NSND Thuý Mùi: Tập trung giải quyết việc cấp bách để sân khấu đổi mới

Vừa trúng cử chức Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thuý Mùi đã có những bộc bạch, chia sẻ về kế hoạch hoạt động và tâm huyết của mình trong việc góp phần thúc đẩy sự phát triển của ngành sân khấu Việt Nam.

Xin chào Tân Chủ tịch của Hội NSSKVN! Trước hết xin bà cho biết, cảm xúc khi nhận nhiệm vụ làm thủ lĩnh của Hội NSSKVN?

Thực sự là tôi vẫn rất xúc động trước những tình cảm của anh chị em hội viên, đặc biệt là những nghệ sĩ lão làng của ngành Sân khấu bởi Đại hội là dịp để các anh chị em giỏi nghề, những nghệ sĩ tài năng tề tựu về và đã trao gửi niềm tin cho BCH, đặc biệt là cho tôi khi được bầu làm Chủ tịch. Tôi cảm nhận được tình cảm hết sức chân thành cũng như sự mong đợi của cả giới đối với BCH, làm sao để tìm thấy những cách làm mới, sự đổi mới, luồng gió mới cho hoạt động Sân khấu cả nước được khởi sắc. Đây không chỉ là tâm sự của riêng tôi, mà còn là tâm sự đau đáu của của BCH và cả giới… BCH cũ các anh chị đã làm được rất nhiều việc nhưng thực sự là Sân khấu có quá nhiều việc, trong khi số người lại hạn chế, hầu như kiêm nhiệm nên việc trao đổi không thường xuyên, chỉ là một năm đôi ba lần… Hy vọng là BCH mới sẽ tìm ra phương thức để có thể hoạt động hiệu quả hơn.

Nhìn vào thành phần của BCH thấy những gương mặt mới chiếm tới quá nửa và là những người trẻ hơn BCH cũ. Ở cương vị mới, bà nhận thấy những khó khăn, thách thức gì để hoàn thành được mục tiêu đổi mới hoạt động Sân khấu? 

Đúng là giới trẻ thì sẽ nhanh nhẹn, năng động, cập nhật thông tin tốt hơn. Tuy nhiên, các đồng chí lão làng thì lại có nhiều kinh nghiệm, có bản lĩnh, nhiều sáng kiến và khả năng để giúp những kiến nghị của mình vững vàng. Còn các đồng chí trẻ thì chưa đủ kinh nghiệm, thêm nữa là còn đang hoạt động ở đơn vị mình nên cũng sẽ có những khó khăn nhất định khi muốn tập trung toàn bộ trí lực của cả BCH ở thời điểm cần thiết nào đó. Lo lắng cho Sân khấu hoạt động tốt thì tôi nghĩ là cần đề ra được kế hoạch hành động tầm ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. Làm thế nào để trong nhiệm kỳ 5 năm, sẽ làm được cái gì lớn và những điều gì cần phải làm thường xuyên…

Tôi cho là việc gần nhất là phải quan tâm tới các hội viên còn gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống, những hội viên có nhiều đóng góp cho Sân khấu. Hội như ngôi nhà, các hội viên gửi gắm tình cảm của mình thì BCH cũng phải làm thế nào để đáp lại tình cảm của Hội viên. Do công tác tổ chức Đại hội rất bận rộn nên có những việc đã có phần bị xao nhãng thì nay chúng tôi cần bắt tay vào làm. Còn những kế hoạch trung hạn và dài hạn thì chúng tôi sẽ tập trung trí tuệ để xây dựng được chương trình hành động. Chúng tôi nhận thức được, thời điểm hiện nay, cần tăng thêm tinh thần trách nhiệm cũng như phân công công việc cụ thể cho từng thành viên BCH để hiệu quả làm việc sẽ được nâng cao.

Việc thì quá nhiều, làm cùng lúc thì không thể làm hết được nên chúng tôi dự kiến những vấn đề nào cấp thiết thì triển khai sâu rộng, mạnh mẽ hơn để làm sao có thể tập trung vào những mục tiêu cần thiết. Còn những việc thuộc kế hoạch trung hạn và dài hạn thì ta sẽ tiếp tục ở thời gian sau. Việc lớn là xây dựng tác phẩm đi vào con đường phản ánh trung thực xã hội hiện đại, mảng vẫn còn như sự thách thức với Sân khấu bởi vẫn còn những e ngại về những va chạm không hề nhỏ, tất yếu sẽ tới khi đi vào vấn đề hôm nay. Có làm được thì mới có cú hích cho sân khấu phát triển, mới tạo được tiếng vang để khan giả đến với sân khấu. Chúng tôi sẽ cố gắng để có những cuộc vận động, những sự động viên cần thiết nhằm tạo ra những tác phẩm đủ sức hấp dẫn khan giả, góp phần giải quyết được sự khủng hoảng khán giả của Sân khấu…

Trong Đại hội, qua ý kiến Hội viên có thể thấy Sân khấu đang gặp rất nhiều vấn đề đặc biệt là sự thiếu vắng khán giả kéo dài nhiều thập niên, rồi sự quản lý của TW Hội với các chi hội địa phương hay những dự án mãi vẫn nằm trên giấy như dự án xây dựng Bảo tàng cho Sân khấu?

Đúng là Sân khấu đang có quá nhiều khó khăn mà cái khó khăn lớn nhất là sự thiếu vắng khán giả. Từ khi tôi còn ở một đơn vị địa phương, tôi đã trăn trở và bàn với các lãnh đạo Hà Nội cho chúng tôi thực hiện đề án xây dựng khán giả cho tương lai ở từng thể loại Sân khấu như Tuồng, Chèo, Cải lương hay Kịch nói… Chúng ta mới chú trọng tới nâng cao chất lượng nghệ thuật các tác phẩm sân khấu mà chưa suy nghĩ làm thế nào để mở rộng, nuôi dưỡng tình yêu của khan giả đối với các loại hình sân khấu. Đây là vấn đề nổi cộm khiến các nghệ sĩ gặp nhau ở Đại hội, dù rất ngắn thôi, nhưng giống như yêu cầu, giao nhiệm vụ. Chắc chắn là chúng tôi sẽ kết hợp với các đơn vị, các địa phương để tăng thêm sức hấp dẫn khán giả cho Sân khấu.

Với quan hệ giữa TW Hội với địa phương thì từ xưa đến nay, các đơn vị trực thuộc địa phương, Bộ chứ không trực thuộc kinh phí trung ương Hội nên sự chỉ đạo cũng có những sự lỏng lẻo… Nhưng chúng tôi dự tính, sẽ đưa ra một phương án hữu hiệu, thực hiện thí điểm ở một vài tỉnh để các tỉnh thấy thiết thực đối với mình thì chắc cũng không dại gì người ta không theo. Nếu có kết quả, thì chúng tôi sẽ xây dựng đề án kinh phí một phần xin Nhà nước, còn một phần thì chúng tôi sẽ tìm cách kêu gọi tài trợ từ nguồn lực xã hội để có thể chủ động trong kế hoạch của mình. Còn với những khó khăn như khi thực hiện những dự án lớn như dự án có được Bảo tàng Sân khấu thì đây là tâm huyết của nhiều thế hệ nghệ sĩ. Có được bảo tàng thì chúng ta sẽ giới thiệu, quảng bá tích cực được những tinh hoa của nghệ thuật Sân khấu. Ngay với những thế hệ nghệ sĩ trẻ sẽ nắm bắt được quá trình phát triển của Sân khấu một cách trực quan hơn, biết được những tinh hoa của thế hệ đi trước, là nền tảng, là hành trang cho mỗi một nghệ sĩ tiếp tục phát huy khi làm nghề.

Là nữ Chủ tịch đầu tiên trong lịch sử hơn 60 năm của Hội NSSKVN, bà thấy những thuận lợi và khó khăn do giới tính đem lại khi ở cương vị này?

Đúng là tôi bất ngờ khi mình là nữ giới mà vẫn được anh chị em nghệ sĩ Sân khấu tín nhiệm như vậy. Cái điểm bất lợi với nữ giới cũng khá nhiều khi làm việc là vẫn phải thực hiện những công việc thuộc về thiên chức của người phụ nữ. Nam giới còn có sau lưng các anh là những người phụ nữ đảm đang, yêu chồng thương con, có thể hi sinh rất nhiều để hỗ trợ các anh tất cả những việc có thể. Với phụ nữ thì khó có thể yêu cầu người chồng nào làm được như vậy mà chỉ có thể chia sẻ và thông cảm thôi. Còn những việc mình phải làm thì mình vẫn phải bằng mọi cách hoàn thành. Tôi chắc là chị em phụ nữ ai cũng vướng phải vấn đề này. Nhưng tôi sẽ sắp xếp thời gian một cách khoa học hơn để dành được nhiều nhất thời gian cho công việc của Hội. Tôi cũng có những ưu thế nhất định khi đã nghỉ hưu, con cái lớn rồi, gia đình tương đối rảnh rang hơn… Còn lợi thế của giới nữ khi làm việc là mình có thể xử lý công việc, xử lý tình huống sẽ mềm mỏng hơn các anh, tất nhiên là quyết liệt thì không bằng nam giới. Từ đó có thể thấy, những bất lợi cũng như những ưu thế riêng của giới tính mang lại, cũng thấy được những cố gắng, sự đầu tư dày công hơn của nữ giới cho công việc.

Cao Ngọc (thực hiện)

Tags: #Chèo#Chủ tịch hội#Hội NSSKVN#Nhà hát chèo Hà Nội#NSND Thuý Mùi