Nỗ Lực cho một Liên hoan sân khấu kịch nói thành công

Liên hoan sân khấu kịch nói 2021 đã khép lại với lễ bế mạc đơn giản, gọn nhẹ sáng  17/11 tại Rạp Tháng Tám – Hải Phòng. Tấm màn nhung Liên hoan đã khép lại sau hơn mười ngày diễn ra các phần thi diễn sôi nổi của các nghệ sỹ.

Các diễn viên đoạt HCV tại Liên Hoan

Một Liên hoan thành công về khâu tổ chức

Có thể nói, ở thời điểm nhạy cảm về dịch bệnh như hiện tại,  bất kỳ một sự kiện nào diễn ra, người ta cũng quan tâm hàng đầu là vấn đề phòng chống dịch. Vì thế, nội dung sự kiện dù có tốt đến mấy mà để xảy ra dịch bệnh, thì coi như sự kiện đó thất bại. Rất may mắn, cho đến tận ngày cuối cùng, Liên hoan sân khấu kịch nói đang rất an toàn.

Không chỉ là yếu tố may mắn, sự an toàn ấy còn là hiệu quả của công tác tổ chức hết sức chu đáo, bài bản, chi tiết và đúng quy trình phòng chống dịch của Bộ y tế. Trong suốt những ngày diễn ra Liên hoan, lúc nào sảnh Rạp Tháng Tám cũng đầy đủ ekip lễ tân và tổ công tác phòng chống dịch. Bất cứ ai vào Rạp, từ nghệ sỹ, Hội đồng thẩm định đến khán giả đều phải khai báo y tế. Bàn tiếp nhận khai báo y tế luôn có sẵn bản Tờ khai bằng giấy hoặc mã QR điện tử để cho những người dùng các app trên điện thoại.

Nhân viên tiếp đón đã nhiệt tình, ân cần hướng dẫn để ai cũng có thể nhanh chóng khai báo y tế. Ngoài ra, ở cửa ra vào, luôn có một nhân viên đo thân nhiệt và một người cầm bình xịt kháng khuẩn để cho mọi người rửa tay sát trùng. Đội ngũ bảo vệ cũng đã kiên quyết không cho khán giả vào Rạp nếu như số lượng người đã đủ 50% số ghế. Có rất nhiều khán giả đến xem đã phải ngậm ngùi tiếc nuối ra về vì không được vào. Dù đáng tiếc, nhưng đó là điều bắt buộc phải làm trong thời buổi Covid như hiện nay.

Kiểm tra thân nhiệt khán giả trước khi vào Rạp

Một điểm mới nữa rất đáng ghi nhận tại Liên hoan lần này, đó là Ban tổ chức đã livestream tất cả các buổi diễn trên nền tảng số để bất cứ ai quan tâm cũng có thể vào xem – điều chưa từng có ở các Liên hoan trước. Điều này dễ dàng không chỉ cho khán giả, mà ngay cả phóng viên nếu không có điều kiện đến Hải Phòng xem trực tiếp, có thể vào xem livestream các buổi để viết bài cảm nhận, đánh giá các vở dự thi. Bên cạnh đó, những nhà nghiên cứu cũng có điều kiện dễ dàng để thẩm định và từ đó có cái nhìn tổng thể của sân khấu kịch phía Bắc thông qua Liên hoan lần này.

Vấn đề chuyên môn: Chưa có nhiều đột phá

Có tất cả 20 vở diễn của 14 đơn vị nghệ thuật tham gia Liên hoan lần này. Thật đáng tiếc, vì dịch bệnh nên tất cả các đơn vị phía Trung, Nam đều không thể tham gia, vì thế, Liên hoan mất đi hơn một nửa “gia vị” và “màu sắc” của Kịch nói Việt Nam. Với 14 đơn vị nghệ thuật, ngoài những Nhà hát hàng đầu như Nhà hát kịch Việt Nam, Nhà hát kịch Hà Nội, Đoàn kịch nói Hải Phòng, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Công an nhân dân, Nhà hát Quân đội,… thì rất đáng ghi nhận sự nỗ lực của những đơn vị của các tỉnh như Đoàn nghệ thuật Quảng Ninh, Nhà hát ca múa kịch Lam Sơn (Thanh Hóa), Trung tâm VHNT tỉnh Hải Dương, Đoàn nghệ thuật Phú Thọ – những đơn vị còn nhiều khó khăn về tài chính nhưng đã cố gắng hết sức mình để tham gia cùng các “anh tài” khắp nơi.

Bên cạnh đó, cũng cần phải ghi nhận và cổ vũ tinh thần nhiệt huyết yêu nghề của các đơn vị Như Hội sân khấu Hà Nội, CLB Biển hẹn (Hội sân khấu Hải Phòng), CLB sân khấu thể nghiệm (Hội NSSK VN) và đặc biệt là đơn vị tư nhân – Sân khấu Lệ Ngọc đã tự tin và kiêu hãnh bước lên sân khấu so tài với các “anh lớn” và họ đã mang tới Liên hoan những vở diễn đạt chất lượng chuyên môn cao, tạo được ấn tượng mạnh đối với khán giả.

Điều còn lại (Nhà hát kịch Việt Nam) đoạt HCV vở diễn

Nhìn tổng thể, cả 20 vở diễn đều đã mang đến Liên hoan những thông điệp giá trị về sự nhân văn, tình người, lòng yêu nước và những khát vọng vươn lên trong cuộc sống. Chất lượng chuyên môn tốt và cũng có những tìm tòi, khám phá, sáng tạo, thử nghiệm trong cách dàn dựng cũng như cách tiếp cận với khán giả, tuy nhiên, đã không có nhiều đột phá mang tính “lịch sử” mà nhiều người kỳ vọng vào các kỳ Liên hoan cũng như tại Liên hoan lần này. Đa số các vở diễn đều ở mức “tốt”, nhưng để “bùng nổ” gây ngạc nhiên cho khán giả thì vẫn chưa có. Có thể nói, do dịch bệnh nên các đơn vị nghệ thuật hầu như không có điều kiện (cả thời gian và kinh phí) để tập vở mới, mà đa phần vẫn “lôi” vở cũ, hoặc mới dàn dựng gần đây ra “truốt” lại để dự thi.

Vở Làng song sinh (Nhà hát kịch Hà Nội) đoạt HCV vở diễn

Bên cạnh đó, thiếu hẳn mảng sân khấu phía Nam nên cũng mất đi một nửa sự thi vị và những yếu tố gây bất ngờ bởi các sân khấu kịch miền Nam đa số là xã hội hóa, họ chọn khán giả là mục tiêu để chinh phục nên các vở diễn đều có nội dung và cách dàn dựng tiệm cận với đời sống đương đại. Kịch miền Bắc vẫn được đánh giá là thiên về học thuật và sự mẫu mực, nhưng kịch miền Nam thì lại mang hơi thở đời sống, phóng khoáng và nhiều sự sáng tạo táo bạo hơn. Do đó, Liên hoan lần này, người ta vẫn chỉ thấy những sự chỉn chu, mẫu mực, học thuật của đa số các vở diễn mà thiếu đi sự tươi mới, gần gũi và mang hơi thở của cuộc sống hôm nay trên sân khấu dự thi.

Cũng vì Covid mà các đơn vị cũng không có điều kiện dựng vở mới, vì thế, những vấn đề cực kỳ nóng bỏng của xã hội hiện tại như dịch bệnh Covid, các vấn đề nóng của xã hội như giáo dục, đời sống giới trẻ thời đại công nghệ hay những sự ích kỷ, lối sống vô cảm đang trở thành căn bệnh của xã hội thời hiện đại cũng gần như vắng bóng trên sân khấu Liên hoan lần này. Thật đáng tiếc khi Đoàn kịch Hải Phòng đã không tham gia thi vở Người trong mắt bão, cũng như Sân khấu Lệ Ngọc không mang “Cuộc chiến Covid” lên sân khấu dự thi. Đây là hai vở kịch rất hay, mang tính thời sự cao và chắc chắn sẽ nhận được sự đồng cảm lớn từ phía khán giả…

Nhìn chung, Liên hoan đã diễn ra suôn sẻ, thành công và thu hút được sự quan tâm của khán giả Hải Phòng. Ở thời điểm dịch bệnh hiện nay, việc tổ chức được một Liên hoan quy tụ được hầu hết các đơn vị nghệ thuật khu vực phía Bắc như thế này là điều đáng khen.

NSƯT Lê Chức đại diện Hội đồng nghệ thuật trao các giải: Đạo diễn xuất sắc, Kịch bản xuất sắc, Âm nhạc xuất sắc, Họa sỹ xuất sắc.

Ban tổ chức đã trao 6 Huy chương vàng cho các vở diễn: Điều còn lại, Thiên mệnh (Nhà hát kịch Việt Nam), Làng song sinh (Nhà hát kịch Hà Nội), Con đò của mẹ (Nhà hát kịch Công an nhân dân), Hố đen (Nhà hát kịch Quân đội), Làm vua (Sân khấu Lệ Ngọc). Ngoài ra, BTC cũng trao các HCB, HCĐ cho các vở diễn khác và Huy chương các loại cho các nghệ sỹ. NSND Trung Hiếu được trao giải Đạo diễn xuất sắc nhất (vở Làng song sinh), Họa sỹ – NSƯT Doãn Bằng được trao giải Họa sỹ xuất sắc nhất, Âm nhạc xuất sắc thuộc về nhạc sỹ NSƯTĐức Trịnh, và Kịch bản xuất sắc nhất đã thuộc về tiến sỹ Nguyễn Đăng Chương (vở Điều còn lại).

Việt Tùng

Tags: #Liên hoan kịch nói 2021#Nhà hát kịch CAND#Nhà hát kịch Hà Nội#Nhà hát kịch Quân đội#Nhà hát kịch Việt Nam#Sân khấu Lệ Ngọc