“Điều còn lại” – vở diễn lay động trái tim khán giả bởi sự nhân văn

Sáng 10/11, Nhà hát kịch Việt Nam đã trình diễn tác phẩm dự thi thứ 2 của mình, đó là vở Điều còn lại (Tác giả: TS. Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu). Vở diễn đã lay động trái tim khán giả đất Cảng bởi tính nhân văn của câu chuyện và sự diễn xuất tuyệt vời của dàn diễn viên trẻ Nhà hát kịch Việt Nam.

NSƯT Phương Nga vai mẹ Muộn

“Điều còn lại” kể về câu chuyện “hậu chiến” của một gia đình làng quê Bắc Bộ, một trong vô vàn những câu chuyện đẫm nước mắt mà biết bao gia đình Việt Nam đã phải gánh chịu bởi hậu quả của chiến tranh. Nếu như ở ngoài mặt trận, sự tàn khốc của một cuộc chiến là bom rơi đạn nổ và sự hi sinh của người chiến sỹ, thì ở hậu phương, nỗi đau đớn mà chiến tranh để lại không phải tiếng súng và những cái chết, mà đó là những sự đau đớn về tinh thần khi vợ mất chồng, cha mẹ mất con, và ngay cả khi những đứa con còn sống trở về, người thì mất đi vài phần thân thể, người lại mắc chứng tâm thần….

Nhưng ở “Điều còn lại”, sự đau đớn tinh thần không nằm ở sự mất mát về thể xác, mà là nỗi đau đớn khi người lính trở về vẫn còn nguyên vẹn, nhưng lại mất đi người vợ yêu dấu, bởi người phụ nữ ấy trong một giây phút yếu lòng, không kìm chế nổi ham muốn thể xác đã ngoại tình với một người lính khác,  lúc chồng mình vừa mới lên đường vào mặt trận, và kết quả của cuộc tình ngang trái đó là một đứa con trai.

Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ giữa mẹ chồng, nàng dâu, đứa con “ngoài giá thú” và người chồng ngoài chiến trận. Bốn nhân vật ấy là bốn cái “trụ” làm nên đường dây chính của kịch bản, và mỗi nhân vật ấy lại tạo ra những mối quan hệ vệ tinh làm nên nhiều tuyến nhân vật đan xen vào nhau, phát sinh ra những xung đột, kịch tính, đấy mạch truyện lên cao trào.

Nghệ sỹ Việt Hoa (vai Thuyến)

“Điều còn lại”, người ta thấy mẹ Muộn – một bà mẹ chồng tuyệt vời nhất trên đời với lòng vị tha và bao dung vô bờ bến. Mẹ Muộn nghiêm khắc nhưng cũng thật tình cảm, nhân ái, nói theo ngôn ngữ của thời hiện tại, mẹ Muộn đúng hình mẫu “bà mẹ chồng quốc dân” – là “linh hồn” của câu chuyện. Người ta cũng thấy một nàng dâu Thuyến dù trong một phút không làm chủ được sự ham muốn của bản thân đã phản bội chồng, nhưng vẫn là một người phụ nữ đảm đang, tháo vát, trân trọng mẹ chồng, yêu quý con và luôn mang trong mình sự dằn vặt, ân hận. Người ta thấy một chiến sỹ Bân – người chồng tội nghiệp vì bị vợ “cắm sừng” với đầy những mâu thuẫn nội tại, căm hận người vợ tột độ và không thể tha thứ – nhưng tất cả những đắng cay, giận hờn ấy xuất phát từ chính tình yêu tuyệt đối mà anh đã dành cho Thuyến – người vợ của mình. Người ta cũng nhìn thấy một cậu bé Được hồn nhiên, trong trẻo, dễ thương – là chìa khóa để mở ra cánh cửa giải quyết các mâu thuẫn trong gia đình.

Và còn đó, một cô Duyên “lắm lời, hóng hớt, vô duyên”, một anh lính Bường – thủ phạm của cuộc ngoại tình vô tiền khoáng hậu, chỉ một lần gần gũi Thuyến thì cả đời cũng không quên được, nhưng anh buộc phải quên vì đó là mối tình tội lỗi. Anh lính ấy từ chiến trận trở về, luôn ân hận, dày vò vì tại sao những người lính khác phải chết mà không phải là mình – một kẻ tội đồ, ngủ với vợ của đồng đội – sự ân hận, dày vò của câu chuyện ngoài mong muốn với Thuyến, cùng sự khốc liệt của chiến tranh đã khiến anh trở thành kẻ lúc tỉnh lúc điên ở trong viện điều dưỡng….

Nghệ sỹ Tô Dũng vai Bân

Tất cả những nhân vật trong “Điều còn lại”, dù là người có công, hay kẻ có “tội” thì cuối cùng, họ cũng không đáng trách, bởi tất cả đều là nạn nhân của một cuộc chiến tranh tàn khốc, ác liệt mà ngay cả khi nó kết thúc ngoài chiến trận, thì lại bắt đầu bùng nổ ở nơi hậu phương. Sự nhân văn, ấm áp, bao dung đầy tình người là những “tinh chất” làm nên giá trị của vở kịch này. Bởi trải qua tất cả những sai lầm thì điều đọng lại, vẫn là giá trị nhân bản của con người – đó chính là điều cốt lõi, là thông điệp ý nghĩa mà vở kịch muốn truyền tải.

Ngoài một kịch bản không thể xuất sắc hơn của Nguyễn Đăng Chương, phần dàn dựng của Kiều Minh Hiếu cho thấy tài năng và sự chắc tay của anh. Dù vẫn được coi là một đạo diễn “trẻ”, nhưng Kiều Minh Hiếu cho thấy sự chín chắn, già dặn và sâu sắc cũng như tinh tế trong cách dàn dựng của mình. Một vở diễn khá dài nhưng khi kết thúc ai cũng tiếc vì vẫn còn muốn xem nữa. Những giọt nước mắt xúc động của khán giả xuất hiện ngay từ những cảnh đầu tiên của vở diễn, cho đến cảnh cuối cùng, mẹ Muộn khom người cô đơn trên bến sông tạo nên một không gian cảm xúc mênh mông và những suy ngẫm về nhân tình thế thái cho khán giả.

Kiều Minh Hiếu thực sự rất quan tâm đến các chi tiết của vở kịch, vì thế, từ việc thay cảnh trí đến thiết kế mỹ thuật, trang phục diễn viên và đạo cụ,… đều được anh “đong đếm” tỉ mỉ, cặn kẽ để nó không thừa, không thiếu một chút nào, hoàn hảo như một mâm tiệc đủ vị, vừa miệng mà khán giả ăn món nào cũng thấy ngon.

Thiết kế mỹ thuật của vở diễn này thực sự xuất sắc, và đây có lẽ là vở diễn có phần thiết kế mỹ thuật chất lượng và hiệu quả hàng đầu của Hội diễn lần này. Dưới bàn tay của NSƯT Doãn Bằng – một làng quê Bắc Bộ hiện lên trên sân khấu đẹp như cổ tích, gây thương nhớ đến nôn nao cho khán giả, đặc biệt với những người “sinh ra từ làng”. Từ những “con rơm” óng vàng treo trên hiên nhà, đến sân thóc, cái cối đá, tấm phên cửa,… những thứ vô cùng thân thuộc đối với bất kỳ người nông dân Bắc Bộ nào. Cách bài trí thấp cao, so le nhưng lại cực kỳ cân đối trong tổng thể của không gian sân khấu tạo cho khán giả một không gian tưởng tượng phong phú, ngập tràn hình ảnh đẹp đến nao lòng.

Diễn xuất của các nghệ sỹ cũng thực sự ấn tượng. Có thể nói Nhà hát kịch Việt Nam đang sở hữu một dàn diễn viên trẻ đầy tài năng và đam mê. Với vai Mẹ Muộn – NSƯT Phương Nga trở thành ngôi sao chói sáng nhất vở diễn. NSƯT Phương Nga vào vai mẹ Muộn với đầy tâm trạng giằng xé, vừa phẫn nộ nhưng lại cũng đầy bao dung, vừa nghiêm khắc nhưng cũng tình cảm đến mềm lòng. Đài từ của Phương Nga khiến người xem gợi nhớ đến NSND Lan Hương – thế hệ đi trước của cô – đó là cách thoại vô cùng linh hoạt, nhiều màu sắc thể hiện cực kỳ rõ nét từng sắc thái cảm xúc của nhân vật. Sự lên xuống tông giọng, từ buồn sang vui, từ tức giận sang an ủi được Phương Nga xử lý vô cùng nhuần nhuyễn và tinh tế. Đặc biệt, diễn xuất nội tâm qua thần thái trên gương mặt mà đặc biệt là đôi mắt đã khiến khán giả như cuốn vào nhân vật do Phương Nga đảm nhiệm, rất tuyệt vời.

Nghệ sỹ Quang Đạo (trái) vai Bường

Bên cạnh đó, 4 nghệ sỹ trẻ đầy tài năng và đang hừng hực sức thanh xuân của nhà hát đã khiến vở diễn trở nên sinh động và cực kỳ hấp dẫn, bởi họ vừa đẹp về ngoại hình, vừa tài giỏi trong diễn xuất, đó là Việt Hoa (vai Thuyến), Tô Dũng (vai Bân), Quang Đạo (vai Bường)Tuyết Trinh (vai Duyên). Có thể nói sức trẻ của họ chính là nguồn năng lượng dồi dào “đốt cháy” sân khấu khiến vở diễn luôn sống động, có hồn.

Thực sự, đây là 4 trong những gương mặt trẻ tiêu biểu của Nhà hát kịch Việt Nam, là lứa nghệ sỹ kế cận đầy tài năng nối gót các thế hệ đi trước của “anh Cả Đỏ”. Sự diễn xuất đa dạng, linh hoạt của Tô Dũng, Quang Đạo khiến câu chuyện của hai nhân vật này luôn tạo được sự chú ý đặc biệt đối với khán giả. Họ vừa là tình địch, vừa là đồng đội; vừa là kẻ xa lạ nhưng lại là người “một nhà”, bởi thế, nếu một nghệ sỹ không nắm bắt được tinh thần và cốt cách của nhân vật sẽ rất khó để xoay chuyển tình huống kịch một cách nhuần nhuyễn được, nhưng ở đây, cả Tô Dũng Quang Đạo đều đã có phần trình diễn xuất sắc làm nổi bật tính cách của nhân vật.

Việt HoaTuyết Trinh cũng là những nghệ sỹ trẻ đầy tài năng. Nếu Việt Hoa vào vai Thuyến “ít lời” và chủ yếu diễn bằng nội tâm, thì Tuyết Trinh (vai Duyên) lại tưng tửng, “lắm mồm” cần diễn nhiều bằng ngoại hình và thoại. Tuy ở hai trường phái khác nhau nhưng họ đều biết phát huy hết thế mạnh của mình để đẩy cao trào nhân vật lên đỉnh, tạo cảm xúc mãnh liệt cho người xem.

Nghệ sỹ Minh Hải (vai ông Ánh), Ba Duy (vai Được), NSUT Phương Nga (vai mẹ Muộn)

Ngoài ra, không thể không nhắc đến nghệ sỹ Minh Hải (vai ôngÁnh) và nghệ sỹ Ba Duy (vai Được). Đây là hai vai phụ nhưng có vai trò quan trọng vào đường dây câu chuyện. Minh Hải diễn trầm, lắng nhưng rất tinh tế, đặc biệt giọng hát rất ngọt ngào, trữ tình tạo nên những tình huống kịch mang lại tiếng cười và sự thư giãn cho khán giả. Ba Duy (vai Được) mang lại sự tươi tắn, hồn nhiên – là một trong những “mảng sáng” của vở diễn, khiến những giận hờn dần tan biến và những mâu thuẫn, khúc mắc cùng vì cậu bé mà dẫn được gỡ bỏ. Lối diễn sinh động của Ba Duy khiến nhân vật Được vừa lí lắc trẻ con nhưng cũng lại tạo ra nhiều khoảnh khắc xúc động cho vở diễn.

Có thể nói, cùng với vở Thiên mệnh (tác giả Hoàng Thanh Du, đạo diễn NSƯT Đỗ Kỷ), vở diễn Điều còn lại là một trong hai tác phẩm xuất sắc – hai ứng viên nặng ký cho chiếc Huy chương vàng của Liên hoan năm nay. Và cũng qua hai vở diễn này, có thể thấy Nhà hát kịch Việt Nam vẫn giữ được phong độ là “cánh chim đầu đàn” với những nét đặc trưng mà các thế hệ đi trước đã gầy dựng.

Xem phần trình diễn dự thi vở kịch ĐIỀU CÒN LẠI:

Việt Tùng

Tags: #Kiều Minh Hiếu#Liên hoan kịch nói 2021#Nhà hát kịch Việt Nam