Nghệ sỹ trẻ Tô Dũng: Kịch nói là “hơi thở” trong cuộc sống của tôi
Với phần thể hiện cực kỳ xuất sắc vai Bân trong vở kịch Điều còn lại (Nhà hát kịch Việt Nam), nghệ sỹ trẻ Tô Dũng đã được BGK trao …
Tôi gặp Thảo Quyên trong một ngày mùa hè nắng chói chang, oi ả. Những giọt mồ hôi lấm tấm trên khuôn mặt khả ái, với nụ cười tươi rói, tỏa nắng, cô ngồi đối diện tôi trong một quán cóc nhỏ bé nằm ngay sát khu di tích Văn Miếu – Quốc Tử Giám. Có lẽ vì vóc dáng mảnh mai nên nhìn cô trẻ hơn rất nhiều so với tuổi U40 của mình. Quyên cười bảo, cuộc đời cô giản đơn, phẳng lặng, bình yên lắm, không có gì đặc biệt để viết. Nhưng ánh mắt đen láy, sắc sảo, vời vợi thẳm sâu kia lại không biết nói dối…
Sinh ra và lớn lên tại huyện Yên Mô – Ninh Bình, cả tuổi thơ của cô bé Thảo Quyên đã gắn bó thân thuộc với những làn điệu dân ca ngọt ngào qua lời hát ru của bà, của mẹ. Ngay từ nhỏ, Quyên đã thích làm thơ, thích múa hát. Năm 18 tuổi, với chất giọng thiên phú, cô đã lọt “mắt xanh” của ban lãnh đạo Đoàn nghệ thuật chèo Ninh Bình. Quyên được Đoàn cử đi học lớp trung cấp nghệ thuật chèo tại trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Càng học, cô càng hiểu và yêu chèo nhiều hơn. Năm 1997, sau khi kết thúc khóa học, cô trở về Đoàn công tác. Đến năm 2000, Quyên chuyển sang đầu quân cho Nhà hát Chèo Hà Nội (lúc đó có tên gọi là Đoàn chèo Hà Nội) – nơi có những người lãnh đạo tâm huyết, luôn tin tưởng trao cơ hội cho các diễn viên trẻ được học hỏi, cọ xát với bạn nghề và những thế hệ nghệ sĩ “gạo cội”.
Tính đến thời điểm này, NSƯT Thảo Quyên đã gắn bó với nghệ thuật chèo được 20 năm. “Gia tài” nghệ thuật của cô là những tấm Huy chương Vàng, Huy chương Bạc qua các vai diễn: Mỵ Châu trong “Hận Thành Loa”, Kiều trong “Truyện Kiều”, Vân trong “Chuyện tình người mất tích”, Trưng Nhị trong “Vương nữ Mê Linh”… Cho đến tận bây giờ, mỗi khi nhớ lại vai cô giáo Vân, tâm trí Thảo Quyên vẫn như chất chứa vẹn nguyên những cảm xúc đau nhói của hết bi kịch này nối tiếp bi kịch khác trong câu chuyện tình trắc trở của người lính năm xưa từ chiến trường trở về. Bên bến sông, Vân ngày đêm mòn mỏi chờ đợi người chiến sĩ trở về để thực hiện lời nguyện ước.
Cuối cùng, chàng trai ấy cũng quay về, nhưng không phải một mình mà cùng với một người phụ nữ khác. Mâu thuẫn dường như được đẩy lùi khi Vân phát hiện ra người yêu của mình và cô gái kia chỉ là vợ chồng hờ. Nhưng kịch tính lại được đẩy lên cao khi Vân biết người chiến sĩ ấy đã bị nhiễm chất độc da cam… Những niềm hy vọng, mong mỏi, sự chịu đựng, hy sinh, và nỗi đau không cất nổi thành lời của Vân trong “Chuyện tình người mất tích” thực sự đã mang lại những cảm xúc khó quên cho khán giả. Vai diễn này đã đem lại tấm Huy chương Vàng cho Thảo Quyên trong Hội diễn Sân khấu chuyên nghiệp về về tài hiện đại tại Thái Bình năm 2011.
Sau vai Xúy Vân trong trích đoạn chèo cổ “Xúy Vân giả dại” – Thảo Quyên đoạt giải Ba tại Cuộc thi Tài năng Sân khấu trẻ, một vai diễn khác cũng khiến những người yêu chèo không thể không nhớ đến cô – đó là vai Trưng Nhị trong vở “Vương nữ Mê Linh” (đạo diễn – NSND Thúy Mùi). Đó là thử thách không nhỏ với một diễn viên chuyên đóng các vai công chúa, tiểu thư như Quyên. Lần đầu tiên được đạo diễn tin tưởng giao vai nữ tướng, cô đã gặp không ít áp lực trong quá trình diễn tập. Cô đã tìm hiểu trên mạng, đọc các cuốn sách lịch sử nói về hai nhân vật Trưng Trắc, Trưng Nhị.
Trong suốt quá trình tập luyện, cô và các bạn diễn được đạo diễn – NSND Thúy Mùi hướng dẫn, phân tích các động tác, dáng đứng, đài từ… rất kỹ lưỡng. Cô luôn tự nhủ phải nỗ lực nhiều hơn để khắc phục điểm yếu, dần hoàn thiện vai qua từng đêm diễn. Nhờ vậy, các màn diễn: Lời thề, Tuyên lời thề, Ra trận… của Trưng Nhị – Thảo Quyên và Trưng Trắc – Thục Khánh, Hoài Thu là những màn thể hiện khá rõ nét cá tính của hai nữ tướng oai hùng trong lịch sử đấu tranh chống giặc ngoại xâm của dân tộc.
Điều khiến tôi bất ngờ nhất ở NSƯT Thảo Quyên, chỉ trong năm 2019, cùng với ekip của mình, cô đã giới thiệu đến khán giả 10 MV chèo do chính cô soạn lời. Những MV này đều viết về quê hương Ninh Bình, mỗi MV cô viết về một huyện, xã. Có thể kể đến: “Hát về non nước Ninh Bình”, “Ân tình Gia Viễn”, “Ký ức Yên Mô”, “Kim Sơn biển hát”, “Sắc hương Tam Điệp”, “Nho Quan khúc hát thanh bình”, “Yên Khánh bức tranh mùa về”… MV chèo gần đây nhất của Thảo Quyên và ekip được đóng máy ngay trước Tết Canh Tý. Hỏi cô viết lời mới cho chèo có khó không, cô chỉ cười: “Có lẽ do em quá đam mê chèo, lại hay làm thơ, mà thơ đưa vào chèo thuận lắm!”. Quyên thích viết về tình cảm gia đình, tình cha mẹ, rộng lớn hơn là tình yêu với các miền quê khắp dọc dài đất nước.
Nhắc về góc riêng của mình, ánh mắt Quyên ấm áp đến xao lòng. Cô lập gia đình năm 2009, chồng cô làm kinh doanh nhưng anh rất hiểu vợ, luôn ủng hộ, động viên cô theo đuổi đam mê với chèo. Nghề diễn viên khiến Quyên hay phải đi lưu diễn xa nhà, có khi cô vắng nhà cả tháng, nhưng anh luôn là một hậu phương vững chắc, là bờ vai cô gửi trọn niềm tin yêu. Có những đêm rất muộn, cô mới trở về nhà sau buổi diễn, gương mặt còn chưa kịp tẩy trang, cô vẫn thấy anh thức đợi cô. Thương vợ vất vả, anh thay cô quán xuyến việc nhà, chăm sóc hai cô con gái nhỏ, mỗi khi cô nhận vai hay bắt đầu một dự án mới.
20 năm theo đuổi và cống hiến hết mình cho nghệ thuật, dù trên sân khấu chèo hay những dự án nghệ thuật khác, dù cho đó là vai chính hay vai phụ, thậm chí vai quần chúng, chạy cờ, dân làng, Thảo Quyên vẫn không ngừng cố gắng học hỏi, rèn luyện, trau dồi bản thân; nỗ lực sáng tạo để đi đến tận cùng đam mê với chèo. Cô vẫn biết, trong thời đại công nghệ 4.0 này, việc gồng gánh chèo đi tìm khán giả giữa đường đua giải trí quá đa dạng về loại hình, sắc thái sẽ gặp rất nhiều trở ngại, khó khăn.
Nhưng cô tin, nếu vẫn còn những người yêu chèo, thì vẫn luôn còn đó các thế hệ nghệ sĩ giữ gìn, tiếp nối và phát huy nghệ thuật chèo đến muôn đời sau. Vì vậy, có một Thảo Quyên vẫn thầm lặng ngày đêm ấp ủ viết lời mới cho chèo, thầm lặng tích lũy những điều kiện cần và đủ để đến gần hơn với khán giả qua những MV chèo dân dã mà tươi mới, ngọt ngào mà gần gũi, thấm đượm tình yêu và lòng tự hào với quê hương, đất nước Việt Nam.