Nhân vật chủ yếu trong kịch bản sân khấu việt nam thời nay

Hiện thực do cuộc cách mạng công nghệ 4.0 tạo ra dường như vô cùng bề bộn, đa dạng, phong phú, phức tạp về mâu thuẫn – xung đột; căng thẳng về tiết tấu và quá nhanh về tốc độ phát triển, nhiều khi không thể tiên đoán hoặc dự báo trước được sự chuyển biến hoặc đình trệ trên các lĩnh vực của đời sống:

  1. Trí tuệ nhân tạo: là không gian tâm tuệ phát minh, sáng tạo, minh triết, khoa học, nền tảng siêu năng lượng của ba khả năng ở mỗi con người thời hiện đại, mà các thế hệ người trong quá khứ không thể so sánh. Đặc biệt là yếu tố linh tuệ trung tâm của trí tuệ nhân tạo. Nhờ yếu tố này mà trí tuệ nhân tạo vừa kích hoạt đến từng tế bào, vừa phát minh – kiến tạo nên năng lượng, năng lực và tiềm năng mới mẻ của ba khả năng nơi con người hiện sinh:

– Trước hết là Khả năng tiếp thu ngoại giới (Le retentissement = năng lực ghi nhận những ảnh hưởng ngoại giới): nhạy cảm, xuất thần, siêu việt, chính xác, bất ngờ, đa dạng, nhiều khuynh hướng, ảo mà thật, thật mà ảo, mơ hồ, ngây thơ nhưng không ngây ngô – ấu trĩ; năng lực dự báo, tiên đoán phát triển và hiệu quả đạt được rất ưu trội…

Khả năng cảm xúc (L’emotivité = năng lực cảm xúc): ẩn tàng trong đó cả yếu tố khí chất và chủng tộc. Những yếu tố này là động cơ phát huy, phát triển mạnh mẽ, đa dạng những tính cách, đặc biệt là cá tính trong những mối quan hệ, tình huống, hoàn cảnh khác nhau, xuất hiện những nét tính cách huyền thoại, lạ lẫm, độc đáo, kỳ xuất, bất thường, rất nóng hoặc rất lạnh, dị biệt xưa nay chưa từng có… Khả năng cảm xúc, trước hết biểu hiện phong phú những cảm thức, rồi đến những cảm xúc hữu thức, vô thức, hạ ý thức, những siêu cảm xúc, những cảm xúc ảo… Yếu tố hạt nhân của khả năng cảm xúc chính là tâm linh. Tâm linh là sự tổng hợp đúc liền tinh túy của trí tuệ và linh cảm, mà hoạt động của nó tạo sinh ra các hình thức hoạt động tưởng tượng (gồm liên tưởng, hồi tưởng, viễn tưởng…).

Khả năng tiếp thu ngoại giới đem đến cho tác giả những tín hiệu (chất liệu đời sống), khiến tác giả rung động – cảm thức, khơi gợi, kích thích trí tưởng tượng của tác giả; chất liệu hiện thực ban đầu ấy được cảm thức và trí tưởng tượng của tác giả nhân lên n lần; hình thành trong tiềm thức của tác giả một hiện thực thứ hai, ít nhiều đã được thẩm mỹ hóa và nghệ thuật hóa; nên cái hiện thực thứ hai này không còn nguyên trạng những tín hiệu – chất liệu hiện thực khách quan ban đầu nữa; mà chúng đã được trí tưởng tượng sáng tạo và cảm xúc thăng hoa của nghệ sĩ nhào nặn, kiến tạo nên hiện thực mới. Hiện thực này được lưu tụ lại nơi tiềm thức. Toàn bộ quá trình hoạt động tâm linh kiến tạo ra hiện thực thứ hai ấy gọi là quá trình linh ứng. Đương nhiên, kết thúc giai đoạn linh ứng, mới chỉ là “phác thảo”, chưa thể thành kịch bản với tư cách là tác phẩm văn chương sân khấu; mà phải chuyển sang giai đoạn ứng linh.

Trên cơ sở ý đồ tư tưởng, nghệ thuật, và nhiệm vụ tối cao,… mà tác giả hình thành (có thể đã từ lâu hoặc mới xuất hiện), tiến hành xem xét, phân tích, đánh giá lại trong sự thăng hoa của cảm xúc đối với toàn bộ cái hiện thực do hoạt động linh ứng tạo nên ấy; một lần nữa, tác giả phát huy tối đa trí tưởng tượng sáng tạo trong sự xuất thần của tâm tuệ (tâm hồn và trí tuệ) – như chùm điều hòa, tỏa ra soi chiếu đến chi tiết nội dung đời sống của từng nhân vật, đặng bổ sung, hoàn chỉnh toàn thể cấu tứ nội dung, hình thức của kịch bản. Đặc biệt là vấn đề tạo nghĩa cho tác phẩm – mục đích cao nhất của giai đoạn hoạt động ứng linh của kịch tác gia.

Khả năng hành động (L’activité = năng lực và cách phản ứng trước mọi sự việc, tình huống, hoàn cảnh biểu thị thành những hành động, những mô thức ứng xử): Cũng như khả năng tiếp thu ngoại giới và khả năng cảm xúc, đều phát sinh từ trí tuệ nhân tạo. Khả năng hành động ở đây là nói chung về khả năng hành xử của con người. Khả năng hành động của mỗi con người cụ thể, đương nhiên, phụ thuộc vào trình độ trí tuệ nhân tạo của người ấy (không gian năng lượng não bộ và hệ thần kinh dinh dưỡng của con người cụ thể ấy được “tạo hóa” phân định cho như thế nào về chất lượng và số lượng. Sự phân định này (đó là nhân điện và quang tử) không bình quân giữa mọi người. Bởi vậy, khả năng hành động của mỗi người không giống nhau. Có người không chỉ nhiều hành động, mà hình thức của những hành động ấy cũng rất phong phú; song, hiệu quả đem lại chưa hẳn đã tương xứng, thậm chí, nhiều khi bằng 0. Có người, hành động không nhiều, nhưng chắc chắn, có cách lối rõ ràng, chính xác,… đem lại kết quả đúng như ý muốn. Bởi vậy, khả năng hành động ở mỗi người cũng cần phải có phương pháp (nhiều phương cách khác nhau), được đào tạo và rèn luyện thường xuyên: những hành động chung trong giao tiếp xã hội, dân tộc và thời đại đều phải được quy định; cùng với hệ thống những hành động thuộc lĩnh vực sống, lao động, sản xuất, học tập… riêng của mình, cũng phải được giáo dục, truyền đạt, nắm vững và thực hiện thành thạo, tự nhiên như đó là những hành động hạ ý thức (thói quen) của mình khi giao tiếp với đối tượng tương ứng. Nên khả năng hành động chính là khả năng đa phương tiện văn hóa ứng xử của mỗi người đối với bản thân và đối với ngoại giới – nói cách khác, đó là khả năng sáng tạo và thực hiện những hành động ứng xử (có) văn hóa đối nhân, xử thế của mỗi người. Một quốc gia, một xã hội, một dân tộc văn minh càng cao, thì hành động văn hóa ứng xử của từng người dân càng rõ ràng, mạch lạc, giản dị, phổ quát, minh triết, nhiễm sâu sắc những phẩm chất thẩm mỹ và giàu tính biểu cảm.

Theo định nghĩa thông thường thì mọi chuyển động – hành nội tâm, ngoại hình thuộc hoạt động sống hàng ngày của mỗi người có liên quan đến những lĩnh vực nhất định của hiện thực đời sống thì gọi là hành động. Hành động là những phương tiện hữu thể hoặc vô thể do con người sáng tạo ra để tác động – ứng xử với bản thân mình, với những đối tượng xung quanh có liên quan nhất định tới đời sống của mình. Hành động là do sự chuyển động của tất cả các bộ phận nơi toàn bộ cơ thể con người. Hành động có tính ngôn ngữ, chất thơ, tính triết học, tính ẩn dụ, tính ước lệ, tính huyền thoại, tính tự sự, tính kịch, tính đa dạng – đa phương tiện và tính “đa nghĩa”. Các dạng thức (hình thức) chủ yếu của hành động gồm có: lời nói – đối thoại, độc thoại: chữ, ngữ âm (âm thanh), ngữ điệu – thanh điệu, tín hiệu âm thanh, âm sắc, ngữ nghĩa; tư thế – dáng vẻ, hành vi, cử chỉ, điệu bộ, động tác, thái độ (sự chuyển động của các cơ trên mặt, ánh mắt), nhịp thở (trường độ, cường độ). Trong đời sống thường nhật, không phải bất cứ lúc nào, thực hiện hành động cũng đều có mục đích, ví dụ, khóc khi người thân qua đời, là do tình cảm kích động mà khóc, chứ không phải khóc để cứu người thân sống lại. Nhưng đối với diễn viên đóng vai kịch hoặc nhà viết kịch cho nhân vật khóc là để thể hiện cảm xúc – đời sống nội tâm của nhân vật đối với nhân vật quá cố. Nên, bắt buộc nhà biên kịch phải tuyển chọn, sáng tạo hành động hoặc tổ chức thành tổ hợp hành động, thậm chí, cấu trúc thành những mô thức hành động văn hóa ứng xử cho nhân vật thực hiện, mới có thể biểu đạt được ý, tình,… (nội dung đời sống) của nhân vật. Bởi vậy, một trong những chức năng góp phần “phát triển văn hóa, xây dựng con người” của nghệ thuật, nói chung, sân khấu, nói riêng, là sáng tạo, xây dựng, thực hành những hành động, tổ hợp hành động, mô thức, mô pháp hành động văn hóa ứng xử (đối nhân xử thế) của các nhân vật (kể cả phía các nhân vật phản diện) trong tác phẩm sân khấu phải có chuẩn mực; không được hành xử một cách tùy tiện, máu lạnh, vô lương, nặng tính dục, phản cảm, vô nhân tính…

  1. Công nghệ số hóa chuyển nhập vào mọi lĩnh vực của đời sống, thậm chí số hóa hầu hết những hoạt động sinh, lão, bệnh, tử và cả tâm – tuệ sáng chế, kiến tạo ra những sản phẩm nơi đời sống con người. Những sản phẩm ấy (trong đó có cả những công nghệ khác nhau) dù hữu thể hay vô thể đều có thể can thiệp hoặc mệnh danh bởi công nghệ số. Một con số (chữ số) bất kỳ nào đó trong toán học hoặc vật lý học thì nó cụ thể về “số”, nhưng lại trừu tượng về “nghĩa”. Bởi vậy, khi một sự việc nào trong đời sống được số hóa, thì biểu số ấy (của nó) đều bao hàm cả hai nội dung: số (cụ thể = hữu thể) và nghĩa (trừu tượng = vô thể); số là hình thức có tính biểu đề, và nghĩa của số là nội dung của sự việc mà số hiện thân; số hiển thị về lượng, đồng thời, số cũng hiển thị (một cách trừu tượng) về chất. Nên khi nói đến số hóa là nói đến một sự việc hay nhiều sự việc bất kỳ nào đó trong đời sống được hiển thị bằng một con số hay một hệ thống những con số được sắp xếp (thống kê) một cách hợp lý. Mỗi con số ấy luôn bao gồm hai mặt: nội dung = ý nghĩa = chất lượng = tư tưởng và hình thức = biểu tượng = số lượng = tên gọi. Hai mặt của một số hóa có liên quan hữu cơ với nhau như hai mặt âm – dương của một kết cấu.
  2. Công nghệ sinh học, chẳng hạn công nghệ nano tạo ra mọi thứ đồ ăn, thức uống, đồ mặc… cho con người.
  3. Công nghệ vật lý: robot, máy móc hoạt động thay cho con người (các phương tiện giao thông vận tải, chữa bệnh, phẫu thuật, xây dựng cơ sở hạ tầng, dọn dẹp môi trường sinh thái…). Dựa trên những nguyên lý của công nghệ vật lý, người ta có thể chế tạo ra những phương tiện sáng tạo, thể hiện tác phẩm nghệ thuật (âm nhạc), những robot thay thế diễn viên đóng vai trong các vở diễn sân khấu, các bộ phim hoặc các tiết mục múa; thậm chí, người ta có thể lập trình để các robot trở thành các ca sĩ biểu diễn trước khán giả…

Nhìn chung: Một là, cuộc cách mạng công nghệ tạo ra biết bao những mối quan hệ với tự nhiên, với xã hội, với không gian vũ trụ kích hoạt tế bào gốc mới và rất mới. Rồi những mối quan hệ mới và rất mới ấy, tổng hòa lại tạo ra sản phẩm là những con người hiện đại hoàn chỉnh hơn cả phần người sinh học – vật lý học và phần người xã hội học – tâm linh học (tâm hồn và sự linh cảm của nó). Vậy nên, con người hiện đại là sự tổng hòa của những mối quan hệ do chính cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đẻ ra, cùng với một số những mối quan hệ truyền thống còn thích hợp. Đồng thời, tất cả những mối quan hệ ấy, còn có cả sự tổng hòa với những mối quan hệ thế giới phù hợp nữa. Sự kết nối của tất cả những mối quan hệ ấy là hoàn toàn tự nhiên. Nên khái niệm thế giới phẳng và trình độ dân trí cao của các thế hệ trẻ được sinh ra từ những mối quan hệ của cuộc cách mạng công nghệ 4.0 là hợp lẽ tiến hóa của đời sống.

Hai là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khẳng định trình độ văn minh (phát triển khoa học, kỹ thuật – công nghệ) bậc thứ tư của loài người; phát triển mọi mặt đời sống con người – nhân loại lên một tầm cao mới, xưa nay chưa từng có, khiến cho tính nhân văn ở con người cao cả hơn và văn hóa ứng xử (đối nhân, xử thế) của con người đẹp đẽ hơn.

Ba là, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 khẳng định sức mạnh, tài năng, sự phát triển vượt bậc, không bình quân của bộ não ở mỗi cá nhân con người; dẫn tới sự phát triển vượt bậc của ba khả năng (tiếp thu ngoại giới, cảm xúc và hành động) nơi mỗi con người. Từ đó, mỗi con người, tùy thuộc vào trí tuệ, tâm linh, đạo đức, tài năng = sức mạnh vượt trội của mình mà tự khẳng định vai trò của cá nhân mình trước xã hội, trước cộng đồng.

Bốn là, khi vai trò tài năng sáng tạo và đạo đức cá nhân con người được đề cao, cũng tức là nhân quyền được tôn trọng, người dân có quyền dân chủ thực sự, quan hệ người với người trở nên giàu tình thương yêu nhau hơn. Và khi những con người ngang tài, ngang đức với nhau, người ta quý trọng nhau, nâng đỡ nhau và sẵn sàng hợp tác với nhau cùng sáng tạo. Có thể nói rằng, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã trả lại giá trị chân chính cho cá nhân con người – con người có vai trò to lớn trong sự nghiệp tiến hóa nhân loại, phát triển văn hóa dân tộc, xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam, chứ không phải con người cá nhân của chủ nghĩa cá nhân.

Năm là, thực hiện cuộc cách mạng công nghệ 4.0 làm cho nhiều nước nghèo trên thế giới trở thành những nước phát triển, trong đó, một số ít nước trở nên giàu có.

Quả thật, cuộc cách mạng công nghệ 4.0 đã, đang và sẽ kiến tạo nên nhiều điều tốt đẹp cho hiện thực nhân loại, nói chung, cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ta, nói riêng. Song, những mặt tiêu cực – mặt trái nảy sinh trong quá trình thực hiện nó cũng không ít:

Hủy hoại môi trường sinh thái: sử dụng quá nhiều nhiên liệu, nguyên liệu hóa thạch, hóa chất (nước thải, rác thải nhựa…), phá rừng, khai thác tài nguyên bừa bãi, làm ô nhiễm đại dương và các nguồn nước, nhiều loài vật bị tuyệt chủng, bão tố, lụt lội, lở đất, hạn hán, núi lửa hoạt động, nước dâng, trái đất nóng lên…; thiên tai xảy ra liên miên, không nơi này thì nơi kia trên thế giới.

Chiến tranh lạnh kết thúc với sự kiện Liên Xô tan rã vào năm 1991. Mỹ trở thành siêu cường “tự lãnh đạo” thế giới; rồi cuộc khủng hoảng Trung Đông, chiến tranh khủng bố của nhà nước IS tự xưng; khủng hoảng địa chính trị, sự tranh chấp bá quyền biển Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, cậy nước lớn “bắt nạt” nước nhỏ, nạn kỳ thị chủng tộc, cực đoan tôn giáo và ý thức hệ; những cuộc khủng hoảng kinh tế – tài chính (2008 và 2013), cuộc đại dịch Covid-19 toàn cầu, v.v…

Những cuộc khủng hoảng thế giới nêu trên, không có cuộc khủng hoảng nào ít nhiều không ảnh hưởng đến nước ta. Còn riêng ở nước ta, Đảng đã từng xác định: có một bộ phận không nhỏ cán bộ, Đảng viên tha hóa biến chất, tự diễn biến, tự chuyển hóa, tiêu cực: tham ô, lãng phí, chuyên quyền, lợi dụng chức quyền chiếm đoạt tài sản của Nhà nước và nhân dân, sách nhiễu, hạ thấp nhân phẩm, không thực hiện quyền dân chủ đối với người dân, v.v… Cùng với bộ phận cán bộ, Đảng viên tiêu cực ấy, cũng phải kể đến một bộ phận cư dân cũng tha hóa biến chất, tiêu cực: đưa hối lộ, buôn gian, bán lậu, tổ chức và thực hiện cờ gian, bạc lận, trốn thuế, lưu manh cướp của, giết người; sản xuất, vận chuyển, buôn bán, sử dụng các chất ma túy, dược phẩm giả, buôn người, tàn phá rừng, hủy hoại môi trường, làm hàng giả, sản xuất thực phẩm bẩn, bất chấp luật pháp, mê tín dị đoan, buông bỏ những phong tục, tập quán, những truyền thống văn hóa đẹp còn thích hợp với đương đại, thực hiện lối sống ma mị, cổ hủ, giả dối, vô tình, bất nghĩa, ích kỉ, vô luân, đạo đức giả, hành động ứng xử xô bồ, tùy tiện, thiếu văn hóa, thậm chí, độc ác, dã man, vô nhân tính… Cuộc đấu tranh xây dựng con người đương đại có đạo đức tốt, nhân cách (cách làm người) văn minh, văn hóa ứng xử chuẩn mực, hiện đại diễn ra thường xuyên, hàng ngày trong mọi cộng đồng lớn, nhỏ ở nước ta.

Quả thực, những con người của thời đại mới vô cùng đa dạng, phong phú và phức tạp, và không dễ nắm bắt, nhất là đời sống nội tâm và những mô thức hành xử của họ. Sáng tạo, xây dựng con người trong kịch bản là khắc họa toàn bộ nhân cách một nhân vật điển hình, bao gồm toàn bộ những mô thức, mô pháp của sự đối nhân (đối với bản thân nó và những con người ngoài bản thân nó), và xử thế (mà xử thế là toàn bộ những mô thức ứng xử do nó sáng tạo ra để tác động vào thế giới xung quanh. Tất cả những mô thức, mô pháp ứng xử ấy đều phải xuất phát từ tư tưởng, tình cảm, ý thức, vô thức, hạ ý thức, sự thật ảo, cụ thể – siêu thực và tâm linh con người – nghệ sĩ – nhân vật.

Để tương thích với hiện thực của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, nhiều học giả và kịch tác gia các nước có nền sân khấu phát triển, người ta khuyến khích nghiên cứu, áp dụng phối hợp vào sáng tác biên kịch những phương pháp

sáng tác khác nhau, trong đó mới nhất có phương pháp chủ nghĩa siêu hiện đại.

Năm 2007, chủ nghĩa siêu hiện đại được nhà nghiên cứu văn học Alexandra Dumitrescu định nghĩa là một hiện tượng văn hóa “một phần xuất hiện đồng thời với chủ nghĩa hậu hiện đại, một phần trỗi dậy trong lòng chủ nghĩa hậu hiện đại một phần như phản ứng với chủ nghĩa hậu hiện đại, hay một “mô hình văn hóa mới chớm nởthừa nhận mọi lý thuyết đa dạng bảo vệ quan điểm rằng chỉ thông qua việc kết nối và liên tục tái xem xét (các lý thuyết đa dạng đó) thì con người mới có khả năng nắm bắt được bản chất của những hiện tượng văn hóa và văn học đương đại”. Năm 2010, cái tên chủ nghĩa siêu hiện đại một lần nữa được đề xướng bởi hai nhà nghiên cứu văn hóa người Hà Lan Timotheus Vermeulen và Robin van den Akker trong tiểu luận “Notes on Metamodernism đăng trên Journal of Aesthetics & Culture (Tạp chí Mỹ học và Văn hóa), lần này là với tư cách một cảm thức hay một cấu trúc cảm nghĩ; từ đây, nó được bàn luận ngày một sôi nổi trên các diễn đàn khoa học xã hội, nghệ thuật Tây phương. Chủ nghĩa siêu hiện đại được sử dụng làm cơ sở lý luận cho tiểu luận này là của Timotheus Vermeulen và Robin van den Akker.

Hiện nay, metamodernism của Vermeulen và Akker đã được tiếp nhận rộng rãi trên thế giới, được đề cập hàng loạt các bài viết giới thiệu, phân tích, đánh giá cùng các dự thảo nghiên cứu, mở rộng, liên ngành hóa và / hoặc phát triển, áp dụng phương pháp luận siêu hiện đại vào các lĩnh vực khác nhau.

Trong sân khấu học, có tiểu luận “The Listening Theatre: A Metamodern Politics of Performance”; tiểu luận này nhận diện sự tồn tại đồng thời của xu hướng tích cực dấn thân vào các vấn đề chính trị – kinh tế – xã hội và tâm thế chủ động chấp nhận sự thiếu hiệu quả của hành động đó trong các tác phẩm sân khấu của các nghệ sĩ trẻ. Và khi phân tích một loạt bài tiểu luận nữa, thì người ta nhận ra rằng, trong nghệ thuật biểu diễn đương đại có một phong trào mới nổi và tồn tại như những dự án hoạt động xã hội phản ứng trực tiếp với các khủng hoảng kinh tế, chính trị, xã hội đương đại, và chứng minh những tác phẩm này chịu ảnh hưởng và được sáng tạo bởi những nghệ sĩ sở hữu cảm thức siêu hiện đại.

Từ Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng, phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, Đảng đã chấp nhận văn học, nghệ thuật có thể sáng tác theo các phương pháp lành mạnh, thích hợp khác nhau.

Thiết nghĩ, chủ nghĩa siêu hiện đại, có những nguyên tắc phù hợp với những nhân tố thuộc đời sống của con người đương đại – con người được sinh ra từ những mối quan hệ xã hội nêu trên. Bên cạnh việc nghiên cứu, vận dụng phương pháp chủ nghĩa siêu hiện đại; đồng thời, cũng có thể kết hợp vận dụng với những nguyên tắc thích hợp của các phương pháp sáng tác khác; miễn là tác phẩm văn học kịch xây dựng được hình tượng về những “con người – nhân  vật Việt Nam do hiện thực đương đại sinh ra, đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước”.

Qua nghiên cứu, chúng tôi tạm rút ra một số nguyên tắc của phương pháp siêu hiện đại, có thể áp dụng vào quá trình sáng tạo, xây dựng vở diễn sân khấu được; trước hết là vận dụng vào sáng tạo, xây dựng các kịch bản. Đó là các nguyên tắc:

– Sáng tạo, xây dựng, minh định các hành động, tổ hợp hành động, các mô thức và mô pháp văn hóa ứng xử cho từng nhân vật.

– Đời sống của nhân vật luôn có sự kết hợp giữa các mặt: hữu thức và vô thức; hữu thức và hạ ý thức.

– Sử dụng các thủ pháp thể hiện bất kỳ một nội dung nào và bằng những phương tiện gì, cũng luôn phải có sự phối kết hợp giữa ảo thật – thậtảo.

– Sử dụng các thủ pháp thể hiện bất kỳ một nội dung nào và bằng những phương tiện gì, cũng đều phải có sự phối kết hợp giữa cụ thểsiêu thực, giữa giả địnhtrừu tượng (mang tính gợi tưởng).

Để giải quyết vấn đề này, xin được khuyến nghị với đội ngũ kịch tác gia Việt Nam hiện nay hãy ráng học, nhất là các kịch tác gia trẻ, đừng né tránh thực tại nữa, hãy dám nhập cuộc với đời sống đương đại, dấn thân vào đời sống, vượt lên trình độ nghiệp dư của mình để trở thành tác giả chuyên nghiệp thực sự; sáng tác, xây dựng được những con người – nhân vật Việt Nam – sản phẩm của những mối quan hệ sinh ra từ cuộc cách mạng công nghệ 4.0 nêu trên./.

PGS. TS. Phạm Duy Khuê

Tags: