Kịch Hà Nội gây “thương nhớ” cho khán giả Hải Phòng

Cả hai vở diễn dự thi của Nhà hát kịch Hà Nội tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đều có rất đông khán giả đến xem, bởi đơn giản, từ lâu, thương thiệu “kịch Hà Nội” đã gây tiếng vang trong lòng công chúng cả nước và luôn được yêu mến, ngưỡng mộ.

Vì thế, kể cả diễn ra vào buổi sáng mùa đông khá lạnh của vùng Đông Bắc, khán giả thành phố Cảng vẫn dậy thật sớm để xem vở kịch Thành chính khí của Nhà hát kịch Hà Nội trình diễn dự thi sáng 11/11 tại Rạp Tháng Tám – Hải Phòng.

Vở kịch HÀ THÀNH CHÍNH KHÍ

Xem phần dự thi vở Hà Thành chính khí:

Hà Thành chính khí – tác giả kịch bản Phùng Nguyễn, đạo diễn NSND Trung Hiếu, thiết kế mỹ thuật NSƯT Doãn Bằng, nhạc sỹ NSƯT Phùng Tiến Minh,… được dàn dựng đẹp như một bài thơ về nhân vật lịch sử Hoàng Diệu – một vị minh quan triều Nguyễn đã lãnh đạo nhân dân Hà Nội chống lại sự tấn công của thực dân Pháp năm 1882 cách đây gần hai thế kỷ.  Vở diễn với sự tham gia của các nghệ sỹ: NSƯT Quang Thắng (vai Tôn Thất Bá), NSƯT Thu Hạnh (vai Khuê Thị), Tiến Lộc (vai Hoàng Diệu), Diễm Hương (vai Lê Thị), Chí Nhân (vai Henri Riviere),… cùng sự tham gia của Thiện Tùng, Mạnh Hà, Thanh Tùng, Mạnh Hưng, Xuân Tùng, Quang Minh, Quân Anh, Xuân Hồng, Việt Dũng, Tiến Mạnh, Duy Hưng cùng các diễn viên của Nhà hát tham gia biểu diễn.

NSƯT Quang Thắng (vai Tôn Thất Bá) và Chí Nhân (vai Henri Riviere)

Với một kịch bản chỉn chu và phần dàn dựng cực kỳ công phu, hoành tráng; sự diễn xuất thăng hoa của các nghệ sỹ, Hà Thành chính khí hiện lên như một bức tranh đẹp, ngợi ca tài năng và nhân cách của Hoàng Diệu. Vở diễn kết hợp được rất nhiều yếu tố nghệ thuật đạt chất lượng cao giữa phần nghe và phần nhìn. Đặc biệt, âm nhạc trong vở Hà Thành chính khí kết hợp được giữa ca trù (Bắc Bộ) và hò Huế (Trung Bộ) thể hiện tâm tư tình cảm của Hoàng Diệu, một người được sinh ra ở dải đất miền Trung lớn lên từ những câu hò ngọt ngào của mẹ, và tình yêu của ông đối với mảnh đất kinh kỳ Hà Nội với làn điệu ca trù đặc trưng – nét văn hóa đặc sắc của Thăng Long. Sự kết hợp hài hòa ấy của âm nhạc đã tạo nên những miền cảm xúc vô biên đối với khán giả.

Bên cạnh đó, nhạc nền trong suốt vở diễn khi thì du dương, bay bổng, nhẹ nhàng lúc Hoàng Diệu chuyện trò cùng Lê Thị, lúc lại sục sôi, mạnh mẽ khi Hoàng Diệu chỉ đạo người dân chiến đấu chống lại quân Pháp, và tĩnh lặng từng giọt đàn thể hiện nỗi lòng của người mẹ đêm ngày thương nhớ đứa con xa quê. Có thể nói, âm nhạc trong vở diễn này chính là một trong những “vũ khí” cực kỳ sắc bén để chinh phục người xem.

Nghệ sỹ Tiến Lộc (giữa) xuất sắc khi hóa thân thành nhân vật Hoàng Diệu

Dàn diễn viên hùng hậu đẹp cả thanh và sắc của Nhà hát đã góp phần lớn tạo nên thành công của vở diễn. Nghệ sỹ trẻ Tiến Lộc vào vai Hoàng Diệu rất xuất sắc khi thể hiện được cả sự mạnh mẽ của một võ quan và sự nho nhã của một người học cao hiểu rộng, đúng hình mẫu một nhân vật lịch sử văn võ song toàn. NSƯT Quang Thắng với vai Tôn Thất Bá cũng là một trong những nhân vật nổi bật của vở diễn. Lối diễn tự nhiên, khéo léo của Quang Thắng đã biến anh từ một người thường được khán giả nhớ đến với những vai hài, trở thành một tên quan tham mưu mô nhưng hèn nhát, nham hiểm gây ấn tượng mạnh đối với khán giả.

NSƯT Thu Hạnh (vai Khuê Thị) gây xúc động mạnh cho khán giả

Các diễn viên khác như NSƯT Thu Hạnh (vai Khuê Thị), nghệ sỹ Diễm Hương vai Lê Thị, Chí Nhân vai Henri Riviere cũng đã có phần trình diễn hoàn hảo, nổi bật tạo nên các mắt xích quan trọng trong đường dây kịch bản và mang lại hiệu quả cao cho vở diễn. Cảnh Hoàng Diệu tuẫn tiết khi Hà Thành thất thủ, cùng với tiếng kêu xé lòng của người mẹ đã chạm tới tâm can người xem khiến không ít khán giả “gai người”. Đấy là cảnh cuối của vở diễn, cũng chính là một trong những khoảnh khắc bi tráng và xúc động nhất của Hà Thành chính khí.

Vở diễn thứ 2Nhà hát kịch Hà Nội tham gia dự Liên hoan tối qua 10/11 đó chính là “Làng song sinh”. Đây là vở kịch do nhà văn Xuân Đức viết kịch bản và cũng chính NSND Trung Hiếu – Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội trực tiếp dàn dựng, NSƯT Doãn Bằng – Đăng Khoa thiết kế mỹ thuật, NSƯT Phùng Tiến Minh phụ trách phần âm nhạc và NSƯT Thanh Nam giữ vai trò biên đạo múa,… cùng sự tham gia của các nghệ sỹ: NSƯT Tiến Minh (vai Tân),  Thiện Tùng (vai Quả), Thùy Dương (vai Thỏn), NSƯT Quang Thắng (vai Ông Mễ), Xuân Hồng (vai Báng – Bang), Thùy Anh (vai Thẻn), Việt Dũng (vai Tạ) và các nghệ sỹ Mạn Hưng, Quốc Đam, Xuân Tùng, Duy Hưng, Tố Uyên,…tham gia biểu diễn.

Vở kịch nói LÀNG SONG SINH

Xem phần trình diễn dự thi của vở Làng song sinh:

 

NSƯT Phùng Tiến Minh (giữa) cùng với Thiện Tùng và Thùy Dương

“Làng song sinh” kể về câu chuyện từ một lời nguyền xảy ra tại làng Thủy Đọng, đó là ai đẻ con cũng phải sinh đôi. Để xóa, lời nguyền, 3 người đàn ông trong làng đã kết nghĩa huynh đệ rồi lên chùa cầu tự, khi có con, họ nói với dân làng rằng lời nguyền đã được hóa giải, họ chỉ sinh một. Câu chuyện được mở ra từ cuộc sống của ba đứa trẻ là Tấn, Tạ, Quả – họ lớn lên trong chiến tranh rồi trở về làm quan chức cao trong tỉnh, huyện nhưng chính những bí mật, những âm mưu thủ đoạn được che giấu bao năm vẫn đeo bám họ và gây ra cho chính những con người ấy rất nhiều biến cố khiến cuộc sống của họ không thể bình yên.

Nội dung vở kịch đề cập đến cái cốt lõi của nhân tính, trong bản thể con người luôn song song tồn tại cái thiện và cái ác, cái tốt và xấu, sự đê tiện và thiện lương và mỗi con người đều phải xóa bỏ những mặt tiêu cực trong chính con người mình để vươn lên, hướng đến những giá trị tốt đẹp.

Với vai Tân và Quả, Phùng Tiến MinhThiện Tùng vụt sáng trở thành hai “ngôi sao” của vở diễn. Vai diễn của Thiện Tùng thuộc hàng “nặng ký”, xuất hiện từ đầu đến cuối với nhiều giai đoạn trong cuộc đời, thay đổi cả ngoại hình lẫn tính cách vì thế lối diễn cần sự đa dạng, biến hóa, uyển chuyển và khéo léo. Tất cả những điều đó đã được Thiện Tùng “hóa giải” tài tình để mang đến cho khán giả một nhân vật Quả thực sự ấn tượng, khó quên. Có thể nói, đây là vai diễn “để đời” của Thiện Tùng bởi độ khó của vai diễn cũng như sự khát khao chinh phục những vai diễn đỉnh cao của anh. Cùng với đó, Phùng Tiến Minh vào vai Tân cũng thực sự xuất sắc. Một nhân vật vừa đa mưu, dâm đãng vừa hèn nhát, cơ hội được Phùng Tiến Minh lột tả “trần trụi” mang lại nhiều cảm xúc cho người xem.

Đây là vở diễn được đầu tư và dàn dựng cực kỳ công phu, tỉ mỉ và rất tâm huyết của giám đốc Nhà hát – NSND Trung Hiếu. Không chỉ “mất ăn mất ngủ” với “Hà Thành chính khí”, “Làng song sinh” cũng được Trung Hiếu cực kỳ quan tâm chỉnh sửa từng động tác của diễn viên, giám sát từng ngọn đèn, từng đạo cụ trên sân khấu để biến vở diễn trở thành một tác phẩm sân khấu hoàn hảo nhất.

Vai diễn “nặng ký” của Thiện Tùng cũng đưa anh trở thành một trong những ứng viên “nặng ký” cho chiếc Huy chương vàng cá nhân

Với hai vở diễn tham gia dự thi lần này, Nhà hát kịch Hà Nội thêm một lần nữa khẳng định chất riêng của mình, đó là sự thanh lịch, sang trọng nhưng cũng rất đời, rất thơ. Rất nhiều khán giả Hải Phòng đã vỗ tay tán thưởng những màn đối đáp tinh tế, những phần diễn xuất thăng hoa của nghệ sỹ. Họ đã vỗ tay không dứt khi đèn sân khấu đã sáng, nghệ sỹ đã cúi chào nhưng những khán giả thân yêu của thành phố Cảng vẫn nán lại vẫy tay, reo hò thể hiện sự tán thưởng của mình dành cho các nghệ sỹ bởi họ đã được thưởng thức những vở diễn chất lượng cao, xứng đáng với thương hiệu Nhà hát kịch Hà Nội.

Một số hình ảnh trong vở diễn Hà Thành chính khí:

Việt Tùng

Tags: #Liên hoan kịch nói 2021#Nhà hát kịch Hà Nội#NSND Trung Hiếu#NSƯT Phùng Tiến Minh#NSƯT Quang Thắng#Thiện Tùng