Nhà hát Cải lương Hà Nội khởi công hai vở diễn mới
Sau một thời gian im hơi lặng tiếng để sửa chữa, cải tạo rạp diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa tổ chức lễ khởi công hai vở diễn …
Trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam được tổ chức từ ngày 11 đến ngày 23/4/2021, đã có 17 tác giả tham dự. Đây là trại sáng tác kịch bản thứ ba trong hai năm qua, trại lần này có sự tham gia của tác giả 3 miền Bắc – Trung – Nam với các kịch chủng phong phú, đa dạng như: Tuồng, Chèo, Cải lương, Kịch nói với đầy đủ các đề tài: Lịch sử, dân gian, cận đại và đương đại. Sự hội tụ ở nhiều thể loại, đề tài, thể tài khác nhau đã tạo nên bức tranh tổng thể đa sắc của trại sáng tác Nha Trang năm nay.
NSND Giang Mạnh Hà -Phó chủ tịch Hội NSSKVN, Trưởng ban sáng tác phát biểu tại Trại sáng tác Nha Trang 2021
Thay mặt Lãnh đạo Hội, tôi xin trình bày tóm tắt những đánh giá nhận xét mang tính khái quát về mặt ưu điểm và hạn chế của trại, qua đó chúng ta có thể thấy được, hiểu được sự tâm huyết, nét khác biệt và chất lượng của từng tác phẩm dự trại sáng tác lần này.
Khi ta mải mê chạy theo những điều ta cho là đúng, ta ép buộc những người thân sống trong khuôn khổ do ta tạo ra, ta tước mất của họ niềm vui, niềm hạnh phúc được sống là chính họ, thì đúng là một sự khắc nghiệt, dồn nén đến ngột ngạt khiến những đứa con nổi loạn. Có những chuyện ở đời, chỉ khi trắng tay mới nghiệm ra được, đó là tình cảm, là những giá trị đích thực của cuộc sống. Và, đó chính là thông điệp của tác phẩm mà nữ nhà văn, tác giả Nguyễn Thu Phương muốn gửi tới công chúng, khán giả hôm nay.
Yếu tố lạ trong kịch bản của Lê Quý Hiền là: Người dân thì nô nức đến lễ hội Minh Thề, xin nguyện trước đất trời, tổ tiên, thánh thần chứng giám lòng trung: Chúng dân đội ơn, uống nước nhớ nguồn, không ham lợi danh, vật chất, vinh thân, phì gia, không làm điều phi nhân, bất nghĩa. Trong khi các quan có quyền cao, chức trọng lại né tránh, hoảng sợ phải thể hiện lời thề trước thánh nhân. Vì sao những vị quan to chăn dắt muôn dân lại không giám thề…? Đây là nét lạ mang tính bi hài đan xen trong tác phẩm của Lê Quý Hiền. Với thủ pháp của Nhà viết kịch đã thành danh và nhiều kinh nghiệm kịch trường, tác giả đã mượn chuyện xưa để nói lên thực trạng tham quan của ngày hôm nay. Đó là bức thông điệp hết sức rõ ràng mà tác giả gửi tới khán giả đương đại: làm dân bất lương, làm tôi bất trung, làm con bất hiếu, làm quan bất liêm, ắt tự rước họa vào thân.
Ở một góc nhìn khác, tác giả Vương Huyền Cơ khai thác về sự khó khăn, vất vả, cực khổ trăm bề của những người hoạt động sân khấu, làm nghề sân khấu hôm nay. Các nghệ sĩ càng tâm huyết, càng làm càng thấy bế tắc, cứ sa lầy, tự cựa quậy ngoi lên được chừng nào hay chừng đó, ngoi không nổi thì chìm. Thế nhưng nghề nuôi tằm – hay người trực tiếp nuôi tằm vẫn đam mê, tâm huyết, đổ mồ hôi nước mắt, bỏ cả tiền bạc, nhà cửa chỉ vì tình yêu với sân khấu với ánh đèn và với khán giả để có một không gian thánh đường cho nghệ sĩ, diễn viên rút ruột nhả tơ, giúp cho nghệ sĩ biểu diễn được thỏa sức bay bổng, tỏa sáng, nhưng khi thành danh rồi có mấy ai nhớ đến công ông bầu?
Ở một góc cạnh khác tác giả muốn gửi thông điệp đến bạn nghề và người xem rằng: “Một vở diễn hay đích thực, khán giả sẽ tìm đến mà không cần bất cứ chiêu trò gì. Bởi, nghệ thuật chân chính phải định hướng được thị hiếu khán giả”.
Đã có nhiều kịch bản, vở diễn về Lê Đại Hành, vị Hoàng đế tiền Lê trong lịch sử dựng nước của dân tộc. Công chúng khán giả cả nước đã quá quen với hình tượng Hưng đạo Lê Hoàn. Nhưng tác phẩm này, tác giả Đăng Minh đã dày công nghiên cứu tìm ra những yếu tố mới lạ mà các vở diễn trước đó chưa khai thác. Chúng ta phát hiện ra bốn yếu tố mới trong kịch bản: Hoàng đế Lê Đại Hành.
Một là: Người làm Vua mà trọng dụng, phong chức đứng đầu 10 đạo quân cho kẻ thù mà không sợ mầm loạn, phản trắc (Phạm Cự Lượng) Lê Hoàn lấy tình yêu thương để xóa bỏ hận thù.
Hai là: Lê Hoàn đánh Tống tại Bạch Đằng Giang với cách đánh tài tình độc đáo: giả bộ trả hàng giặc, dụ rắn vào hang – đập nát đầu rắn.
Ba là: Lê Hoàn quyết định đào kênh dài 400 km từ Hoa Lư vào đến Hà Tĩnh.
Bốn là: Phát triển nông nghiệp – Vua làm gương cho dân xuống ruộng cày, gọi là Lễ hội tịch điền.
Thông điệp rất rõ ràng: Khi đã ở ngôi cao Thiên Tử – làm Vua trăm họ thì phải để lại cho quốc gia, dân tộc những gì? Công lao và đóng góp của đấng Minh quân sẽ được hậu thế ngàn đời ghi ơn, tôn kính, sống mãi với thời gian.
Đã có một số kịch bản, vở diễn được dàn dựng về nhân vật Nguyễn Công Trứ,. Nhưng với “Hồn thông”, tác giả Thanh Bình lại có cái nhìn khác, anh khai thác ở một lát cắt mang âm hưởng, hồn cốt của tác phẩm thi ca, không xây dựng hình tượng Nguyễn Công Trứ bằng những thủ pháp tạo xung đột kịch trực diện, va đập, căng thẳng mà nhẹ nhàng, khoáng đạt, bay bổng và lãng mạn từ những vần thơ lục bát nổi tiếng của nhân vật:
“Ra trường danh lợi, vinh liền nhục – Vào cuộc trần ai, khóc trước cười”
“Kiếp sau xin chớ làm người, làm cây thông đứng giữa trời mà reo” Tác phẩm như những lát cắt lật qua lật lại cuộc đời dâu bể của Nguyễn Công Trứ: Tài cao, trí rộng, thông minh, liêm chính sừng sững, uy nghi như cây thông vươn thẳng giữa đất trời. “Hồn thông” cứ xoáy vào tâm can người đọc về số phận hanh thông về việc rủi, may trong cuộc đời của Nguyễn Công Trứ.
Đây là lần đầu tiên nhà văn, tác giả Lê Ngọc Minh tham gia trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội NSSKVN. Tác giả đã có nhiều sách in và hơn 50 tập phim truyện lịch sử được trình chiếu phục vụ công chúng. Tuy nhiên, anh cho biết, được tham dự trại với tác giả sân khấu để lại cho anh nhiều ấn tượng tốt đẹp. Kịch bản “Đạo làm vua” có được nét lạ trong việc phát hiện ra nhân vật: Phạm Anh Vũ, con trai duy nhất của quan hành khiển Nguyễn Trãi. Sau khi ba họ nhà Ức Trai tiên sinh đã bị tận diệt “Tru di tam tộc”, Phạm Anh Vũ phạm trọng tội cũng chỉ là để khát khao thể hiện chí nguyện nam nhi hành đạo của một kẻ không muốn để tuyệt dòng giống tổ tiên, Anh Vũ đã chọn con đường “Biến tắc cùng sinh thông đạt”. Thật là hồng phúc cho Phạm Anh Vũ khi gặp được đấng Minh Quân Vua Lê Nhân Tông. Tác giả muốn gửi thông điệp đến người xem: Phàm đã làm Vua thì phải biết sửa sai, đặt giang sơn, xã tắc lên trên quyền lợi cá nhân dòng tộc. Vua Lê đã hạ chiếu minh oanh cho tiên sinh Nguyễn Trãi và phong chức tri huyện cho Phạm Anh Vũ – Chúa sáng tôi hiền mới là Hồng phúc cho quốc gia, dân tộc.
Hoạt động từ thiện đang là vấn đề nóng hổi của ngày hôm nay. Tác giả Phạm Tân muốn gửi tới người đọc, người xem thông điệp sâu xa bản chất của công tác từ thiện – người làm nghề từ thiện và người được thụ hưởng từ thiện có mang hồn cốt nhân văn cao đẹp của cái “thiện” hay không?
Những kẻ có chức, có quyền từ cấp Xã – Huyện – Tỉnh nhân danh “quyền lực” rồi trá hình, núp bóng tham ô, bòn mót, ăn cắp hàng từ thiện của dân. Khi “mầm ác” nhân danh “Cái thiện” thì nó sẽ chiếm đoạt tất cả những gì thuộc về phúc phận của người dân. Sự tha hóa, biến chất của một bộ phận cán bộ có chức, có quyền làm sói mòn lòng tin của người dân với chính quyền. Đó cũng là chủ trương cốt lõi của Đảng về công tác tổ chức cán bộ hiện nay trong xây dựng và phát triển đất nước.
Tháng 5/2020, tại Trại sáng tác kịch bản sân khấu được tổ chức tại Thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng, tác giả Hoàng Thanh Du đã viết kịch bản lịch sử “Thiên mệnh” về Triều đại Đông A (Triều Trần). Kịch bản đã được ít nhất ba Nhà hát tổ chức dàn dựng. Có lẽ, xuất phát từ nguồn cảm hứng sáng tác đang tuôn trào trong huyết quản mà tác giả tiếp tục khơi nguồn dòng chảy với “Thiên mệnh 2 – Lời nguyền với Thánh Nhân”. Ở tác phẩm này, chúng ta thấy tác giả đã giải mã, tìm ra những sự kiện mới, đó là: bốn người con trai của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Cái mới thứ 2 là lời trăn trối của cha An Sinh Vương Trần Liễu trước phút lâm chung: “Sau này, nếu con không vì ta mà lấy lại thiên hạ, thì ta sẽ không sao nhắm mắt được khi nằm xuống đất”. Tác giả đã lý giải sự kiện này bằng con mắt tương phản với chính sử. Tức là, đây chỉ là lời trăn trối Trần Liễu thử lòng dạ con trai Trần Quốc Tuấn. Vâng, lịch sử có thể xảy ra??? Tác giả có quyền hư cấu. Bức thông điệp tác giả gửi đến công chúng, khán giả hôm nay là: Thiên hạ là của muôn dân, không thuộc về bất cứ dòng họ nào, của riêng một nhà nào. Chỉ có những bậc Quốc Quân, biết vì Quốc dân, xóa bỏ hận thù, cố kết được sức mạnh của vạn nhà thì nghiệp lớn mới thành và vững chãi thiên thu. Bài học lịch sử ấy mãi mãi có ích cho hậu thế mai sau.
Trong 17 kịch bản tham dự trại lần này, đây là kịch bản duy nhất viết cho thiếu nhi. Tác giả đã thể hiện sự tưởng tượng hết sức phong phú, đa dạng, tươi mới, sinh động, lãng mạn, bay bổng, dẫn dắt người đọc, người xem thả hồn vào khoảng không bao la vô tận của vũ trụ, các nhân vật như được chắp cánh bay lên ngắm nhìn thế giới rộng lớn với biết bao điều kỳ thú, ngưỡng mộ. “Niềm tin và tình yêu thương chân thành sẽ tạo cho con người phát huy sức mạnh vô biên để thực hiện những ước mơ, hoài bão và khát vọng ở đời”. Đó là thông điệp mà nữ tác giả trẻ Nhi Huyền gửi đến khán giả thiếu nhi tương lai của sân khấu tuổi thơ thân yêu.
Chuyện kịch xoay quanh cái chết khá bất ngờ của Hoàng Vũ, cậu con trai độc nhất của một gia tộc giàu có nổi tiếng ở thành phố. Qua nhiều lớp kịch, nhiều cảnh tìm tòi, khám phá cuối cùng kịch lộ ra kẻ sát nhân thực sự chính là nữ luật sư Ngọc Du – con gái cưng của vị Đại tá trưởng phòng Cảnh sát hình sự công an Thành phố. Sự giằng xé nội tâm đến độ dồn nén vỡ tan lồng ngực của vị Đại tá giữa công lý và tình mẫu tử: “Thưa Hội đồng xét xử! chúng ta không bao giờ nghĩ rằng con gái của mình có thể làm điều thật tàn độc. Con gái tôi đã hành động với một trái tim tan nát. Với bản án 15 năm tù dành cho nó, tôi tin mọi đau khổ sẽ qua, trái tim con tôi sẽ lành lặn, nhưng với tôi mãi mãi là một ám ảnh không nguôi trong suốt quãng đời còn lại”.
Thông điệp của tác phẩm mà tác giả gửi đến khán giả đương đại: “Không ai được đứng trên pháp luật, kẻ phạm tội, dù là ai cũng không thể sống ngoài vòng pháp luật. Và, người cha Đại tá công an ấy không phải hổ thẹn với lương tâm của mình, của một sỹ quan thừa hành pháp luật biết xem công lý là tối thượng”.
Hình tượng nhân vật La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, một kẻ sỹ tài ba được hai triều Tây Sơn và Nguyễn Ánh trọng dụng – Kẻ sỹ dang chân đứng giữa đôi bờ, hai triều loạn lạc, giữa đêm và ngày, giữa trắng và đen, giữa sao khuê và đom đóm. Phò ai, theo ai, Trung Quân Ái Quốc với ai? Tác giả đã giải mã nhân vật Nguyễn Thiếp không theo thư pháp “cung đấu” mưu sâu, kế hiểm, vua, tôi, thoán, nịnh, chém tướng, đoạt thành, tranh giành ngôi báu theo thư pháp Tuồng truyền thống. Cách kể chuyện của kịch bản Tuồng này nhẹ nhàng, dung dị, gần gũi, chân thật, dễ tiếp cận với khán giả đương đại hơn. Đây là ý tưởng luôn được khuyến khích, đặc biệt với sân khấu Tuồng một loại hình kịch hát truyền thống kén khán giả nhất. Tác giả gửi bức thông điệp đến người xem: “Dù trong bất cứ hoàn cảnh nào, cho dù trước cái chết, kẻ sỹ cũng chỉ một lòng phụng sự cho quốc gia, dân tộc, vì muôn dân chứ không vì bổng lộc, ngôi cao mà bẻ cong ngòi bút”.
Câu chuyện dân gian với thể loại Chèo của tác giả trẻ Phạm Ngọc Dương đã để lại cho người đọc, người xem những suy ngẫm về số phận con người, về thế, thái, nhân, tình, về trách nhiệm và tình yêu thương nhân quyền. Một chàng trai tật nguyền phải lê bước chân lay lất đi ăn xin lang thang hàng chục năm trời vì mục đích gom góp đủ tiền để xây cho dân làng một cây cầu đã gẫy đổ. Chàng trai tàn mà không phế, mang tấm thân tật nguyền mà mang tấm lòng yêu thương nhân ái, hy sinh bản thân lo cho con người.
Tương phản với chàng ăn xin là quan xã, quan huyện hưởng bổng lộc của triều đình, vinh thân, phì gia, phục sự cho dân, cho nước nhưng họ lại dửng dưng, bàng quang, vô cảm, vô trách nhiệm, trối bỏ bổn phận, xa rời dân. Câu chuyện dân gian của thời xa xưa nhưng lại chứa đựng đầy ắp hơi thở cuộc sống đương đại. Đó là thông điệp của tác phẩm mà tác giả gửi đến khán giả hôm nay.
Câu chuyện kịch được tác giả khai thác về con đường huyền thoại “Hồ Chí Minh trên biển” và hình tượng người thủy thủ, thuyền trưởng liệt sĩ Phan Vinh tàu không số trong cuộc kháng chiến chống Mỹ của đất nước.
Thông điệp của tác phẩm được tác giả Thượng Luyến thể hiện nổi bật bằng khát vọng giải phóng non sông, thống nhất đất nước, bằng sự hy sinh xương máu của thuyền trưởng Phan Vinh và các chiến sỹ tàu không số, thề quyết tử cho tổ quốc quyết sinh. Công lao đóng góp to lớn của các chiến sỹ mãi mãi là mốc son chói lọi, là bảng tráng ca hùng thương. Thịt xương của các anh hòa tan vào nước biển mênh mông, tạo thành những ngọn sóng vô bờ, vô tận, hình ảnh của các anh sừng sững uy nghi giữa đất trời, là những ngôi sao lấp lánh sống mãi với non sông. Những con tàu không số và đường Hồ Chí Minh trên biển đã trở thành con đường huyền thoại của Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng. Con đường này sẽ mãi mãi là nguồn cảm hứng vô tận, là sức mạnh không cùng cho thế hệ hôm nay đang xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, phồn vinh, hạnh phúc.
Tác giả lý giải kịch bản theo lối ẩn dụ. Vì sao mà pho tượng đồng khổng lồ lại rỗng ruột, hư hỏng, mục nát, ai là tác nhân gây nên một công trình nghệ thuật đồ sộ, to lớn như vậy trở thành phế phẩm. Tác giả Trần Kim Khôi đã dẫn dắt dấu mốc kịch cho đến màn cuối, người đọc, người xem mới biết nguyên nhân không phải do Nhà điêu khắc gia kém tài, thiếu đức mà do cán bộ lãnh đạo của địa phương nhắn tin đe dọa, áp đặt, bưng bít, che dấu hành vi phạm tội, rút ruột công trình, hòng tham ô, tư lợi, bịt miệng người nghệ sĩ chân chính. Thông điệp của tác phẩm muốn gửi đến các nhà quản lý hiện nay đang đua nhau xây dựng tượng đài nguy nga, hoành tráng, gây lãng phí hình thức, gây bức xúc trong dư luận xã hội. Tượng càng to, tham ô càng lớn. Tượng đài của các anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa là sống mãi trong tâm khảm của nhân dân chứ không phải là tượng xi măng, cốt thép rỗng ruột.
Quận He Nguyễn Hữu Cầu, nhân vật lịch sử thời vua Lê Hiển Tông và Chúa Trịnh Doanh. Ông nổi lên chống lại sự áp bức, bất công của Nhà Chúa. Quận He được dân suy tôn làm thủ lĩnh, đem thủ hạ về giữ núi Đồ Sơn và đất Vân Đồn. Quận He Nguyễn Hữu Cầu tự xưng là Đông Dạo thống Quốc Bảo dân Đại tướng quân, trải qua nhiều trận giao tranh Quận He đã thua và giả vờ đầu hàng Chúa Trịnh để tìm cơ mưu lật ngược thế cờ nhưng bất thành. Chúa Trịnh đã cho xử Chúa Quận He. Trước giờ chịu án, để cứu sống vợ và em gái, Quận He đã tấu lên khúc sáo bi hùng của đấng trượng phu giữa pháp trường, tiếng sáo vút lên, ánh đao chớp lóe.
Tác giả Bùi Xuân Thảo đã khắc họa hình tượng nhân vật Quận He Nguyễn Hữu Cầu vì dân vì nước chống lại cái ác của kẻ bạo quyền. Trong lời ngâm hào hùng của ông “Ai anh hùng, ai quan tướng? Ai phản loạn? Ai vinh? Ai nhục? Bao cuộc đời danh vọng và sự nghiệp hết thảy đều như dòng nước để ra biển cả mênh mông.
Câu chuyện đưa chúng ta về vùng Củ Chi đất thép thành đồng. Trong buổi khánh thành cụm tượng đài: Củ Chi đất thép, các cựu binh Mỹ gặp lại người du kích trung đội trưởng đất Củ Chi năm xưa. Chị tên là: Võ Thị Mô – Chị chính là người đã tha chết cho bốn lính Mỹ. Nay họ gặp lại chị và những đồng đội của chị để tạ ơn. Để tri ân các nữ du kích Củ Chi đã không bắn, họ tặng các chị cuốn sách quý “Đường hầm Củ Chi”. Trong mấy chục năm sau khi chiến tranh kết thúc, các cựu binh Mỹ cứ đau đáu trong lòng vì một câu hỏi chưa có lời giải đáp. Vì sao các nữ du kích Củ Chi không giết chết họ mà lại tha mạng sống để họ được trở về Mỹ với gia đình? Họ day dứt, ân hận, hối lỗi vì đã sai lầm gây tội ác với nhân dân Việt Nam, nhóm cựu binh nay đã trở lại Việt nam lần thứ ba để mong được hàn gắn tha thứ.
Thông điệp tác giả Phạm Hữu Huề gửi đến người đọc, người xem: Không có cuộc chiến tranh nào lại tàn khốc, hủy diệt bằng cuộc chiến tranh gây ra ở Việt Nam, nhưng dân tộc Việt Nam yêu chuộng hòa bình, con người Việt Nam giàu lòng vị tha, nhân ái, khép lại quá khứ hướng đến tương lai, Việt Nam là đất nước giàu lòng mến khách, luôn dang rộng vòng tay chào đón các bạn bè năm châu bốn biển.
Câu chuyện được khởi đầu từ một bản làng của dân tộc Thái hẻo lánh sau trận lũ quét. Lần đầu tham gia Trại sáng tác kịch bản sân khấu của Hội, NSND đã sáng tác kịch bản khá dài với 8 cảnh và nhiều cảnh phụ, 70 trang. Tác giả đã có ngôn ngữ kể chuyện rất riêng, với nhiều lát cắt đan xen, nhiều tình huống tâm trạng, dồn nén, phức tạp, góc cạnh đến ngột ngạt, đẩy nhân vật đến tận cùng sự dằn vặt xé nát tâm can. Câu chuyện xảy ra là bi kịch cuộc đời của những ông bố, bà mẹ và những đứa con được tập trung trong ba căn nhà của ông. Họa sĩ nghèo, người đàn bà đi buôn và nghệ sĩ Múa. Kịch bản gói gọn trong bức thông điệp: “Những người làm cha, làm mẹ là những bậc sinh thành hết lòng yêu thương con cái, ngày đêm tảo tần bươn chải cuộc sống kiếm tiền để nuôi con có cuộc sống đủ đầy, nhưng đừng bao giờ lâm vào tình cảnh không chịu thấu hiểu, không chịu lắng nghe tâm tư, nguyện vọng, sở thích và những ước mơ chính đáng của con mình. Đến khi nhận ra sự thật thì cũng chính là lúc gánh chịu hậu quả khôn lường.
Có thể nói Trại sáng tác kịch bản sân khấu của chúng ta tại Nha Trang đã kết thúc trọn vẹn. 17 tác giả như 17 vòng nguyệt quế tạo nên hương sắc lung linh của 13 ngày đêm hội tụ bên nhau, những buổi thảo luận, trao đổi, nhận xét, lý giải phân tích đa chiều hết sức hào hứng, sôi nổi, sinh động đầy ắp tình anh em, tình nghệ sĩ, tình đồng nghiệp, có những lúc bùng lên ngọn lửa đam mê, có lúc chan hòa, nhẹ nhàng êm dịu, có lúc lại lắng sâu, ngưng lặng, tinh tế đưa ta chìm đắm vào thế giới của tâm hồn đầy lãng mạn, câu chuyện của bạn cũng là của ta, chuyện kịch của bạn cũng là chuyện kịch ta đã và sẽ sáng tác.
Tất cả đan xen hòa quyện nhịp nhàng đưa ta cảm nhận về kịch bản của bạn, bạn cảm nhận về kịch bản của ta. Đã là cảm nhận thì có thể đúng hoặc chưa đúng, nhưng tâm thế của người cầm bút là thiện tâm, sáng trong như vầng nhật nguyệt. Vì vậy mà, các buổi đóng góp cho nhau đều được ghi nhận và tôn trọng. Đó là cái được thứ nhất ở trại lần này.
Cái được thứ hai là: thể theo nguyện vọng của một số tác giả, nhà văn, nhà viết kịch chúng ta đã cùng nhau trao đổi về thi pháp kịch, nghệ thuật biên kịch và phương pháp sáng tác đối với đề tài lịch sử.
Một cuộc trao đổi hết sức cần thiết, bổ ích và thú vị, với thế giới quan của mỗi tác giả, mỗi người có một lăng kính thấm thấu tạo nên vũ trụ của riêng mình khi nghiên cứu, tìm hiểu, khai thác, thai nghén và cảm xúc về câu chuyện lịch sử, sự kiện lịch sử, nhân vật lịch sử, những góc khuất là những lát cắt được các tác giả giải mã ở nhiều tầng bậc, cấp độ khác nhau, tạo nên một cuộc hội luận về học thuật về cả hai phương diện lý luận và thực tiễn hết sức hào hứng dường như quên cả thời gian. Cuộc trao đổi này đã đem đến cho trại sáng tác của chúng ta nhiều ý kiến hay, bổ ích, làm sáng rõ thêm về tâm thế của các tác giả sân khấu với đề tài lịch sử của nước nhà.
Cái được thứ ba là: các tác giả trẻ tham gia trại sáng tác lần này đã có sự tiến bộ rõ nét, được các tác giả cha, chú, anh chị đánh giá tích cực, có tiềm năng phát triển tốt. Điều này đã khẳng định sự phát hiện, nhân giống, ươm mầm, đầu tư cho lực lượng tác giả trẻ là cách làm đúng đắn và cần thiết của lãnh đạo Hội NSSKVN. Đồng thời cũng khẳng định qua các trại viết trước các em đã được tôi rèn, tiếp thu, học hỏi kinh nghiệm quý báu của các tác giả đi trước, nên đã đúc kết cho mình bài học quý giá trong sáng tác tác phẩm nghệ thuật. Xin chúc mừng các em
Cái được thứ tư: BTC đã đưa các tác giả đi thực tế tại Phan Rang – Ninh Thuận trong hai ngày, nhằm thay đổi không gian sáng tạo, kích thích nguồn cảm hứng cho các tác giả, để anh chị em tiếp cận với thực tiễn cuộc sống, thu nạp thêm năng lượng từ bàn tay, khối óc và sức lao động vô tận của nhân dân, để tác phẩm của chúng ta có sức sống lâu bền, gìn giữ, chân thật hơn với quần chúng nhân dân.
Đó là những cái được của Trại Nha Trang lần này, bây giờ chúng ta trao đổi với nhau những điều chưa được của trại:
Một là: Về thi pháp kịch, chúng ta chưa có sự đột phá, chưa tạo được sự khác biệt so với phương pháp sáng tác truyền thống.
Hai là: Về xây dựng hình tượng nhân vật, khắc họa tính cách nhân vật điển hình đã có nhưng chưa nhiều kịch bản tạo được dấu ấn đặc biệt cho nhân vật trung tâm trong những hoàn cảnh đặc biệt. Vì thế còn ít tỏa sáng lấp lánh.
Ba là: Tính văn học kịch hay còn gọi là ngôn ngữ đối thoại tuy đã được trau chuốt hơn nhưng một số kịch bản còn để cho nhân vật đối thoại giao đãi, dài dòng, lượng thông tin ít mà lời thoại lại nhiều làm cho kịch tản mạn, phai mờ mục đích ban đầu. Nhất là những nhân vật lịch sử, lời thoại phải mang ngôn ngữ thi ca nên tính văn học phải giàu biểu cảm, xúc tích, tinh tế và sâu lắng.
Bốn là: Xung đột kịch, hầu như 17 kịch bản đều đã tạo được mâu thuẫn giữa các hệ thống nhân vật. Một số vở đã tạo được tính xung đột mạnh, căng như dây đàn và bùng nổ vỡ tung. Tuy nhiên, khá nhiều kịch bản vẫn chỉ dừng lại ở cấp độ mâu thuẫn. Kịch càng tạo ra sự va chạm, xung đột mạnh mẽ, càng tạo nên sự hấp dẫn, cuốn hút người xem. Các tác giả cần tạo ra yếu tố bất ngờ trong kịch khiến cho khán giả tập trung cao độ, thu hút họ chìm vào thế giới thực hư của chuyện kịch, tác giả là người tạo ra một vũ trụ mới, một thế giới mới đầy tính huyền thoại.
Trên đây là ý kiến mang tính tham khảo gợi mở của một đạo diễn đồng nghiệp gửi đến các tác giả. Mong rằng chúng ta cùng xiết chặt tay nhau đi chung con đường gian nan, vất vả đầy bão tố, phong ba, thách thức nhưng cũng chứa đựng biết bao cung bậc cảm xúc, biết bao tình yêu thương thiết tha.
Đối với nền nghệ thuật sân khấu nước nhà, hơn lúc nào hết niềm đam mê và khát vọng sáng tạo bỏng cháy sẽ giúp chúng ta có thêm nhiều tác phẩm, vở diễn mới phục vụ cho cuộc sống. Với ý nghĩa đó, cho tôi được cảm ơn các tác giả bằng cái ôm thắm thiết, chân thành, chúc các anh chị và các bạn thật nhiều sức khỏe, tràn đầy niềm vui hạnh phúc và thành công. Chúc chúng ta tiếp tục cống hiến sáng tạo ra nhiều tác phẩm, vở diễn mới sâu sắc về chủ đề tư tưởng, chân thật về đời sống và hoàn mỹ về mặt sáng tạo.
NSND Giang Mạnh Hà
Phó chủ tịch Hội NSSKVN – Trưởng ban sáng tác