Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng để sửa chữa, cải tạo rạp diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn …
Tất nhiên, giá trị cũ ấy thực sự rất giá trị và nó sẽ còn có giá trị ở nhiều năm nữa bởi tính thời sự của chúng – những câu chuyện xảy ra ở hàng chục năm trước, cho đến bây giờ vẫn còn nóng hổi tính thời sự. Và cũng vì, người viết ra chúng – lại là hai kịch tác gia nổi tiếng nhất làng kịch Việt Nam thời kỳ đó: Xuân Trình và Lưu Qang Vũ – thế nên, Người tốt nhà số 5 (Lưu Quang Vũ – Nhà hát kịch Việt Nam) và Bạch đàn liễu (Xuân Trình – Lực Team) đã xuất sắc giành Huy chương vàng cho vở diễn.
RẤT XUẤT SẮC là nhận xét của rất nhiều nghệ sỹ khi xem Bạch đàn liễu của Lực Team (Lucteam) – một đơn vị sân khấu xã hội hoá tham gia Liên hoan lần này. Trần Lực rất giỏi thì ai cũng biết, nhưng anh vừa giỏi nghề, vừa “máu” nghề đến nỗi thành lập hẳn một team KỊCH để thoả mãn đam mê không chỉ cho riêng anh mà còn cho rất nhiều nghệ sỹ trẻ nữa, trong thời buổi kinh tế khó khăn như thế này, quả thật rất đáng khâm phục. Và nếu như các đơn vị khác có “Nhà nước” hỗ trợ kinh phí, thì Lực Team bỏ tiền túi ra nuôi đoàn, cái này rất đáng được “cộng điểm” ở Liên hoan lần này.
Nhưng thực chất, nếu ai đã xem Bạch đàn liễu vào sáng 30/9 tại Rạp Đại Nam, hẳn đều tán đồng, rằng, Bạch Đàn Liễu – Lực Team là vở diễn xuất sắc nhất Liên hoan năm nay, dưới góc độ chuyên môn chứ không phải bất kỳ điều gì khác. Bạch đàn liễu với cách dàn dựng mới mẻ, sân khấu mở, diễn viên không ai vào cánh gà, xuất hiện từ đầu đến cuối ngoài sân khấu, phần diễn và phần “chờ diễn” được ngăn cách bởi tấm màn mỏng mà khán giả vẫn thấy được những người “chờ diễn” đằng sau trong khi sân khấu chính đang sôi động tiết tấu của vở diễn. Câu chuyện của Bạch đàn liễu khiến rất nhiều khán giả xúc động, và tất nhiên, cũng nhiều lúc bật cười bởi sự dí dỏm của diễn xuất và lời thoại của diễn viên.
Người tốt nhà số 5 – thì thôi, cần gì bàn nữa. Một trong những vở kịch rất hay của Lưu Quang Vũ, lại còn “anh cả Đỏ” biểu diễn, thì còn gì phải bàn. Đọc tên thứ 2 trong danh sách Huy chương Vàng, có thể không phải là điểm số đứng thứ 2, nhưng cá nhân người viết xem cả hai vở, thì thấy rằng Bạch Đàn Liễu vẫn xứng đáng đứng trên Người tốt nhà số 5 chút ít – dù cả 2 đều rất xuất sắc và đều đoạt HCV hoàn toàn xứng đáng.
Khen Huy chương Vàng thì đúng là bằng thừa, nhưng vì nó xứng đáng được khen thì vẫn đáng khen.
Nhưng, nhìn lại cả một mùa Liên hoan sân khấu, vẫn thấy đâu đó những điều trăn trở. Kịch bản cũ, thiếu đề tài về Hà Nội dù là Liên hoan sân khấu Thủ đô… Tất nhiên, không có nghĩa cứ Liên hoan sân khấu Thủ đô thì phải nói về Thủ đô, nhưng mà nếu cần một màu sắc riêng, tạo sự khác biệt với Liên hoan khác, thì cũng rất nên cần điều đó. Giả dụ cuộc thi Giọng hát hay Hà Nội, bao giờ đêm chung kết, top 10 thí sinh cũng phải hát bắt buộc 1 bài về Hà Nội bên cạnh bài tự chọn. Liên hoan sân khấu Thủ đô, tất nhiên không thể mỗi đơn vị diễn 2 vở, nhưng mà nếu như đề tài bắt buộc về Thủ đô, từ lịch sử đến hiện đại, từ truyền thuyết đến viễn tưởng,… thì vẫn có quá nhiều thứ để khai thác, cứ gọi là mênh mông…
Và nữa! Như ban đầu cái tít này đã đề cập, “giá trị cũ vẫn lên ngôi”, có thể là một lời khen, nhưng cũng có thể là tiếng thở dài…!!!
Nghĩa là, những vở còn lại, cũng có nhiều tác phẩm mới của những tác giả mới. Giá như vở diễn của họ chỉn chu hơn, hoàn hảo hơn để bước lên bục nhận Giải Vàng, thì có lẽ sẽ rất vui và rất phấn khích vì những “giá trị mới” được tôn vinh cao nhất ở Liên hoan, như một sự ghi nhận cho hướng đi của Sân khấu hiện đại. Ví dụ như vở Trương Chi – Mỵ Nương của Nhà hát kịch Hà Nội, đạo diễn Phùng Tiến Minh gần như “ăn cả” vở diễn này từ kịch bản, đạo diễn đến âm nhạc, vân vân. Vở diễn đoạt Huy chương Bạc, nghĩa là rất gần với Vàng, tiếc quá là tiếc khi vở này không được Vàng, nhưng mà, tiếc là ở sự mới mẻ, một luồng gió mới, chứ nếu phân tích chuyên môn ra, thì Trương Chi – Mỵ Nương vẫn cứ đứng dưới Bạch đàn liễu và Người tốt nhà số 5. Thế nên, sẽ là sự tiếc nuối một cách…hiển nhiên, chứ không phải bức xúc hay “giá như” gì cả.
Hay như Tình sử Thăng Long (Nhà hát chèo Hà Nội) cũng thế – một vở chèo đẹp như một bài thơ hay, quá ngọt ngào, duyên dáng và đằm thắm, thanh lịch, gọn gàng và “sạch sẽ” như một mâm cỗ Tết ngon và đúng vị của phong tục truyền thống. Tuy nhiên, để bật lên thành “vàng mười” thì hình như Tình sử Thăng Long vẫn còn thiêu thiếu chút gì đó, là cái nét riêng, cái cá tính mạnh của đạo diễn hoặc như sự trau chuốt hơn nữa, “đằm” hơn nữa của toàn bộ dàn nghệ sỹ,… là người viết đoán vậy.
Nhiều khán giả rất thích Đại học VHNT Quân đội (vở Huyền thoại Hà Nội) và Trường ĐH SKĐA (vở Những người ở lại), cả hai đơn vị này đều dựng vở về Hà Nội, và thực sự rất dễ thương, rất Hà Nội. Dù không có ngôi sao, mà đa số đều là sinh viên, nhưng họ đã mang đến Liên hoan một luồng gió mới, trẻ trung, trong trẻo và đầy khát vọng. Vì thế, Hà Nội của những năm kháng chiến được hiện lên vừa mang màu sắc xưa cũ, vừa mang hơi thở của ngày hôm nay.
Sức trẻ ấy, tất nhiên, nếu đặt lên bàn cân với những ngôi sao thì thực sự khó để so sánh, nhưng rõ ràng, sức trẻ luôn cần được cổ vũ, động viên để kích thích sự sáng tạo ở họ. Sự tươi mới của ngôn ngữ sân khấu, của diễn xuất của diễn viên đã làm lấp đi những khiếm khuyết từ kịch bản đến dàn dựng, thậm chí âm nhạc của các vở diễn, nó vẫn đem lại cảm xúc thực sự cho người xem, đó là sự thích thú.
Còn nếu nói đáng trân trọng và đáng khen thật nhiều, thì chính là 3 đơn vị “ngoại tỉnh”: Hội nghệ sỹ sân khấu TP HCM, Hội sân khấu tỉnh Bạc Liêu và Nhà hát chèo Bắc Giang. Họ đã đến Hà Nội để tham gia Liên hoan, dù kinh phí còn eo hẹp, nhưng họ thực sự rất hào hứng, rất trân trọng Liên hoan bằng sự đầu tư nghiêm túc cho các vở diễn: Cánh chim trắng trong đêm (Bạc Liêu), Truyền tích Cổ Loa xưa (TP HCM) và Hoàng Thúc Lý Long Tường (Bắc Giang). Trong số này, Bắc Giang có vẻ nổi bật hơn về sự đầu tư và cũng cho thấy sức trẻ và sự quan tâm của Nhà hát đối với lứa diễn viên trẻ để họ thể hiện tài năng của mình.
Kết thúc Liên hoan, ngoài niềm vui thì vẫn có những trăn trở nhất định. Sân khấu ngày hôm nay vẫn chưa thay đổi nhiều so với sự phát triển như vũ bão của đời sống xã hội. Nhiều vở diễn vẫn khai thác đề tài cũ, thậm chí đã diễn hàng ngàn buổi, về thiết kế sân khấu, chiêu trò, mảng miếng thiếu hẳn tính giải trí và thời sự, những sự sáng tạo trong kịch bản, dàn dựng, phục trang, mỹ thuật không nhiều, chưa nói là rất ít, thành ra sự tươi mới, sức hấp dẫn, tính thời đại gần như xuất hiện rất ít trong Liên hoan lần này.
Và, một trong những điều trăn trở nữa là, biết đến bao giờ các vở diễn Sân khấu được mở cửa tự do mà có nhiều khán giả trẻ đến xem, nhỉ? Nhìn cả Liên hoan, vở nào cũng khoảng 80-90% khán giả là…các “cụ”. Có người trẻ ngồi dưới, có khi lại chính là nghệ sỹ các đơn vị khác đi cổ vũ đoàn bạn. Thế nên, sân khấu đang đứng trước nguy cơ “hổng” khán giả rất lớn nếu như lứa khán giả “tiềm năng” U70-80 dần đi về với tiên tổ, sẽ là một khoảng trống cực kỳ khó lấp đầy.
Biết đến bao giờ…?