Sân khấu Lệ Ngọc giới thiệu vở diễn Cây tre thần

Dù đang ở thời kỳ rất căng thẳng vì dịch COVID-19, tập thể diễn viên của Sân khấu Lệ Ngọc vẫn hết sức tập trung, tâm huyết dàn dựng đúng kế hoạch để đưa lên sàn diễn vở “Cây tre thần”.

Để đảm bảo cho khán giả và các nghệ sĩ phòng tránh dịch bệnh, NSND Lệ Ngọc đã không ngại tốn kém, thực hiện nhiều biện pháp có thể như kiểm tra thân nhiệt, đề nghị khán giả khử trùng tay, thay khẩu trang mới… Nhiều người tỏ ra rất thú vị với không khí vừa có chút khẩn trương, vừa vui vui, vừa thanh thản khi đến với đêm diễn ở thời điểm hiện nay nên không ngừng chụp ảnh quang cảnh lạ cho một đêm diễn.

 Trung thành với tiêu chí xây dựng những cốt truyện mang đậm bản sắc văn hóa Việt, NSND Lệ Ngọc đã đặt hàng cho biên kịch. Đây là kịch bản được lấy tứ từ câu truyện cổ tích “Cây tre trăm đốt” vốn khá đơn giản: anh nông dân bị địa chủ lừa tận lực làm việc không công cho mình với lời hứa sẽ gả con gái cho anh. Nhưng khi gần tới ngày hẹn, lão lại quyết gả con gái cho con quan, liền bảo anh vào rừng tìm cây tre có đủ trăm đốt thì sẽ thực hiện lời giao ước. Nhờ vào sự giúp sức của thần linh, anh nông dân cuối cùng cũng trở về, buộc lão chủ phải thực hiện lời hứa.

Khi lựa chọn cốt truyện này, biên kịch Lê Thế Song đã có ý tưởng lồng ghép vào đó những thông điệp về môi trường đang nóng hiện nay bên cạnh những nhắn gửi khá thâm thúy về nhân tình thế thái, về đạo làm quan… Kịch bản qua khâu dàn dựng cũng được đóng góp sửa chữa nhiều để có được sự hợp lý, gắn kết các sự kiện kịch…

Như hầu hết các câu chuyện dân gian, tuyến nhân vật trong kịch cũng rất rõ ràng: hai nhóm Thiện, Ác xung đột khá quyết liệt. Nhóm Thiện có anh nông dân Đức, được Hạnh – cô con gái thiện lương trong sáng của ông bà Chánh yêu thương và những người làm khác trong nhà quý mến, ủng hộ là Vại, Chum…; và quan trọng là Đức có được quyền năng của Tiên Tre khi anh vào rừng tìm cây tre trăm đốt, bị kẻ tình địch là Trương Dáng hại thê thảm.

Nhóm Ác lại khá đông với đội ngũ chức sắc trong làng như lão Chánh hay thậm chí là quan chức cỡ lớn như Bạch Hổ; thêm nữa là bà Chánh yêu tiền, độc ác, hay anh chàng con rể bất thành nhân dạng Trương Dáng cùng đám người hầu của cậu ta… Cả hai nhóm đã thực sự đối đầu khá quyết liệt. Trương Dáng ban đầu đem tới cảm giác kẻ ngu dốt, hài hước vì bộ dáng lệch lạc nhưng sau đó, hàng loạt những tác động như nghe theo lời bà Chánh, âm mưu giết Đức, đốt cả rừng tre để che giấu tội ác, nhằm chiếm đoạt bằng được cô Hạnh… Đức chân thành, giỏi võ, yêu thiên nhiên… đã tay không đấu lại với âm mưu của cả nhóm Ác, nhưng anh đã cân bằng lại thực lực nhờ vào sự giúp sức có phần ngây ngô của cậu béo Chum…

Cuối cùng, cái kết lành cũng tới, nhờ vào quyền năng của Tiên Tre, Đức đã khiến những kẻ gian ác bị “khắc nhập” – dính vào thân tre lớn, bị biến thành những chiếc rễ tre để tìm kiếm chất nuôi sống cây… Chỉ khi kẻ ác biết hối hận, chúng mới có thể trở lại hình hài con người…

Những cảnh diễn được xử lý của đạo diễn, NSƯT Bùi Như Lai cũng được khán giả tán đồng. Không quá nặng nề về trang trí sân khấu, với phông nền mềm là quang cảnh làng quê Việt xưa, đôi nét gợi ý về cảnh cụ thể: nhà ông bà Chánh, rừng tre, những chiếc ghế là cách điệu của gốc tre…, đạo diễn đã gợi lên trong tưởng tượng khán giả những gì anh định diễn tả. Không gian mờ ảo dưới ánh trăng, cảnh diễn mơ mộng giữa Hạnh (con gái ông bà Chánh) và anh chàng Đức thật thà, giỏi giang… khá đẹp với những động tác hình thể vốn là sở trường của đạo diễn Như Lai.

Hay phép thuật để cây tre trăm đốt xuất hiện trên sân khấu cũng được xử lý tốt với khói sương mờ ảo, cây tre từ trên cao thả xuống. Đạo diễn cũng huy động để các thành phần khác hỗ trợ tốt nhất cho tác phẩm. Ngay màu sắc của trang phục cũng là cách để người xem phân biệt thiện – ác khi những nhân vật nhóm Thiện đều là màu xanh dịu mắt trong khi nhóm Ác là sắc nóng đỏ, cam…

Tập thể nghệ sĩ cũng đã cố gắng để thực hiện tốt nhất cảnh diễn. Lâm Cương với ngoại hình sáng đã luyện tập ngày đêm để cơ thể thêm vạm vỡ, những đường quyền, bài múa võ không trở nên phản cảm. Đây cũng là vai diễn có bước tiến lớn của diễn viên trẻ này. Hay vai của nhà thiết kế Sỹ Hoàng dường như cũng mang được cái tung tẩy của phong cách phương Nam đến với sàn diễn. Rồi vai của nghệ sĩ Thanh Bình (ông Chánh), NSND Lệ Ngọc (bà Chánh), Huy Hoàng (Trương Dáng), Thu Đào (Vại)… Những vai diễn ấy cứ hồn nhiên gây ấn tượng với người xem, tạo ra sức hấp dẫn trong những tiếng cười, tràng vỗ tay sau mỗi cảnh diễn.

Tuy nhiên, “Cây tre thần” vẫn còn những điểm mà người am hiểu mong muốn tập thể nghệ sĩ tiếp tục hoàn thiện thêm. Hoàn toàn có thể rút ngắn gọn hơn cho thêm xúc tích, hấp dẫn như ở cảnh tự tình giữa Hạnh – Đức, có tới hai lần Hạnh giơ tay mời gọi Đức gây ấn tượng quá… hiện đại và có phần không phù hợp với tâm thức phụ nữ Việt. Rồi cũng cần tiết chế những chỗ sương khói như ở cảnh đầu, tiếng động lúc hoàng hôn ở thôn quê thường là tiếng dế, tiếng chẫu tràng chứ không phải tiếng chim… Hay những lời viết có vẻ văn quá trong lời thoại về tre, lịch sử cây tre, sự cần thiết của tre trong đời sống văn hóa làng quê Việt Nam cần được chắt lọc hơn, khi thốt ra cần sự sâu sắc hơn. Cũng có đôi ba đoạn diễn, người xem ao ước diễn viên biết tiết chế hơn, diễn ăn nhập hơn nữa để vẫn tung tẩy mà không lộ ra sự tùy tiện…

Đêm diễn là điểm sáng đáng chú ý trong bối cảnh hiện nay, hầu hết các sàn diễn rất e ngại về dịch bệnh. Lại càng đáng khích lệ hơn khi các đơn vị công lập đang bị tối đèn… Mong lắm, những tác phẩm Sân khấu được đầu tư tốt, kỹ càng và chất lượng để nâng tầm sân khấu Việt.

Ngọc Diệp

Tags: #Cây tre thần#NSND Lệ Ngọc#Sân khấu Lệ Ngọc