NSƯT Hữu Châu – “Người nghệ sĩ phải biết giữ mình trong mọi hoàn cảnh”

NSƯT Hữu Châu sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống lâu đời về nghệ thuât. Ông bà nội anh là chủ gánh hát Thanh Minh lớn bậc nhất Sài Gòn, bố là nghệ sĩ Hữu Thìn, mẹ là nghệ sĩ Thanh Lệ, cô ruột là cố nghệ sĩ Thanh Nga, chú là danh hài Bảo Quốc, em ruột là cố nghệ sĩ Hữu Lộc. Năm 18 tuổi, Hữu Châu thi đậu vào Khoa Kịch – Trường Nghệ thuật Sân khấu II, học cùng lớp với NSND Hồng Vân, NSƯT Thành Lộc, Hồng Đào, Hữu Nghĩa, Quang Minh, Phước Sang…

Năm 1985, Hữu Châu tốt nghiệp và nổi tiếng với nhiều vai diễn trên sân khấu kịch như: Nguyễn Trãi trong “Bí mật vườn Lệ Chi”, Nguyễn Lê Quốc công trong “Vua thánh triều Lê”, Võ Công trong “Tiên Nga”, Lỗ Quý trong “Lôi vũ”… và các vai diễn hài dành cho trẻ em với chuỗi chương trình “Ngày xửa ngày xưa”. Bên cạnh lĩnh vực sân khấu, Hữu Châu cũng gây ấn tượng khi tham gia ở lĩnh vực phim điện ảnh, truyền hình.

NSƯT Hữu Châu cho biết, trong lúc thân mẫu mang thai mình, bà vẫn nịt bụng lại để đi hát nên nghệ thuật đã nằm trong máu rồi. Má ba (cố nghệ sĩ Thanh Nga) lấy hết giọng hát hay.  Diễn hài thì chú sáu Quốc (NSƯT Bảo Quốc) cũng giành hết… chỉ còn chừa lại cái “khùng” để làm diễn viên đóng chính kịch là dành cho NSƯT Hữu Châu. Điều ít người biết là, gia đình đã không cho ông theo nghề diễn viên mà bắt đi học văn hóa, nam nghệ sĩ đành lén thi và học kịch nói. Ngày đang là sinh viên, NSƯT Hữu Châu thường hay bị phạt đứng cột cờ và suýt bị đuổi vì lén đi diễn hài với Hữu Nghĩa. Đây là hai người đầu tiên của trường Sân khấu dám trốn trường đi song tấu hài. Hai nghệ sĩ có nhiều kỷ niệm thời còn học chung với nhau, những trò nghịch ngợm của Hữu Châu làm cho Hữu Nghĩa bao phen khốn đốn. Cũng chính nhờ những kỷ niệm như vậy mà hai anh em mới chơi thân với nhau đến tận bây giờ. Nghệ sĩ Hữu Nghĩa cho biết, chính Hữu Châu đã giúp đỡ mình rất nhiều trên con đường nghệ thuật, thực sự đúng với câu nói “học thầy không tày học bạn”.

Sau khi ra trường, NSƯT Hữu Châu về đoàn Kim Cương làm nghề. Nam nghệ sĩ kể, ngày đó, nhà trường định hướng cho sinh viên hay lắm, cho nên năm 17 tuổi là Hữu Châu đã đóng vai già rồi, còn được gọi là ‘Nhất Lão’… Hữu Châu cũng kiếm được nhiều tiền cũng nhờ hàng trăm vai già.

NSƯT Hữu Châu cho biết, vai diễn đã đưa mình đến vinh quang, là Lỗ Quý trong vở “Lôi Vũ” – một vai diễn bị khán giả chửi vì quá đáng ghét. Còn vai diễn đỉnh cao được khán giả nhớ nhiều nhất thì là Nguyễn Trãi trong vở “Bí mật vườn Lệ Chi”. Anh cũng ghi dấu ấn trong những vở diễn kinh điển với các vai Ferdinand trong “Âm mưu và Tình yêu”, vai Bình trong “Đừng nói lời vĩnh biệt”, vai lão ẩn sĩ trong vở “Đời luận anh hùng”….

Hữu Châu bộc bạch, người nghệ sĩ phải vượt qua bao gian truân thì mới thấy quý báu những thành quả mà mình đạt được. Còn các diễn viên trẻ hôm nay nổi tiếng nhanh quá, có người gần như chưa kịp “khổ luyện” mà đã đi trên con đường trải thảm hoa hồng nên đôi lúc tự mãn, tự cao, coi thường bạn diễn. Các diễn viên trẻ hôm nay phải thật sự cảm ơn những lớp đàn anh, đàn chị bởi chính sự khẳng định tên tuổi, nhân cách của lớp anh chị đi trước đã làm nền tảng mà mọi người có một cái nhìn khác, tin tưởng khi nhận và giao vai cho các diễn viên trẻ vừa mới tốt nghiệp trường sân khấu. Nam nghệ sĩ tâm sự, nếu có kiếp sau, cũng xin được làm nghệ sĩ để được đứng diễn mỗi ngày trên sân khấu. “Tôi nghĩ mỗi người có một số mệnh, một cuộc đời nên mọi buồn vui sau này dù có đến tôi cũng đều mỉm cười chấp nhận. Càng trải qua nhiều sóng gió, tôi càng ngộ ra được nhiều điều trân quý, ai cũng chỉ sống một lần trên đời nên hãy cứ vui, nhìn về phía trước và tận hưởng những điều cuộc sống ban tặng” – nam diễn viên bộc bạch.

NSƯT Hữu Châu trong “Bí mật vườn Lệ Chi”

Khoảng năm 2010, nghệ sĩ Minh Nhí mời Hữu Châu về dạy lớp đào tạo diễn viên kịch nói tại Sân khấu kịch Hồng Vân do Minh Nhí và Hồng Vân hợp tác tổ chức, phụ trách môn tiếng nói sân khấu. Lúc đó, sau sự ra đi đột ngột của em trai Hữu Lộc, anh đang buồn nên nhận lời đến với lớp học mong được khuây khỏa. Vậy mà không ngờ, nghiệp dạy cứ thế cuốn người diễn viên cùng với bao lứa học trò, cuộc sống của anh có thêm những niềm vui lấp lánh khi là người đặt những viên gạch đầu tiên trong hành trình làm nghệ thuật của những bạn trẻ.

Nghệ sĩ phải là người ham học hỏi, biết cách quan sát và sáng tạo. Bản thân anh là giáo viên nhưng cũng nhận được từ học trò mình rất nhiều. Đó là nét thanh xuân trong cách diễn, sự chân chất và nguyên sơ một cách đáng quý.

Còn anh dạy học trò sự chín chắn, cách xử lý trên sân khấu. Một vở diễn phải thể hiện lại hàng chục lần, nghệ sĩ sẽ không tránh khỏi sự nhàm chán, thiếu cảm xúc. Lúc ấy, giải pháp của anh là nhìn xuống hàng ghế khán giả và chọn một cá nhân để nuôi dưỡng cảm xúc. Với anh, đó là cách để lấy lại hưng phấn cho vai diễn của mình, cũng như một liệu pháp để tưới tắm cho tâm hồn.

Học trò sợ thầy Châu lắm vì diễn không đúng, quên thoại là bị đánh ngay. Ngoài đời, anh có thể đi chơi chung, đùa giỡn với học trò nhưng vào công việc là phải khác. Học trò biết nên không bao giờ giận thầy.  Nhiều khi học xong, thầy và trò dắt nhau ra quán lề đường nào đó, ăn uống vui vẻ. Nam nghệ sĩ thường dạy học trò của mình rằng: Nghề diễn này không phải ai giỏi cũng trở nên nổi tiếng được. Ngoài ra, cũng cần sự may mắn. Muốn khán giả biết đến tên thì dễ lắm. Biết rồi nhưng thích các em lại là chuyện khó. Nhưng thích rồi mà yêu thương, kính trọng thì vô cùng khó. Bởi vậy phải biết chuyên tâm với nghề và giữ mình trong mọi hoàn cảnh.

PV

Tags: #kịch IDECAF#Kịch nói