NSƯT Văn Tân: Truyền lời Bác đến muôn người

Nghệ sĩ Ưu tú Nguyễn Văn Tân (NS Văn Tân) thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu tới mức xác lập kỷ lục độc nhất vô nhị (đến nay đã diễn 1.945 buổi). Ông thật tự hào bởi may mắn đó trong cuộc đời. Đến khi cả nước đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghệ sĩ tiếp tục mang lời thiêng của Người truyền đến với đồng bào Nam, Bắc trong niềm xúc động to lớn.

NSƯT Văn Tân trong một lần thể hiện hình tượng Bác Hồ

Sau những chuyến lưu diễn dài ngày trên đất phương Nam, Tây Nguyên hay ngành nào đó lâu lâu trở về, Nghệ sĩ Văn Tân cũng tìm gặp tôi để tặng quà. Hầu như quà của ông là những ấn phẩm thu được sau mỗi buổi diễn do các tác giả xúc động cảm nhận gửi đăng tải trên báo chí.

Khán giả nhiều địa phương, nhiều ngành đã hơn một lần chứng kiến Nghệ sĩ Văn Tân trong hình tượng Bác Hồ, tuy vậy họ đều cảm động đến rơi lệ trước những lời căn dặn thấm thía của Bác với giọng nói xứ Nghệ ấm áp, đầy truyền cảm (đó là sự thành công trong khổ luyện của Nghệ sĩ quê gốc Bắc Giang như ông).

Một lần, nghệ sĩ Văn Tân với tư cách là Chủ tịch Hội Văn hóa Quan họ Bắc Giang được anh chị em CLB Quan họ Bắc Sông Cầu, Quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh mời dự buổi ra mắt, Tại đây, ông đã diễn  hoạt cảnh “Yêu nước, thêm yêu câu hát dân ca”. Sau đó, Nghệ sĩ được Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Bến Tre, Sóc Trăng, Bà Rịa- Vũng Tàu… mời diễn, ai ngờ lưu diễn trong đó gần tháng trời. Nhiều địa phương, nhiều ngành đang tích cực thực hiện Chỉ thị về học tập và làm theo gương Bác gắn với Nghi quyết về xây dựng, chỉnh đốn Đảng nên hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh với những lời dạy của Người thiêng liêng, có động lực thúc đẩy mọi người hành động.  Ông đi suốt từ TP Hồ Chí Minh đến các địa phương, ra tận Côn Đảo thể hiện hình tượng Bác Hồ. Bà con xúc động, lãnh đạo các đơn vị cứ thế chào mời không thể chối từ.

Khi tiếp xúc với ông,  dễ cảm nhận sự dẻo dai về sức khỏe cũng thực sự khâm phục trí nhớ và sự nhập vai tài tình của người nghệ sĩ trong hình tượng Bác Hồ trên sân khấu. Dễ hiểu bởi ông thấm lời Người từ một diễn viên trẻ lúc ấy mới 31 tuổi, thấm thoát gần nửa thế kỷ  kể từ buổi diễn đầu tiên ngày 17/1/1974 và buổi diễn thứ 1.945 gần đây nhất là ngày 3/2/2020.

Lần này ông cho tôi xem các bài đăng trên báo Bà Rịa- Vũng Tàu, Sóc Trăng, Đồng Khởi với ảnh mình trên sân khấu biểu diễn. Ông xem đó như một minh chứng khách quan thành quả lao động nghệ thuật không mệt mỏi của người nghệ sĩ. Tôi trân trọng đọc nội dung những bài báo, không chỉ tác giả và đồng bào xem Nghệ sĩ Văn Tân biểu diễn mà cả những ý kiến tâm huyết của lãnh đạo Đảng, chính quyền các địa phương, nhất là ý kiến một lãnh tụ Đoàn thanh niên cho rằng, tác động những lời nói thiêng liêng của Bác có sức truyền cảm mạnh mẽ qua giọng vang ấm mà nghệ sĩ Văn Tân thể hiện. Anh khẳng định chắc chắn hiệu quả việc học tập và làm theo Bác ở địa phương sẽ thiết thực, hiệu quả cao hơn.

Những câu chuyện xúc động còn được Nghệ sĩ Văn Tân kể khi gặp lại nhiều người dân ở Tây Bắc, Tây Nguyên, Thành phố Hồ Chí Minh đặc biệt là chuyến thăm gặp mặt biểu diễn cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân trên mảnh đất thiêng Côn Đảo. Nhiều người dân trên đảo tuy đã từng nghe hay xem hình ảnh Bác  trên phim ảnh truyền hình nhưng sân khấu thì đây là lần đầu tiên.

– Làm gì để tạo ấn tượng mạnh và sâu sắc với khán giả? – Tôi hỏi Nghệ sĩ đôi chút về học thuật.

Với mình, ngoài những tư chất cần có của người nghệ sĩ, được thể hiện vai lãnh tụ Hồ Chí Minh trong niềm yêu thương, kính trọng của muôn dân là một thử thách lớn, tôi phải tu dưỡng, học tập, nghiên cứu rất nhiều về Người, cả về tư tưởng, đạo đức, tác phong đến luyện giọng, tập từng động tác, cử chỉ sao  cho thuần thục. Hơn bốn chục năm qua, cùng với bạn nghề, lãnh đạo và nhân dân góp ý kiến giúp đỡ, cứ thế tự tôi đặt mốc lần  diễn sau phải thanh xuân, thăng hoa hơn lần trước.

– Trước thềm Đại hội Đảng các cấp, ông thấy thấm thía điều gì ở Bác?- Tôi hỏi ông  gắn với chuyện thời sự.

Lập tức NSƯT Văn Tân trả lời như chính ông luôn tâm niệm lẽ sống:

Những lời Bác Hồ dạy về cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư luôn đúng cho mọi thời đại, chúng ta cần phấn đấu học và làm theo Bác. Không chuyên cần thì làm sao làm ra của cải vật chất, làm ra của cải rồi thì phải tiết kiệm; người cán bộ liêm chính thì không tham ô mà phải vì dân, vì nước.

– Tôi biết, cùng với chương trình đặt sẵn, có những buổi biểu diễn đột xuất,  ông làm thế nào để có ngay kịch bản, nội dung phục vụ?

Trời phú cho tôi trí nhớ lại thêm công luyện học của mình, tôi thuộc và nắm bắt sâu sắc nhiều bài phát biểu, nhiều cuộc gặp gỡ, tiếp xúc và những lời căn dặn thấm thía của Bác Hồ. Khi chuẩn bị, tôi nghiền ngẫm các  kịch bản đã được duyệt, vận dụng lời chào cán bộ, đồng bào, chiến sĩ cho phù hợp hoàn cảnh từng địa phương, mỗi ngành và đối tượng phục vụ nhưng tất cả phải nhuần nhuyễn, kỹ lưỡng. Tuy đã ở tuổi 77, trí nhớ giảm nhưng lời thiêng của Bác như thấm vào máu của tôi rồi, không thể quên đưaợc.

Chứng kiến cuộc sống của ông ngoài đời, tôi cũng thấy điều đó toát lên ở Nghệ sĩ Văn Tân, gần hai chục năm nghỉ hưu nhưng chưa bao giờ tự cho mình nghỉ ngơi. Ông vừa trau dồi thể hiện hình tượng Bác Hồ trên sân khấu lại vừa chủ trì, sáng lập Hội Văn hóa Quan họ tỉnh Bắc Giang  với hơn hai chục CLB Dân ca Quan họ trực thuộc. Như vậy càng hiểu rõ “sự sáng tạo không ngừng là thước đo đạo đức và lao động nghệ thuật của  người nghệ sĩ” ứng với Nghệ sĩ Ưu tú Văn Tân.

Đoàn Cảnh Mạnh

Tags: #Bác Hồ#Kịch nói#NSƯT Văn Tân