“Chén thuốc độc” trở lại sau một thế kỷ

Nhân kỷ niệm 100 năm sân khấu kịch nói Việt Nam, Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam đã quyết định tái dựng tác phẩm kịch nói đầu tiên “Chén thuốc độc” của tác giả Vũ Đình Long. Vở kịch nói đầu tiên của Việt Nam được công diễn lần đầu vào ngày 22-10-1921 tại Nhà hát Lớn Hà Nội, là tác phẩm đánh dấu sự hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Vở diễn đã có một vị trí rất đặc biệt trong nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam.

Vở kịch nói “Chén thuốc độc” lần tái xuất này do NSƯT Bùi Như Lai đạo diễn, Đỗ Trí Hùng biên tập, họa sĩ Hoàng Phong thiết kế mỹ thuật, nhạc sĩ Giáng Son sáng tác ca khúc, nghệ sĩ Lê Phương biên đạo múa, với sự tham gia biểu diễn của các nghệ sĩ Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Tuổi trẻ, Nhà hát Chèo Hà Nội, sinh viên lớp Diễn viên tài năng K39, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. NSND Lê Khanh, NSƯT Việt Thắng, NSƯT Trịnh Mai Nguyên, Khuất Quỳnh Hoa, Việt Hoa, Thanh Bình, Thu Hà, Hồng Phúc, Tùng Linh, Hoài Thu…đảm nhiệm các nhân vật trong vở kịch.

Ê – kíp thực hiện vở “Chén thuốc độc”

Chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu Việt Nam, NSND Trịnh Thúy Mùi cho biết, việc dựng lại và biểu diễn vở “Chén thuốc độc” là hoạt động chính kỷ niệm 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Đây là dịp để giới nghệ sĩ sân khấu nói chung và sân khấu kịch nói nói riêng cùng ôn lại chặng đường phát triển đáng tự hào của kịch nói nước nhà, đồng thời khẳng định với thế hệ đi trước rằng, thế hệ hôm nay đang nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức để chăm lo, thúc đẩy nền kịch nói Việt Nam phát triển hơn nữa. Việc các Nhà hát cùng kết hợp dàn dựng một vở kịch là điều rất đặc biệt. “Chúng tôi huy động tâm huyết của người làm nghề để dựng vở diễn mang dấu ấn 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam. Đây không chỉ là dịp để chúng ta cùng ôn lại lịch sử của nghệ thuật sân khấu kịch nói mà còn thể hiện sự nối tiếp thế hệ, mang những thành tựu của thế hệ đi trước đến hiện đại” – NSND Trịnh Thúy Mùi phát biểu .

Đây là vở diễn đầu tiên do người Việt viết, đánh dấu sự ra đời chính thức và phát triển của kịch nói Việt Nam. Khác với cải lương, tuồng, chèo là những loại hình nghệ thuật xuất phát từ sinh hoạt dân gian, kịch nói mang ảnh hưởng của văn hóa phương Tây, đặc biệt là kịch của Pháp. Vở “Chén thuốc độc” mang tính hiện đại, thoát khỏi màu sắc của các thể loại kịch truyền thống dân tộc, được diễn trên nền sân khấu hiện đại với những bối cảnh và công cụ hiện đại.

NSND Trịnh Thúy Mùi phát biểu lý do dựng lại vở kịch đầu tiên

NSƯT Bùi Như Lai tiết lộ, bản dựng lần này vẫn bảo đảm giữ được tinh thần, cấu trúc vở kịch, nhưng sẽ mang tiết tấu, nhịp sống đương đại để hấp dẫn và phù hợp với khán giả hiện nay.  Anh thú thực, việc dựng lại vở diễn đánh dấu 100 năm ra đời kịch nói Việt Nam là một áp lực không nhỏ. Các nghệ sĩ đã quyết định lựa chọn sân khấu của Nhà hát Kịch Việt Nam để cũng lăn lộn, say đắm với các vai diễn trong một tác phẩm vô cùng đặc biệt vì đây là sân khấu tiên phong, khởi xướng, là nền móng của kịch nói Việt Nam. “Tôi tin tất cả chúng ta đều cảm thấy tự hào khi được là một phần trong vở diễn đánh dấu mốc 100 năm hình thành và phát triển nghệ thuật sân khấu kịch nói Việt Nam lần này”- đạo diễn Bùi Như Lai tâm sự.

NSND Lê Khanh đảm nhận vai chính trong vở kịch. Chị nói, luôn mơ ước, khao khát mình được đứng trên sân khấu của Nhà hát kịch Việt Nam. Một sân khấu tuy nhỏ bé nhưng luôn mang một tâm thế lớn, là “Anh cả đỏ” của sân khấu nước nhà. ” Tôi tự hào vì bố tôi đã sống và cống hiến ở sàn diễn này, đây cũng là nơi tôi lê la chơi đồ hàng từ khi rất bé. Tôi luôn luôn hãnh diện về nơi đây và thật may mắn khi được chính thức góp mặt trong vở diễn mang ý nghĩa đặc biệt này. Tôi hy vọng, tất cả các nghệ sĩ góp mặt trong vở diễn “Chén thuốc độc” sẽ làm nên một ngày kỷ niệm thật đẹp. Đây là ngày để chúng ta tri ân các bậc tiền bối đi trước đã cho chúng ta một nền sân khấu như ngày hôm nay”.

NSƯT, đạo diễn Như Lai – người tái dựng tác phẩm với diện mạo mới.

Tuy không được giao vai trong vở, song Giám đốc Nhà hát kịch Việt Nam, NSƯT Xuân Bắc đã bất ngờ đưa ra lời đề nghị với đạo diễn: “Cho tôi một vai gì cũng được, chỉ cần được xuất hiện một giây hoặc chạy qua sân khấu của vở kịch này tôi cũng cảm thấy mãn nguyện. Đây là dịp kỷ niệm đặc biệt, tôi không thể bỏ lỡ”. Từ lời đề nghị dễ thương của NSƯT Xuân Bắc, vở kịch “Chén thuốc độc” sẽ có sự xuất hiện của rất nhiều các nghệ sĩ gắn bó lâu năm với sân khấu để diễn những vai không có trong kịch bản gốc của tác giả Vũ Đình Long.

Tác giả Vũ Đình Long sinh năm 1896 tại Thanh Oai, Hà Nội, là người có nhiều đóng góp cho nền văn học Việt Nam giai đoạn đầu thế kỉ XX. Là chủ bút của nhiều tờ báo nổi danh lúc bấy giờ, ông đã dành nhiều tâm huyết cho sự phát triển của nền văn học Việt Nam theo hướng hiện đại hóa. Trong văn học sử Việt Nam, với vở kịch nói “Chén thuốc độc” ông được nhắc đến như người mở đường, người “lĩnh ấn tiên phong” của thể loại kịch nói, một thể loại hoàn toàn mới, có xuất xứ từ truyền thống văn chương phương Tây. Vở kịch được đánh giá là một tác phẩm tiêu biểu cho tính hiện đại hóa của văn học Việt Nam.

 “Chén thuốc độc”  đã đánh dấu mốc quan trọng cho sự ra đời của kịch bản kịch nói của dân tộc. Nội dung vở kịch xoay quanh câu chuyện của gia đình thầy Thông Thu – một gia đình tư sản Âu hóa với đủ những cám dỗ của xã hội thành thị thực dân. Mỗi người tìm đến cho mình một nguồn vui riêng, bỏ qua tất cả lễ giáo đạo đức và trách nhiệm để đi vào con đường ăn chơi sa đọa. Vũ Đình Long đã tìm đến những vấn đề phức tạp của xã hội với những chuyển biến của trào lưu Âu hóa tác động lên toàn bộ lối sống của các tầng lớp thị dân lúc đó. Một gia đình vốn giàu có, bề thế nhưng lại bị cuốn đi theo cơn lốc của tệ nạn xã hội. Thầy Thông Thu thì mê mải với hát cô đầu, còn cụ Thông say sưa đồng bóng đến nỗi không thiết gì việc cửa việc nhà, để con gái dắt trai về nhà mà không biết, đến nỗi con gái chửa hoang mà vẫn cho là Thánh phạt. Kết cục, tất cả gia sản của gia đình đã ra đi theo những nơi chốn ăn chơi. Tiền tài mất, danh dự cũng không còn, thầy Thông Thu chỉ có tự giải thoát bằng “Chén thuốc độc” để thoát khỏi những hình phạt đang chờ đợi trước mắt. “Chén thuốc độc” là nhan đề cũng là một chi tiết mang khá nhiều ý nghĩa, những tệ nạn xã hội cuốn con người ta vào vòng quay sa đọa và cũng là “Chén thuốc độc” dần dần giết chết nhân cách con người đồng thời cũng là liều thuốc tiêu cực để người ta tìm đến để tự giải thoát mình.

Toàn bộ ê kíp hy vọng, tình hình dịch bệnh covid – 19 được kiểm soát để vở kịch được ra mắt vào ngày 22-10-2021 tại Nhà hát lớn Hà Nội sau đúng 100 năm.

Phú Minh

Tags: #Kịch nói#Tác giả