khi đi thi diễn, gia đình luôn theo dõi và cổ vũ em. Ba mẹ chứng kiến con mình cùng đoàn tập luyện vất vả cả tháng hơn nhưng khi ra sân khấu dù hay dù dở thì cũng chỉ có hơn 2 tiếng đồng hồ để thể hiện tài năng, nên ba mẹ rất thương.
Là một cô gái đẹp lại sống và hoạt động trong môi trường nghệ thuật đầy sự cám dỗ, bạn đã làm như thế nào để vượt qua được những cám dỗ đó?
Đó cũng là điều mà gia đình em lo sợ cho em khi một mình vấn thân vào nghệ thuật. Nhưng em nghĩ có bị cám dỗ hay không còn tuỳ vào tính chất mỗi người nữa ạ, nên không thể nói trước là mình có bị hay không, mà là do mình có thích hay không thôi.
Mong muốn lớn nhất của bạn hiện tại của bạn là gì ở cả khía cạnh gia đình và nghề nghiệp?
Thu Mỹ luôn mong cho mình và các anh chị nghệ sĩ có thật nhiều sức khỏe để làm nghề, với đoàn thì Lãnh đạo sẽ quan tâm đoàn nhiều hơn để đoàn có thêm nhiều vở diễn hay nữa để dự thi ở các Liên hoan và phục vụ khán giả. Gia đình thì luôn ủng hộ và theo dõi từng bước trưởng thành của em. Trước mắt đang trong tình hình dịch bệnh Covid căng thẳng, nghệ sĩ chúng em lại càng khó khăn khi các Show diễn, các cuộc thi đều phải tạm hoãn, rất buồn và mong cho sớm qua cơn dịch để được đi diễn trở lại.
Cảm ơn Thu Mỹ về cuộc trò chuyện và chúc bạn ngày càng thành công hơn nữa trên con đường nghệ thuật.