Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng để sửa chữa, cải tạo rạp diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn …
Giải thưởng các tác phẩm về đề tài phòng chống Covid19 do Hội Nghệ sỹ sân khấu Việt Nam tổ chức đã thành công tốt đẹp. Với hơn 200 tác phẩm dự thi, 143 tác phẩm vào vòng chấm giải, BTC đã lựa chọn ra 38 giải A, 24 giải B cho các tác phẩm, 2 giải cá nhân và 2 giải Khán giả yêu thích để trao giải.
Thay mặt BGK, NSND Giang Mạnh Hà – Phó Chủ tịch Hội nghệ sỹ sân khấu Việt Nam – Trưởng Ban giám khảo đã có bài tổng kết đánh giá về chất lượng chuyên môn của các tác phẩm dự thi. Sau đây Tạp chí sân khấu xin trích nguyên văn bài tổng kết đánh giá của Trưởng BGK – NSND Giang Mạnh Hà.
Các nghệ sỹ có tác phẩm đoạt giải A lên nhận giải thưởng do NSND Trịnh Thúy Mùi trao.
Trước hết, thay mặt Hội đồng giám khảo, tôi xin chúc mừng 24 đơn vị nghệ thuật cùng anh chị em văn nghệ sĩ đã tích cực gửi tác phẩm tham dự cuộc thi về đề tài phòng chống Covid–19, do Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức. Hội đồng Giám khảo đã thẩm định, đánh giá, phân tích 143 tác phẩm của nhiều kịch chủng và loại hình biểu diễn khác nhau: Kịch nói, cải lương, tuồng, chèo, múa rối, dân ca bài chòi, dân ca ví dặm, dân ca quan họ, dân ca ba miền, chương trình nghệ thuật tổng hợp. Sự hưởng ứng cuộc thi đã diễn ra hết sức sôi nổi, hào hứng của các loại hình nghệ thuật và đông đảo anh chị em văn nghệ sỹ cả nước cùng hòa nhịp tạo nên một bức tranh tổng thể nhiều sắc màu hết sức phong phú, đa dạng, sinh động.
Với 143 tác phẩm dự thi đã và đang có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo nên hiệu ứng trong công tác tổ chức, công bố, quảng bá, giới thiệu trên các trang mạng xã hội, được công chúng, khán giả hưởng ứng tích cực, sức lan tỏa mạnh mẽ đó thể hiện tinh thần, trách nhiệm của nghệ sỹ, của đời sống sân khấu Việt Nam, chung tay góp phần đồng hành cùng đất nước trong cuộc “chiến” phòng chống đại dịch Covid-19.
Tính chất của cuộc thi lần này được Hội Nghệ sỹ Sân khấu Việt Nam tổ chức bằng hình thức băng, dĩa, hình như một sản phẩm (sân khấu truyền hình). Vì vậy, đòi hỏi các đơn vị nghệ thuật phải chuẩn bị cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ cho công tác dàn dựng, chọn lựa địa điểm, không gian bối cảnh đảm bảo chất lượng cho tác phẩm tham gia cuộc thi. Mặc dù cuộc thi đã đổi mới về hình thức cho phù hợp với điều kiện thực tiễn của đất nước trong giai đoạn thực hiện giãn cách xã hội. Qua đánh giá, thẩm định các tác phẩm, Hội đồng Giám khảo đã ghi nhận một số điểm nổi bật mà chúng ta đã làm được như sau:
– Với sự thích ứng nhanh, nhạy cảm, tiếp nhận những vấn đề nóng bỏng của cuộc sống đặt ra. Các đơn vị nghệ thuật và các nghệ sỹ đã thai nghén, cảm xúc, sáng tác, dàn dựng và công diễn quảng bá tác phẩm kịp thời, đúng thời điểm, có khá nhiều vở diễn, hoạt cảnh, trích đoạn, tiểu phẩm, tiết mục ca lẻ và chương trình nghệ thuật tổng hợp được các đơn vị nghệ thuật đầu tư nghiêm túc, công phu, đạt chất lượng nghệ thuật.
– Công tác dàn dựng: được các đạo diễn phối, kết hợp, khoa học, chặt chẽ giữa ngôn ngữ sân khấu và ngôn ngữ truyền hình, nhiều tác phẩm không chỉ hội tụ được các yếu tố như chủ đề tư tưởng, hình thức dàn dựng, mà còn được xử lý khá tinh tế về góc máy, hình ảnh, trung cảnh, đại cảnh, cận cảnh để đặc tả biểu cảm, diễn xuất của diễn viên và sự phát triển của kịch tình, nhiều khuôn hình sáng, rõ, mịn, đẹp, hài hòa, tạo nên tính chỉnh thể của tác phẩm về phương diện nghe và nhìn.
– Công tác biểu diễn: có không ít NSND, NSUT và các gương mặt xuất sắc, nổi bật của sân khấu và điện ảnh đang công tác tại các đơn vị nghệ thuật cả nước tham gia cuộc thi này, với một lực lượng đội ngũ nghệ sỹ, diễn viên, nhạc công khá hùng hậu được trình chiếu trên các tác phẩm mới sáng tác, dàn dựng còn đang nóng hổi hơi thở cuộc sống, nhiều vai diễn hay, giàu sức biểu cảm, nhiều giọng ca xuất sắc của nghệ thuật tuồng, chèo, cải lương, ví dặm, quan họ Bắc Ninh, bài chòi, dân ca ba miền, tân cổ giao duyên bay bổng, thánh thót, du dương, vút cao trong vắt nhưng cũng không kém phần dập dìu, thiết tha, ngọt ngào, sâu lắng, trữ tình và lãng mạng, đầy chất huyền ảo ru hồn người nghe như đưa ta vào cõi đắm say ngây ngất của vẻ đẹp giai điệu, âm thanh, ca từ. Những làn điệu, bài ca, nhịp điệu được chắt lọc tinh tế, giàu cung bậc cảm xúc, đã đạt đến độ thăng hoa của một tác phẩm thi ca.
– Về thông điệp của tác phẩm: Hầu hết các tác phẩm dự thi đã được giới thiệu quảng bá phục vụ công chúng khán giả trước đó. 143 tác phẩm dự thi đều mang một thông điệp hết sức rõ nét về đề tài phòng chống Covid -19, tập trung ngợi ca lực lượng tuyến đầu chống dịch, xây dựng và khắc họa hình tượng những người con tiêu biểu, điển hình, những nhân tố tích cực, nổi trội, những tấm gương hy sinh vượt khó khăn, khổ cực, tạm chia xa người thân, gia đình dấn thân vào những điểm nóng nhất của cơn đại dịch. Tôn vinh, tri ân, cám ơn nhiều tập thể, đơn vị, tổ chức, cá nhân cùng cả hệ thống chính trị và toàn dân vào cuộc đã tạo nên nguồn sức mạnh tổng hợp vô biên, đẩy lùi dịch Covid-19.
– Có thể nói, hầu hết các tác phẩm dự thi đợt này đều đạt hiệu quả và chất lượng nghệ thuật, mặc dù mức độ thành công đậm, nhạt khác nhau nhưng đều có nội dung tư tưởng tốt, hình thức thể hiện đa dạng, sinh động, cuốn hút, hấp dẫn người xem.
Tiết mục đoạt giải A của Nhà hát múa rối Việt Nam
Giờ chúng ta trao đổi về những điểm chưa được của cuộc thi.
– Một số đơn vị quyết định lựa chọn kịch bản mới, sáng tác còn vội vàng chưa được thẩm định kỹ lưỡng, vì thế cốt truyện sơ sài, đơn điệu, tính văn học chưa cao. Công tác dàn dựng chưa được đầu tư nghiêm túc thiếu trau chuốt, chắt lọc nên bản dựng còn dễ dãi, áp đặt, chắp vá.
– Về đầu tư hình ảnh và chọn bối cảnh quay chưa được đạo diễn tính toán cẩn trọng, xử lý tinh tế về hình ảnh phông nền, nên có một số tác phẩm trình chiếu những hình ảnh không phù hợp với ngôn ngữ truyền hình, thậm chí gây phản cảm khi phát trên không gian mạng, dễ gây phản ứng, hiểu lầm.
– Về công tác biên kịch; chưa có sự đột phá, chưa mạnh dạn, dấn thân vào các góc khuất ở nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội đã và đang diễn biến phức tạp, khó lường, chưa khai thác nhiều vấn đề phát sinh đang hiện diện, len lỏi trong cuộc sống giữa được và chưa được, mất và còn. Các tác giả, đạo diễn, ekip sáng tạo chưa mạnh dạn đưa vào tác phẩm, dự báo những vấn đề lớn của đất nước và cuộc sống lao động, sáng tạo của nhân dân. Đây là vốn sống, là chất xúc tác là mảnh đất màu mỡ cho văn nghệ sĩ sân khấu được khai thác và sáng tạo.
– Về hình thức: không ít đơn vị sử dụng phương tiện quay bằng điện thoại hoặc một máy quay duy nhất nên thiếu hình ảnh dàn dựng, nghèo nàn, đơn điệu, nhạt nhòa về ngôn ngữ thể hiện làm ảnh hưởng tới chất lượng của tác phẩm nghệ thuật.
Tiết mục đoạt giải B của đoàn Ví dặm Unesco
Trên đây là tóm tắt một số đánh giá mang tính gợi mở của Hội đồng Giám khảo về những mặt được và chưa được của cuộc thi lần này. Mong rằng các đơn vị, các nghệ sỹ tham khảo để chuẩn bị tốt hơn cho các cuộc thi sắp tới. Riêng với Hội đồng Giám khảo, chúng tôi đã làm việc hết sức công tâm, dân chủ với tâm thế tôn vinh giá trị nghệ thuật, giá trị thẩm mỹ và tinh thần nhân văn trong mỗi tác phẩm. 143 tác phẩm đang dần khép lại nhưng lại mở ra một vườn hoa lung linh, chứa chan sắc màu, tỏa ngát hương thơm, ngạt ngào dâng tặng cho cuộc sống hôm nay. Ngàn hoa đó có thể ví như những liều “vắc xin” tinh thần của văn nghệ sĩ sân khấu góp phần nhỏ bé vào cuộc chiến phòng chống dịch của đất nước.
Thưa các bạn; chỉ ít phút nữa thôi Ban tổ chức sẽ trao giải thưởng cho các đơn vị và cá nhân nghệ sỹ, dù dành được giải hay không thì tất cả chúng ta đều đồng hành và “thắng”, không có ai thua. Hội đồng Giám khảo rất muốn trao nhiều hơn nữa số lượng giải thưởng nhưng quy chế về tỉ lệ giải thưởng của cuộc thi có hạn, mong các đơn vị và nghệ sĩ chia sẻ, cảm thông. Chúng tôi luôn yêu quý, trân trọng sức sáng tạo của các bạn. Xin chúc Quý vị lãnh đạo, Quý đại biểu khách quý cùng toàn thể anh chị em văn nghệ sĩ dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và thành công.
Xin kính chào và hẹn gặp lại. Trân trọng cảm ơn