Kịch Hà Nội gây “thương nhớ” cho khán giả Hải Phòng
Cả hai vở diễn dự thi của Nhà hát kịch Hà Nội tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021 đều có rất đông khán giả đến xem, bởi đơn …
Euripides là một trong ba nhà viết kịch vĩ đại của Athena thời Hy Lạp cổ đại, cùng với Aeschylus và Sophocles. Một số học giả cho rằng ông có nhiều nhất 92 vở kịch. Trong số đó, ngày nay chỉ 18 hoặc 19 vở là nguyên vẹn, các vở còn lại chỉ là trích đoạn. Việc gần 20 vở kịch của ông còn tồn tại, một phần do may mắn thuần túy và một phần bởi vì sự phổ biến của chúng trong xã hội bấy giờ.
Tác phẩm của Euripides gắn với những cách tân trong sân khấu và ảnh hưởng sâu sắc tới thời hiện đại, đặc biệt là trong cách thể hiện các anh hùng thần thoại, truyền thống như những người bình thường trong các hoàn cảnh phi thường. Cách tiếp cận này dẫn ông tới những tiến bộ tiên phong mà các nhà văn về sau tiếp nhận trong tân hài kịch ở thời đại Macedonia, đặc trưng cho văn học lãng mạn thời Trung Cổ. Tuy nhiên ông cũng trở thành “người bi đát nhất trong các nhà thơ”, tập trung vào đời sống và những động lực nội tâm của nhân vật theo cách chưa từng được biết tới. Ông là người sáng tạo “khuôn khổ sân khấu Othello của Shakespeare, Phèdre của Racine, của Ibsen và Strindberg”, trong đó những người đàn ông và đàn bà bị giam hãm hủy diệt lẫn nhau bởi cường độ tình yêu và thù hận.
Những người đương thời liên hệ ông với Socrates như người lãnh đạo của phong trào trí thức suy đồi, cả hai người họ thường bị đả kích bởi các nhà thơ trào phúng như Aristophanes. Trong khi Socrates cuối cùng bị đem ra xử và bị tử hình vì tội làm bại hoại văn hóa, Euripides chọn một sự lưu đày tự nguyện vào tuổi già, và chết ở Macedonia. Một số nghiên cứu gần đây nghi ngờ các tiểu sử thời cổ về Euripides. Chẳng hạn, có thể là ông chưa bao giờ thăm Macedonia, hoặc nếu ông từng thăm, ông có thể đã được mời gọi bởi Vua Archelaus giống như cách đối đãi ông vua này dành cho những nghệ sĩ khác.
Ông lớn lên và trưởng thành ở giai đoạn nước cộng hòa Athena sau một thế kỷ phát triển rực rỡ, bắt đầu suy vong: nội bộ chia rẽ và bị Sparta đánh chiếm. Ông là chứng nhân của những rối ren trong xã hội, sự tan rã của nền dân chủ Athena. Là người có học vấn uyên bác, ở ông có sự tổng hòa nhịp nhàng giữa tư tưởng nhân đạo, tâm hồn tự do phóng khoáng và lòng khoan dung vừa đủ của một hồn thơ minh triết. Ông sáng tác khoảng 92 vở kịch. Qua các bi kịch của mình, Euripide phản ánh hiện thực xã hội dân chủ chủ nô ở thời kỳ tan rã, đánh giá chân xác tôn giáo, thần thánh, xã hội, chiến tranh, nhân tình thế thái. Tiếp thu sự tiến bộ cơ bản nhất của thời đại là lòng tin ở lí trí và tư duy con người cùng tư tưởng mới của khoa học, triết học, Euripide xây dựng các nhân vật chính của mình là những con người có tâm tư, suy nghĩ riêng biệt, biết xúc động, hành động vì ý muốn của bản thân và lòng đam mê chứ không hành động theo ý muốn của thánh thần. Và chính từ những nỗi đam mê cuồng nhiệt không được thỏa mãn, nhân vật sẽ dễ dàng bị dẫn đến bi kịch. Ðam mê cũng lấn át lý trí, quyết định và hành động của các nhân vật. Trong kịch của ông, nhân vật thường bị đưa vào những tình huống bi đát, những cơn khủng hoảng nặng nề, qua đó thể hiện tính cách mạnh mẽ của mình. Ông được coi là người sáng tạo ra loại kịch tâm lý với những nhân vật mang nội tâm phức tạp. Kịch Euripide có sự hoà quyện của bi và hài, đậm tính triết lý nhưng gần gũi với đời sống tinh thần nhân dân và lấy trọng tâm là số phận con người, vận mệnh đất nước. Ông cũng là người độc nhất trong số các nhà văn cổ Athena vì mối quan tâm hướng tới mọi nạn nhân của xã hội, gồm cả phụ nữ. Các khán giả nam bảo thủ thường bị sốc bởi những yếu tố dị giáo ông đưa vào miệng các nhân vật, chẳng hạn như Medea của ông: “Chẳng thà ta đứng/ Ba lần trong những trận chiến của họ, khiên trong tay/ Hơn là sinh ra đứa trẻ”.
Euripides tăng cường tầm quan trọng của âm mưu trong bi kịch. Euripides dường như nghiêng về bi kịch nhiều hơn hài kịch, và, trên thực tế, ông được coi là đã tạo một ảnh hưởng đáng kể đến tân hài kịch Hy Lạp. Dạng kịch này nhẹ nhàng châm biếm xã hội Athen đương đại và được khán giả yêu thích một thời gian dài.
Euripides miêu tả phụ nữ một cách tế nhị. Nhân vật của ông có thể là nạn nhân với những câu chuyện trả thù, trù dập, và thậm chí giết người. Năm trong số những bi kịch phổ biến ông đã viết bao gồm: Medea, The Bacchae, Hippolytus, Alcestis, và The Trojan. Những tác phẩm này khai thác từ thần thoại Hy Lạp và nhìn vào mặt tối của nhân loại. Euripides đã thể hiện sự đồng cảm đối với các thành viên thiếu hiểu biết trong xã hội. Kịch Euripidean dường như là cầu nối các thể loại bi kịch.
Vở bi kịch nổi tiếng nhất của ông là “Medea” được trình diễn lần đầu tiên vào năm 431 TCN trong lễ hội Dyonisies và chỉ giành giải ba trong cuộc thi kịch năm đó do vấp phải sự phản đối của nhiều khán giả. Nội dung vở kịch được dựa trên câu chuyện thần thoại về người anh hùng Jason – người đã lấy được bộ lông cừu vàng và Medea, ở thời điểm sau khi Jason và Medea đã có hai con trai và đến sống tại Corinthe. Trọng tâm vở kịch xoay quanh sự trả thù của Medea với Jason vì đã bỏ rơi nàng để lấy công chúa con vua Créon. Tuy nhiên, trong vở kịch, chi tiết Médée giết chết hai đứa con của mình là một khác biệt rất lớn so với nội dung của thần thoại.
Sự ích kỉ của Médée là mặt trái của một tình yêu mãnh liệt và mù quáng, cũng là một sự phản kháng với những bất công của xã hội đối với người phụ nữ xưa. Là nhân vật chính của vở kịch, Medea dĩ nhiên là đối tượng được tác giả gửi gắm nhiều tâm tư tình cảm nhất. Do vậy, tuy thấy rõ sự tàn nhẫn và ích kỉ của nhân vật, người xem vẫn có thể thông cảm chứ không coi nàng là một con quái vật giết người không ghê tay vì những hành động ấy đều xuất phát từ lòng khao khát yêu thương, khao khát hạnh phúc gia đình và cuối cùng thì chính nàng vẫn phải chịu đau khổ tột cùng.