Sân khấu là Thánh đường

Với các nghệ sỹ, sân khấu chính là thánh đường nghệ thuật

Có lần tại Nhà hát đương đại Ajoka (1), khi vở diễn về giáo sĩ – nhà thơ dòng sufi  Bulleh Shah (2) vừa khép lại, người ta thấy một cụ già dắt theo một cậu bé đến gặp nam diễn viên thủ vai người giáo sĩ vĩ đại (3). Cụ già nói: “Cháu nội ta không được khỏe, xin Người hãy ban phước lành cho nó”. Bị bất ngờ, chàng diễn viên phân bua: “Cháu không phải là Bulleh Shah, cháu chỉ là diễn viên đóng vai nhân vật đó thôi cụ ạ”. Cụ già ôn tồn: “Chàng trai, anh không phải là diễn viên, anh là Bulleh Shah giáng thế, là hiện thân của Người” (4). Trước mắt ta bỗng lóe lên một khái niệm sân khấu hoàn toàn mới mẻ, ở đó người diễn viên trở thành hiện thân của nhân vật mà anh thủ vai.

Tìm hiểu thêm ta sẽ thấy ở các nền văn hóa khác nhau đều có những câu chuyện tương tự như chuyện về giáo sỹ Bulleh Shah kể trên, chúng như nhịp cầu kết nối giữa chúng ta, người làm sân khấu, với những khán giả không quen biết nhưng giàu đam mê. Quá trình diễn xuất, đôi khi ta bị cuốn theo triết lý sân khấu, mải mê với vai trò của người tiên tri trước những biến động xã hội, và ta bỏ phần lớn công chúng lại phía sau. Trong khi mải chinh phục những thách thức của thực tại, ta tự đánh mất những trải nghiệm tinh thần sâu sắc mà sân khấu có thể mang lại.

Trong thế giới ngày nay, nơi mà sự mù quáng, thù hằn, và bạo lực ngày càng chất chứa, trái đất này ngày càng chìm sâu vào thảm họa khí hậu, thì ta càng phải củng cố sức mạnh tinh thần của bản thân. Ta phải đấu tranh với sự vô cảm, thói thờ ơ, sự bi quan, lòng tham và sự bất chấp, vì một thế giới mà ta đang sống, một hành tinh mà ta đang trú ngụ. Nghệ thuật sân khấu đóng một vai trò cao quý trong việc bồi đắp nguồn sinh lực và thúc đẩy nhân loại tự cứu mình thoát khỏi con đường dẫn vào vực thẳm. Nghệ thuật sân khấu có thể tôn sàn diễn, hay không gian biểu diễn thành một chốn linh thiêng.

Ở Nam Á, trước khi đặt chân lên sàn diễn, các nghệ sĩ khẽ chạm vào nó với lòng tôn kính – đó là một phong tục từ cổ xưa khi mà văn hóa và tâm linh hòa quyện. Giờ đây, đã đến lúc cần khôi phục lại mối quan hệ mật thiết giữa nghệ sĩ và khán giả, giữa quá khứ và tương lai. Hành nghề sân khấu có thể được coi là hoạt động thiêng liêng và các diễn viên thực sự có thể trở thành hiện thân của những nhân vật mà họ vào vai. Sân khấu có khả năng trở nên một thánh đường, và thánh đường sẽ trở thành không gian biểu diễn.

 _________________________________________________
(1) Ajoka Theatre: Nhà hát được thành lập năm 1984. Theo ngôn ngữ của người Punjab, “Ajoka” có nghĩa là “Đương đại”. Kịch mục của nhà hát thiên về những chủ đề như bao dung tôn giáo, hòa bình, bạo lực giới tính và quyền con người.

(2) Sufism: Chủ nghĩa triết giáo Sufi. Đây là truyền thống mang tính thần bí của đạo Hồi. Thơ Sufi, phần lớn được trình diễn qua âm nhạc, thể hiện mối kết hợp tâm linh thông qua những ẩn dụ về tình yêu trần tục.

(3) Bulleh Shah (1680-1757): Một nhà thơ có ảnh hưởng lớn người Punjab theo chủ nghĩa Sufi. Ông thường làm thơ về những chủ đề có tính triết lý phức tạp, với lối ngôn ngữ đơn giản. Vốn mạnh mẽ chỉ trích chính thống giáo nên ông bị coi là kẻ dị giáo và không được chôn trong nghĩa trang thành phố khi qua đời. Ông là nhân vật nổi tiếng gây tranh cãi trong tôn giáo đương thời.

(4) Sự hiện thân ở đây có nghĩa là sự hiện hình, tái sinh trong một thể xác mới trên trần thế của nhân vật vốn là một giáo sĩ linh thiêng theo tín ngưỡng của người Hindu.

* Đây là đoạn rút gọn của Bản thông điệp nhân Ngày Sân khấu Thế giới 2020, được đăng bằng tiếng Anh, Pháp và những ngôn ngữ khác trên trang: www.world-theatre-day.org

Sơ lược về tác giả Thông điệp Ngày Sân khấu Thế giới

Shahid Nadeem sinh năm 1947 tại Sopore, Kashmir và lớn lên ở Pakistan. Shahid Nadeem là một nhà viết kịch xuất sắc và là người không ngừng ủng hộ hòa bình trong khu vực và trên thế giới. Shahid Nadeem tin vào sức mạnh của sân khấu và ông đã sử dụng nó. Khi ông bị bắt vào tù vì chống lại chế độ độc tài quân sự ở đất nước, ông đã sáng tạo những vở kịch cho các tù nhân của nhà tù khét tiếng Mianwali. Ông sống ở Lahore, Pakistan, nơi ông đã học thạc sĩ về Tâm lý học từ Đại học Punjab. Shahid Nadeem đã viết hơn 50 vở kịch gốc bằng tiếng Ba Tư và tiếng Urdu, và một số bản chuyển thể những vở kịch của Brecht. Khi Shahid Nadeem làm điều gì đó, ông làm với tất cả sự quyết tâm, kèm theo một sự quyến rũ đặc biệt, một thái độ thân thiện và hài hước. Đó là lý do tại sao ngày nay các cánh cửa mở ra cho bất cứ nơi nào ông tới ở trong nước hoặc ở nước ngoài như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, v.v…

Shahid Nadeem (Nhà biên kịch Pakistan)

Hà Tú Anh (dịch)

(Dịch từ bản gốc tiếng Anh) – Bản rút gọn

Nguồn bài và ảnh: https://www.world-theatre-day.org/

Hà Tú Anh (dịch)

Tags: #nghệ thuật#quốc tế#sân khấu#thánh đường