Thiện Tùng: Thành công của ngày hôm nay, ngày mai sẽ trở thành kỷ niệm
Là một trong những nghệ sỹ đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021, Lê Thiện Tùng (Nhà hát kịch Hà Nội) được đánh giá là …
Tuổi đã cao song tác giả của bài thơ “Đợi” vẫn hăng say với nghiệp văn và ôm ấp nhiều dự định. Cuộc trò chuyện thú vị với ông luôn bị đứt quãng bởi những tiếng chuông điện thoại reo nghe như “xé lòng”.
– Nhà thơ Vũ Quần Phương có thể tiết lộ đôi chút về cuộc sống của mình?
– Tôi là người thích làm việc. Khi đã nghỉ hưu, tôi vẫn tham gia một số công tác chuyên môn ở Hội nhà văn với những việc liên quan đến thơ, viết bài đều cho các báo và làm thơ nhưng ít hơn trước. Tôi viết sách bình tất cả những bài thơ trong sách giáo khoa phổ thông trung học làm tài liệu tham khảo cho học sinh theo hợp đồng với NXB Giáo dục. Làm cái này cần rất nhiều thời gian bởi bình một bài thơ cần phải có cảm hứng, gần như cảm hứng của người sáng tác. Có những bài phải mất nhiều ngày để “ngấm” mới tìm ra cách thể hiện. Vì thế, kể cả khi đã già, tôi vẫn chưa có nhiều thời gian rảnh rỗi, có lẽ cách làm việc của tôi chưa hay. Tôi nghĩ, lẽ ra về hưu rồi thì phải nhàn hơn một chút nhưng tôi thì nhiều lúc tất tưởi. Người ta bảo, tuổi cao thì cần tránh những căng thẳng để tránh chứng đột quỵ.
– Làm nhiều việc như vậy, phải chăng nhà thơ có mong muốn gì? Với ông, cuộc sống hiện tại có ý nghĩa như thế nào?
– Tôi có hai thằng con trai làm việc khá. Nếu chúng biếu tiền thì mình cũng dùng để mua sắm một cái gì đó, sau này cũng là để cho chúng như cái nhà đang ở chẳng hạn. Cũng may, đời sống của ta từ khi phát triển kinh tế thị trường hầu hết là khá lên, tôi cũng vậy. Các con tôi làm khoa học ở nước ngoài nên đời sống vật chất không còn là nỗi lo lắng. Nghề viết văn, càng lớn tuổi thì càng được tin cậy cho nên cũng nhận được nhiều lời mời. Tôi là người tham việc nên ai nhờ gì cũng nhận hết. Thật ra, tôi cũng sợ, nếu mình không làm việc sẽ hỏng người đi, rất sợ khi bạn đọc bảo: “Sao dạo này không thấy bác xuất hiện?”. Tôi giống nhà thơ Xuân Diệu ngày trước là thoả mãn hết những gì người ta nhờ mình. Chẳng hạn, có lần, tôi tiếp một bạn đọc mới quen từ Hưng Yên lên, ông ấy nhờ mình đọc thơ giúp. Đọc tập bản thảo do người ta nhờ là mình mất thời gian (giá trị vật chất) một cách cụ thể. Nhưng họ từ quê lên đây, với họ, đấy là việc quan trọng vậy mà mình lại không làm thì phụ một tấm lòng, chứ những bài thơ này cũng chỉ làm vui thôi, chứ không mang giá trị học thuật gì. Nó làm cho mình bận một cách vô lối nhưng trong cuộc đời không thể coi việc nào là nhỏ. Đến tuổi này rồi thì tôi thấy việc gì cũng là nhỏ mà việc gì cũng là lớn. Lúc nhỏ làm vỡ cái bát cũng tái cả mặt “thôi chết rồi, vỡ bát”, vỡ bát thì có gì mà chết, thế mà bây giờ nghe tin một người bạn qua đời thì chỉ nói: “nhanh nhỉ, vừa mới gặp tuần trước”, rồi những chuyện bình thường lại lấn chiếm cái tin anh bạn từng ở giường tầng với mình trong ký túc xá đã không còn nữa. Việc lớn mình nhìn cách khác thì cũng bớt lớn đi.
– Vậy với những tác phẩm phê bình của nhà thơ cho các em học sinh thì sao?
– Làm văn chương cũng giống như điệu múa trên sân khấu cứ ưỡn ẹo, mềm mại đi từ bên này sang bên kia thì người ta mới xem, chứ đi phăm phăm thì chả ai buồn ngó. Làm nghệ thuật nhiều khi cứ đi lên lại đi xuống, nếu chỉ tiến mà không có lùi thì sẽ đến đích nhưng không phải đích nghệ thuật. Thế nên, viết cho các em tôi cũng phải từ từ, khéo léo đưa dẫn tâm hồn trẻ nhỏ vào văn chương.
– Bằng này tuổi rồi, đọc lại những bài thơ ngày nhỏ từng yêu quý, cảm nhận của ông ra sao?
– Bài thơ thì vẫn là bài thơ ấy nhưng ngày trẻ và bây giờ đọc lại cũng có chút khác biệt. Có những bài gần như không thay đổi, có những bài hay, trước đây mình chỉ biết một cấp, giờ mình biết thêm một cấp nữa song tình yêu quý bài thơ là không thay đổi. Có những bài thơ mà ý tứ nông cạn, song ngày bé mình rất thích. Lúc lớn đọc lại thấy đúng là cái thích của ngày trẻ có khác, mình thấy bài thơ đó cạn hơn nhưng ấn tượng của ngày còn nhỏ thì vẫn còn. Giống như trong tình bạn, tình cảm ấm ấp của thời ấu thơ vẫn còn trong lòng dù những người bạn ấy mỗi người một công việc, gặp nhau nói chuyện không còn như xưa nữa. Tuy nhiên, không có bài nào làm tôi thất vọng cả. Chẳng hạn, ngày là sinh viên năm thứ nhất, tôi có chép những bài thơ hay vào sổ tay, trong đó có bài thơ của anh Lê Bầu kể chuyện cô bán hến nghèo khổ. Tôi còn nhớ câu: “Nước mắt vòng quanh vỏ hến mờ”. Sau này đọc lại, tôi thấy bài này chỉ có cái tình làm cho người đọc mủi lòng chứ sự nghĩ ngợi sâu sắc thì không có. Nhưng chỉ tình cảm ấy thôi cũng đã là ưu điểm, nó không sâu nhưng làm người ta xúc động. Sau này gặp anh Lê Bầu, tôi bảo: “Lúc vỡ lòng thơ, tôi lấy thơ anh là mẫu mực”. Anh ấy chỉ cười. Tôi đã vịn vào bài thơ của anh ấy để đi vào văn chương. Cái vui của văn chương là thế, khi mình đã trưởng thành, đồ chơi ngày bé chỉ còn là sự yêu mến, mình không chơi con lợn đất, súng gỗ vì những đồ chơi này chỉ làm cho những đứa trẻ. Nó đâu có lừa mình mà bảo thất vọng.
– Nhưng học sinh bây giờ thường không thích học văn. Vậy nhà thơ làm cách nào để khiến các em cũng sẽ yêu thơ?
– Những bài thơ tôi chọn bình luận là những bài tôi thích nên sẽ cố truyền tình yêu mến của mình cho độc giả. Nói ví dụ, món ăn cũng phải biết ăn thì mới thích. Ngày bé, tôi không biết ăn thịt chó, sau này đi làm, “đua” với các bạn tôi cũng ăn và thấy món này ngon hơn các món khác. Nguyên nhân tôi không ăn là vì gia đình tôi không ăn. Mình không biết ăn thì không thể kết luận là nó không ngon. Trong một gia đình không ai thích văn chương thì làm sao các con thích. Nếu cha là nhà thơ, thì các con dù không biết làm thơ nhưng chắc sẽ thích thơ. Tôi bình thơ cũng là cách kéo các em vào với văn chương, khi bị thơ làm ướt tâm hồn rồi thì mới có thể nói thích hay không. Tôi thường đi bình thơ và thấy có thể làm cho mọi người thích thơ được. Có lần tôi được mời bình thơ cho thanh niên trước một buổi chiếu phim. Tôi rất lo bởi nhìn chung mọi người thích xem hơn nghe và nghĩ chắc người ta mong cho mình nói nhanh để xem phim. Lúc đó, trong đám đông có cậu thanh niên ngồi rất ngỗ ngược, chân vắt lên ghế. Tôi nói chuyên thơ mà cũng bị phân tán bởi hình ảnh ấy. Khi sắp sửa kết thúc thì cậu thanh niên đó nói: “Làm bài nữa, ông nhà thơ, làm bài nữa đi”. Câu nói xấc xược nhưng tôi thấy mừng.
– Bận thế, ông dành thời gian nào để sáng tác thêm những bài thơ mới?
– Tôi luôn ưu tiên cho việc làm thơ, không được thì tôi viết phê bình, viết báo, viết không được thì tôi đọc, đọc không vào thì học ngoại ngữ. Tôi học ngoại ngữ kém vì luôn để nó xuống cuối cùng. Chẳng qua vì thi thoảng đi thăm con bên Mỹ, cũng cần biết để hỏi thăm đường đi lối lại hay mua cái bánh. Tôi học bằng cách đọc bài thơ bằng tiếng nước ngoài.