Đảng cộng sản việt nam và nghệ thuật sân khấu Việt Nam

  1. Từ khi Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời đã có nhiều Nghị quyết về văn hóa, văn nghệ như: Đề cương văn hóa 1943 – đã soi đường cho sự nghiệp xây dựng và phát triển văn hóa, văn nghệ Việt Nam; đã khẳng định mối quan hệ giữa văn hóa và kinh tế, chính trị; giữa cách mạng văn hóa và cách mạng giải phóng dân tộc; giữa văn hóa mới và nhân dân theo tinh thần dân tộc, đại chúng và khoa học. Tiếp theo đề cương 1943 là Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; Nghị quyết 23/NQ-TW về xây dựng và phát triển văn hóa, nghệ thuật trong thời kỳ mới; Nghị quyết 33/NQ-TW khóa IX về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu bền vững đất nước…

Những Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ được bắt nguồn từ chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh và được sáng tạo bằng thực tiễn của dân tộc, cách mạng để trở thành chân lý khách quan, nền tảng cơ bản cho con đường phát triển văn hóa, văn nghệ Việt Nam. Nhờ đó, nghệ thuật Sân khấu cách mạng Việt Nam đã ra đời.

76 năm qua, các nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã là chiến sĩ “phò chính trừ tà”, đã đem tâm huyết, trách nhiệm cao cả của mình để xây dựng nghệ thuật Sân khấu theo phong cách cách mạng và Việt Nam, đã cố gắng phản ánh chân thực, sinh động những bước đi của dân tộc và đã lý giải được phần nào quá trình chuyển hóa tính cách của con người Việt Nam lớn lên từ nghèo khó, lạc hậu, phong kiến qua khói lửa chiến tranh lâu dài, tàn khốc để thành con người mới có cuộc sống mới xã hội chủ nghĩa, có khả năng “trông Bắc, trông Nam, trông cả địa cầu”. Những sáng tạo của họ rất phong phú về đề tài, đa dạng về chủ đề và sinh động về thể tài. Do đó, dù là lịch sử, dã sử, huyền thoại hay hiện đại hoặc nước ngoài; dù là bi kịch, hài kịch hay chính kịch, Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói, Kịch dân ca… thì đều là tâm huyết với nội dung anh hùng ca, thể hiện những hình tượng cao đẹp biết đứng lên bằng đôi chân của mình để làm chủ bản thân, làm chủ xã hội, vượt qua mọi thử thách của hoàn cảnh để xây dựng nên một hệ giá trị Việt Nam: anh hùng, giàu lòng nhân ái, bao dung, chân thành, tín nghĩa theo tinh thần “mình vì mọi người và mọi người vì mình”.

Nghệ thuật Sân khấu Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đã đi đúng hướng và trở thành một trong những nền Sân khấu tiên tiến, hiện đại của thế giới hiện nay và các nghệ sĩ luôn luôn tin vào Đảng, nghe theo Đảng, làm theo Đảng, đứng về phía Đảng một cách chân thành, hiền hậu… Thành tựu này thuộc về Đảng, về đường lối văn hóa văn nghệ của Đảng.

 

  1. Nghệ thuật Sân khấu cách mạng Việt Nam, từ năm 1945 cho đến nay, có 5 thành tố cơ bản mang tính nội sinh: tác giả, đạo diễn, diễn viên, khán giả và nhà quản lý. 5 thành tố này, trong nghệ thuật Sân khấu, không thể thiếu, không thể yếu và luôn luôn có mối quan hệ thống nhất biện chứng với nhau trong quá trình hình thành, phát triển.

Từ thực tế hoạt động 76 năm của mình, ai ai cũng thấy thành tố thứ 5 – Nhà quản lý đã giữ vai trò chủ thể với chức năng tối cao: đặt ra đường lối, thành lập đơn vị nghệ thuật, định hướng sáng tác, chi phối lương bổng, điều hành mọi tổ chức, biên chế nhân sự, khen thưởng, kỷ luật nghệ sĩ, duyệt diễn vở này, ngừng diễn vở kia…

Chứng minh cho hiện tượng này, lấy năm 1948, có nhà quản lý đã “khai tử Tuồng”, vì cho rằng, Tuồng là của giai cấp phong kiến, phong kiến bị đánh đổ, thì Tuồng của nó phải “đổ” theo. Do đó, nghệ sĩ Võ Sĩ Thừa đã bị công an bắt giam bởi hát Tuồng! Hay tác phẩmTình ca” của nhạc sĩ Hoàng Việt, khi mới ra đời, bị một nhà quản lý cho là bi lụy, yếu đuối nên đã “lưu kho” hơn 10 năm. Hoặc tác phẩm Tiếng hát giữa rừng Pác Bó” của Nguyễn Tài Tuệ, khi mới ra đời cũng bị nhà quản lý phán rằng: đây là bài hát có chất “then Tày” dành cho người chết, nên đã bị “huýt còi”. Trích đoạn Cu Sứt” trong vở Kim Nham” bị nhà quản lý bảo “con bất hiếu với cha” nên đã gạt ra khỏi danh sách trích đoạn hay của Chèo cổ. Đoàn Cải lương ở một tỉnh cạnh Thủ đô đã có 43 tuổi đời, được khán giả yêu thích, nhưng nhà quản lý không thích đã bắt chuyển sang hát Chèo, thành Đoàn Chèo. Đoàn Kịch Nha Trang (3 tuổi đời), Kịch Đà Nẵng (8 tuổi đời), Kịch Bình Trị Thiên (13 tuổi), Kịch Quảng Trị (17 tuổi) đều bị các nhà quản lý “khai tử”, dù có nhiều thành tích lớn, vì không phải là thể loại truyền thống của địa phương.

Đặc biệt, hiện nay, các nhà hát Chèo, Tuồng, Cải lương, Kịch… nổi tiếng của các tỉnh đã bị các nhà quản lý “giải thể” và nhốt vào “một rọ” của Trung tâm văn hóa nghệ thuật tỉnh. Bởi vì, các nhà quản lý phải tiến hành “cải cách hành chính” giảm biên chế, giảm đầu mối…

Như vậy, thông qua thực tế trên, rõ ràng nghệ thuật Sân khấu Việt Nam đã thuộc về nhà quản lý. Nhà quản lý đã có quyền lớn: “Bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao”. Đây là hạn chế thuộc về cá nhân nhà quản lý. Bởi vì, nếu nhà quản lý nào am tường sâu sắc nghệ thuật Sân khấu thì nghệ thuật Sân khấu ở tay họ sẽ được phát triển toàn diện, mạnh mẽ. Sự thật này, ở phần trên đã minh giải và khẳng định hiển nhiên bằng thành tựu của nền nghệ thuật Sân khấu cách mạng đó sao?

Xuất phát từ bản lĩnh, trình độ của nhà quản lý bị hạn chế, yếu kém đã không có năng lực để thể hiện các Nghị quyết đúng đắn của Đảng vào thực tiễn, nên chủ trương về xã hội hóa, về tự chủ của nghệ thuật Sân khấu đầy lúng túng và dẫn đến thực trạng mâu thuẫn:

– Mở nhiều Trại sáng tác thường xuyên, nhưng nghệ thuật Sân khấu vẫn “nhiều vở yếu, thiếu vở hay”.

– Tổ chức liên hoan, hội diễn, cuộc thi với nhiều Huy chương Vàng, Bạc mà vẫn chưa có tác phẩm đỉnh cao, chưa tác dụng tích cực đối với con người.

– Phong rất nhiều Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú, Giải thưởng Hồ Chí Minh, Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật mà nghệ thuật Sân khấu vẫn không có khán giả.

– Nhà nước đặt hàng tác phẩm giá cao mà nghệ thuật Sân khấu vẫn chưa được tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

– Nhà nước đầu tư tích cực cho Sân khấu thử nghiệm trong và ngoài nước mà nghệ thuật Sân khấu vẫn cũ kỹ, lạc hậu.

– Nhà nước có các chính sách ưu đãi cho sự nghiệp đào tạo nghệ sĩ, nhưng các trường đại học Sân khấu – Điện ảnh, trung cấp văn hóa nghệ thuật vẫn không thu hút được nhiều sinh viên đến.

– Nhà nước có nhiều chế độ ưu đãi nhằm nâng cao đời sống văn nghệ sĩ, nhưng không ít nghệ sĩ vẫn nghèo, vẫn cảnh “ngày bán nước nuôi thân, tối xả thân cứu nước trên sân khấu”.

v.v và v.v…

Vậy nguyên nhân nào đã dẫn đến tình trạng mâu thuẫn trên?

Trước hết, chúng ta cần nhận thức rằng, đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng là hoàn toàn đúng, khách quan, hợp quy luật. Đó là trí tuệ của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, toàn trí thức của Việt Nam tạo thành. Nó mang tính tập thể, tính toàn vẹn, tính hoàn thiện của chiến lược trong từng câu, từng chữ, từng vấn đề, từng mục, từng việc rất chỉn chu, kỹ lưỡng. Nhưng chưa được những cán bộ – người quản lý trong từng đơn vị, từng nhiệm vụ mang tính độc lập triển khai Nghị quyết vào thực tiễn của nghệ thuật Sân khấu. Do đó, khá đông văn nghệ sĩ chưa được thấm nhuần các Nghị quyết của Đảng về văn hóa, văn nghệ, về Đề cương văn hóa, Nghị quyết 5, Nghị quyết 23, Nghị quyết 33 và xã hội hóa hoặc cơ chế tự chủ là thế nào. Nhiều tác giả, đạo diễn, diễn viên rất ít quan tâm tới các khuynh hướng vận động và phát triển của văn học, nghệ thuật thế giới cũng như trong nước; chẳng để ý tới nghệ thuật Sân khấu Việt Nam hôm nay đang có xu hướng nào, có liên quan gì tới hiện đại, hậu hiện đại, mà họ chỉ chăm chú vào phương thức làm thế nào để vở “ăn khách”, dù là phương thức “giải trí đơn thuần” mang tính “thương mại tầm thường”. Ở phạm vi này, phần lớn các đơn vị nghệ thuật cho ra mắt khán giả những tác phẩm “hoài cổ”. Tức là dựng lại, hoặc dựng mới những vở cũ, đề tài lịch sử, huyền thoại và tránh những vấn đề nóng bỏng, thời sự đương thời đang đặt ra.

Mặt khác, nhiều nhà quản lý đã coi nghệ thuật Sân khấu là “hàng hóa”, mà quên mất “văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, động lực phát triển bền vững đất nước”. Nó “được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội”. Do đó, nghệ thuật Sân khấu không thể là “hàng hóa” và không tuân theo quy luật của “hàng hóa” để làm kinh tế như một hàng hóa thực sự.

Hơn nữa, cũng nhiều nhà quản lý coi nghệ thuật Sân khấu như một hình thức hành chính, nên đã quản lý Sân khấu như hành chính, cũng giảm biên chế, giảm đầu mối… mà quên rằng: văn học, nghệ thuật “không thể áp dụng biện pháp hành chính bình quân máy móc và đem số đông thống trị số ít”1. Nó cần phải được đảm bảo một phạm vi tự do rộng lớn cho sáng tạo cá nhân, cho tư duy và trí tưởng tượng của nghệ sĩ. Đặc biệt hơn, nhiều nhà quản lý cho rằng: Xã hội hóa sân khấu là đồng nhất với hình thức tư nhân – phi Nhà nước, nên thúc giục các đơn vị nghệ thuật công lập đi làm “xã hội hóa”, đi xin “tài trợ” các doanh nghiệp, đi biểu diễn theo kiểu “chi ít, thu vốn nhanh” mang tính “dịch vụ”, “chụp giật” và biến nhà hát chuyên nghiệp hiện đại thành phường gánh, nghiệp dư rất đáng thương…

Thực trạng này thuộc về nhà quản lý. Họ chưa làm tốt công việc quản lý Nhà nước và quản lý sự nghiệp; chưa triển khai các Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn bằng các chính sách cụ thể. Do đó, như Đảng đã nhận định: “Văn hóa chưa được quan tâm tương xứng với kinh tế và chính trị, chưa thật sự trở thành nguồn lực, động lực nội sinh của sự phát triển bền vững đất nước, vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa đúng tầm, còn có chiều hướng coi trọng chức năng giải trí đơn thuần. Thiếu những tác phẩm văn hóa, văn học, nghệ thuật lớn, phản ánh sinh động tầm vóc công cuộc đổi mới, có tác dụng tích cực với con người…”2.

 

 

  1. Đứng trước thực trạng của nền nghệ thuật Sân khấu cách mạng đang khủng hoảng trầm trọng đã đòi hỏi những giải pháp cấp thiết như sau:

– Đảng cần đào tạo một đội ngũ quản lý ngành nghệ thuật Sân khấu chuyên nghiệp, có trình độ cao; vừa giỏi quản lý Nhà nước, vừa tài quản lý sự nghiệp và biết vận dụng khéo léo các Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn sáng tạo của văn nghệ sĩ, khơi dậy khát vọng cho văn nghệ sĩ sáng tạo nhiều tác phẩm có giá trị lớn về tư tưởng và nghệ thuật, hữu ích cho “cơ đồ, tiềm lực, vị thế, uy tín thế giới” của đất nước ta.

– Đảng cần có kế hoạch tuyên truyền, giáo dục văn nghệ sĩ để họ được nhận thức, thấm nhuần sâu sắc về đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng. Qua đó, văn nghệ sĩ có được cảm hứng với các Nghị quyết của Trung ương Đảng, với những nội dung: khoa học, dân tộc, đại chúng, tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; cơ chế thị trường định hướng XHCN; xã hội hóa sân khấu và sân khấu tự chủ… để nhiệt tình sáng tạo giải quyết những mâu thuẫn giữa phục vụ chính trị với thương mại; giữa tuyên truyền giáo dục với giải trí; giữa truyền thống với hiện đại; giữa dân tộc với quốc tế… Đặc biệt, Đảng cần giúp cho văn nghệ sĩ nhận thức được sự vận động lớn của dân tộc từ chiến tranh sang hòa bình; từ bao cấp đến cơ chế thị trường định hướng XHCN; từ dân tộc đến hội nhập quốc tế; từ đói nghèo đến dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; từ văn hóa nông nghiệp lúa nước, trọng tĩnh, trọng tình sang công nghiệp hóa, hiện đại hóa, kinh tế số, trọng động, trọng lý…

– Đảng cần đào tạo hai thành tố quan trọng của nghệ thuật Sân khấu là tác giảkhán giả mà từ ngày đầu của nghệ thuật Sân khấu cách mạng cho tới nay đã bỏ quên. Nếu thiếu hoặc yếu hai thành tố này thì các thành tố khác (đạo diễn, diễn viên, quản lý) cũng trở thành vô nghĩa. Vì, không có “bột” sao gột được nên hồ, không có khán giả thì diễn cho ai xem?

– Đảng và Nhà nước cần xây dựng Luật Nghệ thuật Sân khấu, hệ thống chính sách mới cho phù hợp với nghệ thuật Sân khấu trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế. Không có những chính sách và lộ trình của nghệ thuật Sân khấu thì mọi giải pháp đều trở nên vô nghĩa.

– Văn học nghệ thuật nói chung và nghệ thuật Sân khấu nói riêng muôn thuở phải mang trong mình chức năng thiêng liêng là nhân văn – thẩm mỹ, với trách nhiệm của văn nghệ sĩ trên mặt trận văn hóa tư tưởng. Nghệ thuật Sân khấu cần phải có nghĩa vụ tham gia xây dựng giá trị hệ giá trị thẩm mỹ – nghệ thuật Sân khấu của mình trong cơ chế thị trường định hướng XHCN, hội nhập quốc tế để góp vào hoàn thiện các chuẩn mực con người Việt Nam, để phát triển nhân cách, đạo đức, trí tuệ, năng lực sáng tạo, thể chất, tâm hồn, trách nhiệm xã hội, nghĩa vụ công dân của con người Việt Nam hiện đại. Nghĩa là, mỗi tác phẩm Sân khấu dù dưới hình thức, nội dung nào thì cũng phải hướng tới: xây dựng giá trị – hệ giá trị nhân văn – thẩm mỹ cao cả, chứ không nên sa đà vào cái “kiếm sống”, “mua vui giải trí đời thường”. Đó là những triết lý sống mang sức mạnh nội sinh của mỗi nhân vật trong giải quyết xung đột giữa mình với cơ chế thị trường – hội nhập quốc tế hôm nay và chỉ có nhiều tác phẩm mang giá trị – hệ giá trị nhân văn đó thì nghệ thuật Sân khấu Việt Nam mới gọi là thấm nhuần ý Đảng, đáp ứng nhu cầu thẩm mỹ của nhân dân trong thời đại kinh tế số hôm nay.

Tóm lại, nghệ thuật Sân khấu cách mạng Việt Nam là con đẻ của Đảng Cộng sản Việt Nam. 76 năm qua, nghệ thuật Sân khấu luôn luôn đi theo đường lối văn hóa, văn nghệ của Đảng và hôm nay đã trở thành một loại hình hoàn thiện, hiện đại. Nó xứng đáng là chiến sĩ trên trận tuyến chống quân thù và tiêu cực của xã hội.

Thực trạng của nghệ thuật Sân khấu Việt Nam – khủng hoảng, chỉ là tạm thời. Có Đảng, có niềm tin thì văn nghệ sĩ Việt Nam sẽ vượt qua cơn khủng hoảng khách quan của mình không xa./.

 

_________________________________________________________

Chú thích:

  1. “Lênin”, Toàn tập, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2005, tr.123-124.
  2. “Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII”, tập I, NXB Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2021, 84.
PGS. TS. Phạm Duy Khuê

Tags: