Maurice Maeterlinck – Cha đẻ của Con chim xanh

Maurice Maeterlinck là nhà văn, nhà viết kịch nổi tiếng của Bỉ. Ông được biết đến với những tác phẩm mang nội dung phong phú, giàu tưởng tượng và đầy thi vị của thế giới thần tiên. Vở kịch nổi tiếng nhất của ông “Con chim xanh” đã trở thành một điển cố văn học biểu tượng cho hạnh phúc tình yêu. Ông được trao giải Nobel Văn Học năm 1911.

Cảnh trong vở “Con chim xanh” – Nhà hát Tuổi Trẻ

 

Maurice Polidore Marie Bernhard Maeterlinck sinh ra trong một gia đình giàu có. Sau khi tốt nghiệp trung học và đại học Luật tại Ghent, Maurice Maeterlinck lên tu nghiệp về luật tại Paris. Năm 1886, ông gia nhập Đoàn Luật sư Ghent, làm thơ, viết kí và phê bình cho các báo và tạp chí. Năm 1886, ông in truyện ngắn đầu tiên “Cuộc tàn sát những kẻ vô tội”; năm 1889 xuất bản tập thơ đầu tiên và vở kịch đầu tiên, được các nhà phê bình hết lời khen ngợi. Từ đó ông bỏ nghề luật sư. Trong những năm tiếp theo, ông viết hàng loạt vở kịch cổ tích, tượng trưng, kịch rối… Năm 1895, M. Maeterlinck cưới vợ là Leblan – diễn viên tham gia đóng các vở kịch của ông, và năm 1896 sang Paris sinh sống. M. Maeterlinck ủng hộ nghệ thuật thuần túy, là một trong những đại diện tiêu biểu của trường phái Tượng trưng cả trong thơ ca lẫn sân khấu, trong các tác phẩm của mình mở ra một thế giới đầy màu sắc, mộng ảo chống lại số phận khắc nghiệt. Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông “Con chim xanh” là kiệt tác sân khấu kể về những cuộc phiêu lưu kiếm tìm hạnh phúc qua hình tượng con chim xanh. M. Maeterlinck đã cho nhà đạo diễn cách tân Nga vĩ đại Stanislavski được quyền dựng vở kịch này lần đầu tiên tại nhà hát Nghệ thuật Moscow, được công chúng Nga đánh giá cao. Cùng với đó, “Con chim xanh” cũng được rất nhiều nhà hát, đoàn nghệ thuật nổi tiếng thế giới dàn dựng và diễn đi diễn lại nhiều lần. Đồng thời, được dựng thành phim với nhiều phiên bản khác nhau.

Năm 1911 Viện Hàn lâm Thụy Điển quyết định trao cho Maurice Maeterlinck Giải Nobel Văn học, đặc biệt đánh giá cao vở kịch “Aglavaine và Sylysette” (mặc dù ngày nay vở kịch này được ít người nhắc đến, trái ngược với vở “Con chim xanh”). Sau khi li dị vợ cũ, năm 1919 ông lấy vợ mới, cũng là một diễn viên đóng vai trong vở kịch “Con chim xanh”; tiếp tục viết báo, kịch. Bị đe dọa bởi chiến tranh Quốc xã, năm 1939 ông sang Bồ Đào Nha, rồi sang Mĩ; năm 1947 M. Maeterlinck trở về Pháp và qua đời tại đây năm 1949. Ngoài giải Nobel, Maeterlinck được vua Leopold III của Bỉ tặng huân chương Đại thập tự (1920), huân chương Thanh kiếm của Bồ Đào Nha (1939) và được vua Albert I của Bỉ phong tước hiệu Bá tước (1932).

Kịch của M. Maeterlinck thể hiện những hệ thống triết lý hình thành một cách trực giác. Mô típ cái chết thường xuyên hiện diện trong tác phẩm của ông ở giai đoạn cuối mang thêm màu sắc của chủ nghĩa thần bí. Maeterlinck được coi là một trong những người khởi đầu của sân khấu kịch phi lí. Các vở kịch của ông đến ngày nay vẫn được dàn dựng ở nhiều nước trên thế giới.

Nhà viết kịch và vợ

Chuyện kịch của Maeterlinck hầu hết xảy ra ở những thời đại không thể xác định và ở những nơi không có tên trong bản đồ. Cảnh trí hầu hết là những lâu đài cổ tích với những đường ngầm bí mật, công viên đầy bóng mát, hoặc một ngọn hải đăng và đại dương ở phía xa xa. Trong một số kịch, Maurice Maeterlinck chứng tỏ mình là nhà tượng trưng và nhà bất khả tri. Tư tưởng chính quán xuyến và luôn ngự trị trong sáng tác của ông, đặc biệt trong những tác phẩm hay nhất, đó là: cuộc sống tâm linh, cuộc sống đích thực, nội tại và sâu kín của con người, cuộc sống hiển thị trong chính những hành vi tự phát nhất, ta phải tìm nó ở trong cõi bên kia tư duy và lí trí tư biện. Chính trong những vở kịch này, Maeterlinck tỏ ra xuất sắc trong việc tái hiện sức mạnh tưởng tượng gần như mộng du và tâm hồn mộng tưởng nhưng với sự chính xác của một nghệ sĩ điêu luyện. Đồng thời, sự biểu hiện được cách điệu hóa, kĩ xảo được đơn giản hóa đến tận cùng mà vẫn không phương hại đến cách hiểu vở kịch.

Nổi tiếng đến ngày nay là “Con chim xanh” – vở kịch thần thoại viết về cuộc hành trình của hai bạn nhỏ, là anh trai và em gái, con của một người thợ rừng nghèo khổ, đi tìm kiếm Con chim xanh – được biết đến là sứ giả của hạnh phúc mang về chữa bệnh cho một em bé hàng xóm. Cuộc hành trình của hai bạn nhỏ diễn ra trong một thế giới kỳ diệu mộng tưởng cùng những thử thách hiểm nguy.

Câu chuyện kịch bắt đầu từ một đêm Giáng sinh, khi hai đứa trẻ nhà bác thợ rừng nghèo khổ hạnh phúc ngắm tuyết rơi, lắng nghe tiếng nhạc rộn ràng, tưởng tượng ra bữa tiệc Giáng sinh đầy bánh ngọt và những món ăn ngon của “bọn trẻ nhà giàu” từ xa xa vọng lại. Đúng lúc đó, bà hàng xóm già nua, lưng còng xuất hiện, hỏi bọn trẻ về “ngọn cỏ biết hát và con chim xanh” để chữa bệnh cho con gái mình. Hai anh em đều lắc đầu không biết con chim xanh, mà ở nhà chỉ có một con chim cu bình thường nhỏ bé trong lồng.

Hành trình vòng quanh thế giới, vượt ra ngoài vũ trụ, nhưng cuối cùng hoá ra đích đến để tìm hạnh phúc của hai anh em lại chính là căn nhà nghèo khó với người mẹ hay càu nhàu nhưng đầy yêu thương, người cha làm nghề thợ rừng. Cũng tại căn nhà ấy, con chim cu bình thường của Tintin, nhờ tấm lòng yêu thương, biết hy sinh vì bạn bè… đã trở thành con chim xanh, giúp chữa bệnh cho cô bé hàng xóm.  “Con chim xanh” là hành trình đủ đầy của cuộc sống, là muôn mặt của những điều chúng ta trải qua hàng ngày, trong đó có niềm hy vọng về một cánh chim  có thể chữa lành mọi bệnh tật, mang tới sự sống; về sự mong chờ hạnh phúc, về niềm tin không mất đi, về những giấc mơ đều có thể thành hiện thực.

.

HỒNG HÂN

 

 

 

 

 

 

Tags: #Con chim xanh