Kịch nói bao giờ lấy lại vai trò tiên phong?

Hội thảo “100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam – Những vấn đề đặt ra, giải pháp và định hướng phát triển” được Hội NSSKVN tổ chức sáng 23-10 trong khuôn khổ Lễ kỷ niệm 100 năm kịch nói Việt Nam. Hội thảo thu hút sự tham dự của giám đốc các nhà hát kịch, các nhà nghiên cứu, phê bình sân khấu.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông cũng tới dự và góp ý kiến. Phó Giáo sư Tất Thắng; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Duy Khuê; nhà văn Ngô Thảo; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Thị Minh Thái; Nghệ sĩ nhân dân Lê Tiến Thọ; Nghệ sĩ nhân dân Giang Mạnh Hà; Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu; Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc; đạo diễn Lê Quý Dương…đã có những đề xuất về giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho sân khấu kịch nói.

NSND Thúy Mùi – Chủ tịch Hội NSSKVN tại hội thảo

Ngay từ khi xuất hiện ở phương Tây, nghệ thuật kịch nói đã chứng tỏ được khả năng phản ánh cuộc sống, tâm tư, tình cảm của con người trong xã hội hiện đại một cách sâu sắc. Được du nhập vào Việt Nam từ thế kỷ 20, kịch nói cũng chứng tỏ được sức mạnh của một thể loại sân khấu trong một đất nước chưa hoàn toàn giải phóng nhưng đã bước vào giai đoạn đổi mới với những thay đổi cuộc sống, những chuyển biến trong quan niệm nhân sinh.

Còn nhớ, cách đây không lâu, khán giả yêu sân khấu mỗi tối đều nô nức xếp hàng mua vé vào rạp thưởng thức các vở diễn như: “Nhân danh công lý”, “Hà My của tôi”, “Tôi và chúng ta”, “Ông không phải bố tôi”… Đến nay, người làm nghề vẫn không quên nhắc nhở những ngày hoàng kim xa xưa ấy, khi rất nhiều anh tài hội tụ ở sàn diễn từ tác giả, đạo diễn, diễn viên. Ai cũng một lòng hăng say, lao động quên mình dưới ánh đèn sân khấu.

Phó giáo sư Tất Thắng trình bày tham luận tại hội thảo

Khi đất nước hoàn toàn thống nhất, cuộc sống của người dân Việt Nam bước sang một trang mới với vô vàn vấn đề, khi ấy, sân khấu kịch nói sẵn sàng “lao vào điểm nóng”, phản ánh trực diện và sâu sắc các vấn đề bức xúc của xã hội, trước cả báo chí truyền thông. Nhiều người tự hỏi, phải chăng sân khấu lúc đó đã làm quá tốt nhiệm vụ của mình? Nhưng những ngày vàng son của kịch nói ấy chẳng được bao lâu. Từ sau sự ra đi đột ngột của nhà viết kịch Lưu Quang Vũ, sân khấu kịch bỗng rơi vào một khoảng trống mênh mông. Cũng từ đó, loại hình được coi là mũi nhọn, xung kích nhất trong các thể loại sân khấu đã như đám lửa gặp mưa, dù có cố khơi lên cũng chẳng thể bùng được. Sân khấu kịch hiện nay đang yếu về các vấn đề nóng bỏng của xã hội, trong khi đây chính là nhiệm vụ quan trọng của thể loại này.

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông phát biểu tại hội thảo

Bởi thật khó để phản ánh một vấn đề thời sự nóng hổi vừa kịp thời, vừa sâu sắc với những nhân vật điển hình mẫu mực, những câu thoại đầy tính triết lý trong một vở diễn với nhiều thành phần sáng tạo. Những năm 80 của thế kỷ trước, sân khấu có thể nhanh hơn báo chí. Song ở thời buổi công nghệ thông tin này, về độ nhanh nhạy, sàn diễn không thể đọ được với các phương tiện truyền thông và mạng xã hội. Môi trường xung quanh dường như là một “ma trận” cho các cây bút muốn sáng tác về sân khấu. Cuộc sống đang trôi hối hả, mấy tác giả đủ kiên nhẫn viết một kịch bản trong thời gian dài để rồi chẳng biết có được dàn dựng hay không?

PGS.TS Phạm Duy Khuê cho rằng ở thời nay, kịch nói đang khủng hoảng và chưa thể hiện được con người đương thời. Tư duy kịch nói của chúng ta cho đến thời điểm này cũ kỹ quá, không sang trọng. Các tác giả viết kịch vẫn có tư duy cũ kỹ, lại né tránh hiện thực, không hiểu mấy về nhân cách, cảm thức của con người hiện thực ngày nay. Chúng ta phải bám sát thực tế để phản ánh.

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái vẫn đầy nhiệt huyết khi bàn luận về kịch nói Việt Nam

PGS.TS Nguyễn Thị Minh Thái nhận xét, kịch nói ngày nay đã mất đi vai trò chính là đối thoại với đời sống và khán giả. Cuối thế kỷ 20, đầu 21, sân khấu vắng lặng. Các sân khấu nhỏ phía Nam ra đời, phát triển rất mạnh mẽ ở Thành phố Hồ Chí Minh, được yêu thích nhưng thực chất chỉ là giải pháp tình thế. Thực tế đã chứng minh kiểu nhà hát ấy sớm lụi tàn. Bởi để chiều theo thị hiếu của người xem, những chương trình trên sân khấu đã được xây dựng nhanh chóng, đáp ứng theo nhu cầu của khán giả. Người ta đổ xô đi mua vé để xem hài kịch đơn giản hay những chương trình giải trí dễ dãi vào cuối tuần. Sân khấu chỉ còn những vở diễn với tiếng cười đơn giản, thậm chí có phần “rẻ tiền” và đôi khi kèm theo các yếu tố sốc, sex.

NSƯT Xuân Bắc –  Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam trăn trở với những phương pháp làm kịch trong thời đại mới

Nghệ sĩ ưu tú Xuân Bắc, Nhà hát Kịch Việt Nam khẳng định, bên cạnh yếu tố chủ quan từ các đơn vị nghệ thuật chưa thực sự có hướng đi đúng, còn có nhiều cứng nhắc trong cách tiếp cận khán giả, thì yếu tố khách quan từ sự bùng nổ quá nhanh, quá mạnh của nền kinh tế thị trường cũng đã ảnh hưởng đến việc khán giả đi xem kịch, đặc biệt là kịch chính luận. Sức cạnh tranh của các loại hình giải trí hiện đại khiến sân khấu không còn sức hút như giai đoạn trước, dù những người làm sân khấu nghĩ đủ phương thức để kéo khán giả tới rạp.  Những con số từ Nhà hát Kịch Việt Nam: vở diễn “Lâu đài cát” đã đạt mốc biểu diễn 100 đêm chỉ gần 2 năm tính từ khi vở ra mắt. Vở hài kịch chính luận “Bệnh sĩ” đã diễn được gần 300 đêm và tiếp tục được khai thác biểu diễn phục vụ khán giả.

Có những vở diễn đặc biệt của nhà hát như “Bão tố Trường Sơn”, “Kiều”… diễn liên tiếp trong vòng một tuần mà khán giả vẫn hỏi mua vé đi xem. Có những vở diễn của Nhà hát Kịch Việt Nam đi diễn xuyên Việt ròng rã gần 2 tháng trời, tới đâu cũng nhận được những tình cảm lưu luyến của khán giả.

Đã từ rất lâu, những buổi diễn tại rạp của nhà hát, sau khi vở diễn kết thúc, khán giả vẫn thường nán lại khán phòng để giao lưu với nghệ sĩ, bày tỏ cảm xúc của mình về vở diễn, về câu chuyện kịch. Với những minh chứng rõ nét từ hoạt động thực tế của các nhà hát, có thể nói rằng, muốn vực dậy sức sống của sân khấu kịch nói không còn cách nào khác là phải xây dựng được những vở diễn có chất lượng, có tính dự báo vượt thời gian.

NSND Trung HIếu – Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội đọc tham luận

Nghệ sĩ nhân dân Trung Hiếu, Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội chỉ ra những tồn tại của sân khấu kịch hiện nay là một chuỗi liên hoàn những bất cập. Trước hết, việc thiếu hụt khán giả khiến cho nguồn thu từ việc bán vé của loại hình này hiện nay rất thấp, đời sống nghệ sĩ gặp nhiều khó khăn. Chế độ đãi ngộ nghệ sĩ kém, rất nhiều Nghệ sĩ ưu tú, Nghệ sĩ nhân dân vẫn là các diễn viên hạng 3, hạng 4 với mức lương và chế độ thấp. Chỉ tiêu biên chế hạn hẹp, các quy định về nhân sự nghiêm ngặt dẫn đến tình trạng thiếu hụt diễn viên trẻ tài năng. Điều này khiến cho nhiều khoa đào tào nghệ thuật sân khấu của các trường đại học nhiều năm gặp khó khăn nghiêm trọng trong khâu tuyển sinh như khó tuyển sinh, khó đào tạo, thiếu hụt lớp kế cận, người nghệ sĩ khó chuyên tâm vào nghệ thuật do không thể chỉ sống bằng nghề. Chính những liên hoàn đó khiến cho nghệ thuật sân khấu kịch nói dần mai một trước tác động mạnh mẽ của yếu tố thị trường.

Một bậc thầy về nghệ thuật tuồng nói rằng: “Một thành phố mà không có kịch nói thì cũng giống anh nhà quê”. Một nền sân khấu mạnh bao gồm nhiều yếu tố, trong đó kịch nói phải đóng vai trò tiên phong. Đã ở tuổi 100, sau nhiều thăng trầm, hy vọng kịch nói Việt Nam sẽ có những tín hiệu mới để song hành cùng cuộc sống muôn màu sắc.

PV

Tags: #100 năm sân khấu kịch nói#Hội thảo#Nhà hát kịch Hà Nội#Nhà hát kịch Việt Nam#NSND Thuý Mùi#NSND Tiến Thọ#NSND Trung Hiếu#NSƯT Xuân Bắc