Rực sáng chân mây một điệu đàn: kịch thơ “Kiều loan”
Lúc đương thời, trong một bài viết, nhà thơ kể, theo lời mẹ, rằng ông được sinh lúc gần nửa đêm ngày 12 tháng giêng năm Nhâm Tuất (1922), một …
Mối quan hệ giữa kịch và văn xưa, cũ như trái đất. M Gorky, một đại diện xuất sắc của văn học vô sản từng viết: “Kịch là thể loại khó nhất trong văn chương “. Nhưng lý do để tôi viết về đề tài cũ này cũng bắt đầu từ một tham luận của NSƯT Thanh Tú – nguyên diễn viên thanh sắc một thời của Nhà hát Kịch Hà Nội tại hội thảo “Sân khấu Hà Nội với những cố gắng tiếp cận phản ánh những biến chuyển lớn của Thủ đô” được tổ chức vào sáng ngày 3/11/2021. Mở đầu bài phát biểu, NSƯT Thanh Tú đọc diễn cảm một mạch đoạn thoại rất dài của nhân vật Min Pho trong kịch “Âm mưu và tình yêu” do cố NSND Nguyễn Đình Nghi dịch và dàn dựng cho Nhà hát Kịch Hà Nội vào năm 1978 (Hồi đó còn là Đoàn Kịch nói Hà Nội). Giữa tiếng trầm trồ ngợi khen của các vị đại biểu tham dự Hội thảo, NSƯT Thanh Tú nói: “Vâng, đúng là rất văn chương, chính vì đoạn độc thoại rất văn chương và cho dù dài không dưới 5 phút diễn trên sân khấu nhưng tính từ đó đến nay đã 43 năm, tôi vẫn có thể diễn lại cho các vị nghe bởi nó đã chinh phục trái tim cùng những xúc cảm của tôi. Khi đã bị chinh phục rồi thì khó quên lắm!”. Và ngay sau đó, NSƯT Thanh Tú cũng đọc luôn hàng loạt những đoạn đối thoại đầy rẫy trong các vở diễn của sân khấu hiện nay. Bằng nghệ thuật diễn chuyên nghiệp, nữ diễn viên tài năng nổi tiếng của Hà Thành đã thể hiện lại hàng loạt những mẩu đối thoại:
– Các vị nghe nhé. Đây là một đoạn độc thoại: “Mày liệu làm được việc ấy không?” / “Dễ ợt, quẳng ra năm củ là ok luôn”. Xin dẫn một đối thoại nữa: “Hôm qua tưởng cậu đi đâu cơ mà” / “Đi đâu, quẩy lên trên Tây Hồ định làm vài nháy, ai ngờ” / “Cần chó gì thứ nhép ấy, đã chén thì phải chén cho ra tấm, ra miếng”. Thưa các vị, tôi là một diễn viên chuyên nghiệp, mặc dù ngừng diễn đã lâu nhưng tình yêu đối với sân khấu trong tôi chưa bao giờ vơi cạn. Chính vì thế nên tôi rất thông cảm với các bạn đồng nghiệp hiện nay, nhưng mặc dù thông cảm đến đâu tôi cũng không thể nuốt nổi những đoạn độc thoại thô thiển, rập nguyên lời ăn tiếng nói trần trụi của tầng lớp hạ cấp để đưa lên sân khấu như vậy. Tại sao văn trong kịch của thế giới với Schiller, Goethe, Bernard Shaw, Chekhov…, văn chương và lộng lẫy như thế còn văn kịch của sân khấu Hà Nội nói riêng và cả nước ta nói chung hiện nay lại trần trụi và thiếu thẩm mỹ như vậy. Phải chăng chính vì những câu thoại nhạt thếch, thô thiển không văn chương này là một trong những nguyên nhân khiến người xem ngày càng xa rời sân khấu.
Trong hội thảo đó, một số vị đại biểu đã cắt nghĩa nhiều nguyên nhân khiến sân khấu hiện nay bị khán giả quay lưng. Nào là sân khấu né tránh sự phản ánh mâu thuẫn và những gì mà xã hội, nhân dân đang quan tâm, làm mất đi tố chất thánh đường đặc trưng của sân khấu, nên không đưa ra những thông điệp mà người xem rất cần được nghe ở loại hình văn chương – biểu diễn rất đặc thù này. Nào là nguyên nhân còn nằm ở sự cũ kĩ không đổi mới của sân khấu từ khâu kịch bản, đạo diễn đến trang trí, âm nhạc, diễn xuất, trong khi các loại hình nghệ thuật khác đã có nhiều đổi mới. Còn với NSƯT Thanh Tú, chị đã khẳng định thêm nguyên nhân, sở dĩ sân khấu hiện nay không hấp dẫn người xem vì quá nhiều kịch bản thiếu chất văn chương và thẩm mỹ trong kịch.
Tôi hoàn toàn đồng ý với sự phát hiện của NSƯT Thanh Tú, bởi tôi nghĩ, sân khấu, hay nói cụ thể hơn, kịch đúng là “một thể loại – cho dù là một thể loại khó – của văn chương” như M. Gorky nói. Ngay từ thời Hy Lạp – La Mã cách đây gần 2000 năm, Kịch cùng mâu thuẫn của nó được phô diễn bằng hình thức thơ. Các đại diện vĩ đại nhất của Kịch cổ đại từ Étsin đến Xôphốclơ đều dùng thơ để diễn tả những bi kịch trong các kịch bản của mình, cho đến Shakespeare – nhà viết kịch lỗi lạc nhất thế giới, trong hơn 50 kiệt tác của ông bao gồm cả bi kịch từ Hamlet, Macbeth, Othello, Romeo và Juliet… đến hài kịch danh tiếng như “Chuyện chẳng có gì mà ầm ĩ thế”, “Giấc mộng đêm hè”, “Người lái buôn thành Venice”… đều được viết bằng thơ. Ở nước ta, kịch bản của các bộ môn nghệ thuật sân khấu dân tộc như tuồng, chèo và sau này là cải lương cũng đều hàm chứa các làn điệu có gốc tích từ những thể thơ dân tộc duyên dáng nổi tiếng của ta như lục bát, song thất lục bát, ngũ ngôn, trường thiên… Không phải ngẫu nhiên những đại biểu xuất sắc của nền kịch nói Việt Nam từ một thế kỷ nay đều là nhà thơ như Thế Lữ, Vi Huyền Đắc…, và sau này không ít kịch bản nổi tiếng của sân khấu kịch nói nước ta đều được viết từ những tác giả vốn là những nhà văn, nhà thơ như Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Khải, Xuân Trình, Chu Lai, Xuân Đức, Lưu Quang Vũ…
Còn hiện nay, có thể nói đây là một hiện thực buồn khi kịch và văn chương ở nhiều chỗ, nhiều nơi có sự khập khiễng chưa ăn ý, chưa hòa hợp, bị tách riêng, khu biệt. Ngay trong khâu tổ chức thì từ Hội Nhà văn Việt Nam đến Hội NSSKVN cũng chưa tìm ra mối liên hệ hay sự gặp nhau nào. Cách đây ba, bốn thập niên, nghe nói Hội Nhà văn Việt Nam còn có một Ban văn học kịch nhưng tổ chức này giờ không còn tồn tại. Chính vì thế, trong lễ kỷ niệm 100 năm sân khấu Kịch nói Việt Nam được tổ chức trang trọng tại Nhà hát Lớn Hà Nội, không có chiếc ghế nào dành cho đại diện của Hội Nhà văn. Cũng nghe nói mấy năm rồi, hình như cả đại diện Hội Nhà văn Việt Nam và Hội NSSKVN cũng đã lờ mờ nhìn ra khiếm khuyết văn chương nào đấy trong sân khấu đương đại và đã có dự định triển khai mối liên hệ này để khắc phục nhưng rồi lại thôi. Phải chăng sự xa rời của hai tổ chức đầu ngành văn chương và sân khấu này cũng là một nguyên nhân kịch hiện nay thiếu văn chương mà NSƯT Thanh Tú đã nhắc đến chăng. Với tư cách là một nhà văn, nhà viết kịch, tôi rất muốn quan hệ của hai tổ chức văn chương và sân khấu này được tái lập.
Phải nói rằng, đa phần các nhà viết kịch đang ăn khách hiện nay đều tốt nghiệp từ trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh, hoặc từ đạo diễn, diễn viên tay ngang chuyển sang viết kịch bản. Với những tác giả này, họ có rất nhiều ngón nghề sân khấu để cấu trúc nên một kịch bản dễ diễn, dễ dựng, nhưng hình như kịch bản của họ cũng chưa mấy quan tâm đến sự hấp dẫn, lóng lánh của văn chương. Các nhà văn có gốc gác văn chương, có lẽ chỉ trừ Lưu Quang Vũ, Xuân Đức, Chu Lai… thành thạo bút pháp xây dựng kịch bản, còn không ít vị đôi khi viết kịch bản lại quá say làm văn quên yếu tố kịch nên lời thoại trong kịch của họ nặng văn chương mà lại nhạt chất kịch. Cách đây hơn ba thập niên đã không ít nhà văn muốn viết kịch nhưng sau một thời gian thì nói như Chu Lai đều “ôm đầu máu quay về”, có lẽ vì không vượt qua được sự ham văn mà quên kịch.
Từ câu nói nổi tiếng của Gorky, tôi vẫn cho rằng kịch và các thể loại văn như tiểu thuyết, truyện ngắn là những thể loại hoàn toàn khác nhau nhưng được gắn kết bằng chất văn chương. Vì thế mà có rất nhiều tác phẩm văn chương hay đã từng được khen “viết căng thẳng và đầy tính kịch”; và cũng không ít vở kịch được khen “vở diễn này mang chất thơ đằm thắm và mô tả mâu thuẫn kĩ như trong tiểu thuyết”. Nhưng cho dù có thể đan xen, cài răng lược như thế nào, kịch vẫn là kịch và văn vẫn là văn. Cái khác nhau cốt lõi ở nghệ thuật thể hiện. Ở kịch, ngôn ngữ thể hiện duy nhất của nó chỉ là những câu thoại giữa các nhân vật. Chỉ bằng lời thoại, quá khứ, hiện tại, tương lai của sự việc xảy ra, tính cách nhân vật, tình cảnh của chuyện kịch cũng theo đó mà được khắc họa. Ngay cách tạo lập, triển khai và kết thúc mâu thuẫn, xung đột – là đặc điểm hàng đầu của kịch – cũng được xác lập bằng thoại. Thoại – phương tiện biểu hiện duy nhất của kịch phải đảm trách nhiều vai trò như thế nên thoại kịch trong chừng mực nhất định khác hẳn thoại trong văn chương. Thoại kịch tạo nên giao đãi, gợi mở, khai triển và liên kết. Từ trong chuyên môn gọi là thoại hành động. Trong kịch bản càng nhiều thoại hành động thì vở diễn càng sinh động và càng cuốn hút. Cho đến bây giờ nói về thoại của kịch, người ta hay nhắc đến lời thoại kinh điển nổi tiếng của Hoàng tử Hamlet: “Tồn tại hay không tồn tại”. Chỉ trong sáu tiếng ấy thôi đã thấy nổi lên cả một vấn đề mang tính lịch sử của cả một thời đại. Hay câu nói có vẻ vu vơ của cậu Vanya trong hài kịch cùng tên của Chekhov: “Ở châu Phi chắc lúc này đang nóng lắm nhỉ”, người xem không chỉ thấy sự bế tắc của tâm trạng nhân vật mà còn thấy cả sự ngột ngạt của xã hội Nga trước Cách mạng tháng 10. Ở những kịch bản thành công, lời thoại thường ngắn gọn, khái quát, đúng tính cách nhân vật, tình huống kịch được đặt đúng chỗ nên nó đủ sức để truyền tải những vấn đề lớn của xã hội, của tâm trạng con người và đó chính là tính văn chương của văn học kịch. Còn trong văn học, bằng hình thức tự sự của mình, các thể loại đặc trưng của văn chương như tiểu thuyết và truyện ngắn còn có thể dung nạp cách kể chuyện của tác giả, góc nhìn nhân vật, những trang trữ tình ngoại đề và cả những dòng tả tình, tả cảnh, mô tả hình thức con người và tất nhiên cả lời thoại của nhân vật. Chỉ có điều, thoại trong văn chương được diễn đạt tự nhiên giống như lời ăn tiếng nói bình thường trong cuộc sống.
Thử đưa ra một cách chủ quan sự khác biệt giữa hai thể loại văn và kịch như vậy để thấy, với kịch, để đạt hiệu quả cao, tạo ra sự hấp dẫn cho người xem thì vấn đề văn chương và tính thẩm mỹ là điều không thể thiếu trong sáng tác kịch bản. Do nhiều nguyên nhân nên trên dưới ba thập niên nay, Sân khấu nước ta không mấy chú trọng đến chất văn chương trong vở diễn, bắt đầu từ khâu kịch bản. Chính vì sự quên lãng này đã tạo thành một trong nhiều nguyên nhân khiến kịch trong thời gian qua mất đi tính hấp dẫn của chính mình.
Khán giả cất công đến rạp muốn chứng kiến những sự kiện, thực tế sôi động nhất của xã hội đang xảy ra được sân khấu khắc họa, phản ánh để từ đó lĩnh hội được những thông điệp mà vở diễn mang lại. Bên cạnh đó, người xem cũng muốn được thưởng thức chất thẩm mỹ của Sân khấu qua những câu thoại tinh tế, nghệ thuật và phát hiện bản chất sự việc, tính cách con người một cách văn chương, thẩm mỹ.