9 HCV cho các Tài năng trẻ sân khấu kịch nói

Sau gần 10 ngày tranh tài hào hứng và sôi nổi, tối 18.12 tại Nhà hát Tuổi Trẻ, Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc 2020 do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Sở VHTT Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ và các cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức đã bế mạc và tổng kết. Tới dự Lễ tổng kết và trao giải có PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ VHTTDL, Trưởng Ban Chỉ đạo; NSND Trịnh Thúy Mùi, Chủ tịch Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cùng lãnh đạo các ban ngành Trung ương và địa phương.

Với 50 trích đoạn tham dự cuộc thi của các đơn vị sân khấu kịch khắp ba miền Bắc, Trung, Nam, vừa là các đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp công lập, vừa là các đơn vị nghệ thuật tư nhân mô hình xã hội hóa nên đã đem đến nhiều phong cách sân khấu mới mẻ, năng động, hiện đại, đa dạng về chất liệu đề tài. Sân khấu cuộc thi giống với “sân khấu phẳng” khi có sự hội tụ những tinh hoa đặc sắc của nghệ thuật kịch nói phương Tây kết hợp với phương Đông, đan xen giữa truyền thống với hiện đại. Nhiều trích đoạn trong các vở kịch kinh điển lừng danh của thế giới như vở “Othenlo”, “Macbet”, “Romeo & Juliet” của đại văn hào lỗi lạc William Shakespeare; “Tartuffe”, “Lão hà tiện” của nhà soạn kịch vĩ đại Molière;… hay vở “Tên cớm và bản thánh ca” của O’Henry;

“Mê đê” của Euripide; “Xin lỗi em chỉ là con đĩ” của Tào Đình…Cùng một số trích đoạn trong những vở kịch tiêu biểu của sân khấu kịch Việt Nam như: “Rừng trúc” của Nguyễn Đình Thi; “Vũ Như Tô” của Nguyễn Huy Tưởng;…Một số trích đoạn của các vở kịch hiện đại như: “Người đàn bà không tên” của Doãn Hoàng Giang; “Ngôi nhà quỷ ám” của Nguyễn Quang Lập; “Đời luận anh hùng” của Lê Chí Trung; “Tiếng chim vườn Ngọc Lan” của Minh Nguyệt; “Thùng Nhân” Hoàng Cao Khải…Tất cả đã đem đến một hiện thực cuộc sống vô cùng phong phú, đầy đủ các sắc màu hiện thực của kim, cổ, đông, tây của con người, xã hội Việt Nam và thế giới.

Trải qua liên tục với 12 buổi diễn thi, các diễn viên đã dồn hết tài năng, tâm huyết, trí tuệ cho sự thành công của vai diễn. Chỉ trong thời gian 25 phút, phần lớn các diễn viên đã thâu tóm được hồn cốt xuyên suốt vở kịch bằng việc chọn những đoạn trích cao trào đỉnh điểm của những mâu thuẫn kịch, những điểm thắt nút, mở nút của hành động, thể hiện được những bi kịch giằng xé nội tâm phức tạp, đa chiều, vừa bi, hài, vừa yêu thương, giận hờn, vừa ám ảnh dữ dội, vừa soi rọi ánh sáng lạc quan ấm áp tình người. Tiêu biểu như các vai diễn Tartuffe, Othenlo, Macbet, Hạ Âu, Đát Kỷ, Vũ Như Tô, Trần Thủ Độ, Thuận Khanh, Lý Chiêu Hoàng, Kiều…Với sức trẻ, tài năng, các diễn viên đã sẵn sàng vượt qua thử thách với những vai diễn khó để bung tỏa, trải nghiệm, đó là cách lựa chọn để đi đến thành công, đem đến nhiều tâm trạng, cảm xúc vui, buồn, nụ cười, nước mắt, cùng những tràng pháo tay cổ vũ nhiệt tình của khán giả.

Hội đồng giám khảo, những người đồng hành cùng với các thí sinh đã cầm cân, nảy mực đem đến kết quả và thành công của cuộc thi đều là những những nghệ sĩ tên tuổi, những người thầy uy tín, giàu kinh nghiệm. Hội đồng bao gồm 5 thành viên. Chủ tịch Hội đồng, Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, nguyên Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sân khấu – Điện ảnh Thành phố Hồ Chí Minh. Các thành viên: Đạo diễn, NSND Hoàng Dũng, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Hà Nội; NSND Nguyễn Thị Lan Hương, nguyên diễn viên Nhà hát Kịch Việt Nam; NSND Việt Anh, nguyên Giám đốc Nhà hát Kịch Sân khấu Nhỏ, Thành phố Hồ Chí Minh; PGS. TS Phan Trọng Thành, nguyên Trưởng Khoa Sân khấu, Trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Hội đồng đã theo sát từng phần diễn thi của 63 thí sinh và nhiều cuộc họp thảo luận sau những buổi diễn để đi đến thống nhất, đưa ra những kết quả đánh giá trung thực, khách quan, thể hiện rõ quan điểm, định hướng phát triển. Những đánh giá công bằng, công tâm, nhìn nhận chính xác kết quả đã tạo động lực cho các thí sinh tiếp tục phát huy thế mạnh, sở trường, khắc phục sở đoản, tiếp tục trau dồi kinh nghiệm để phát triển sự nghiệp, khẳng định tài năng, tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật sân khấu Kịch nói Việt Nam.

Thay mặt Ban giám khảo, Đạo diễn, NSND Trần Minh Ngọc, Chủ tịch Hội đồng giám khảo đã phát biểu: “Với tư cách là khán giả, chúng tôi đã thấy rất rõ niềm đam mê được sống với nhân vật trên sàn diễn, thấy được tình yêu mãnh liệt mà các bạn trẻ dành cho Nghệ thuật biểu diễn, thấy được những cảm xúc với nhiều cung bậc được nghệ sĩ sân khấu thể hiện hết mình, “cháy hết mình” như các bạn thường nói. Và hơn hết là những tìm tòi, sáng tạo những xu thế đối với “cái mới” trong xây dựng hình tượng các nhân vật. Đã xuất hiện những hình thức “lạ”, những “bất ngờ” trong xử lý tình huống. “Cái mới” luôn đi cùng với “cái đẹp” trên sân khấu cuộc thi. Điều này chứng tỏ chúng ta đang cố gắng nâng tầm trình độ chuyên nghiệp của nghề diễn. Cũng là những người đồng hành với các nghệ sĩ trẻ, các tài năng đang độ “Chín” dần, Hội đồng vui mừng với các thành công đã đạt và mong hiệu ứng này trở thành bội số, được nhân lên nhiều lần, trở thành lực cuốn hút khán giả đến với sân khấu”.

Chúc mừng, ghi nhận và đánh giá những thành công tốt đẹp của Cuộc thi, PGS. TS Tạ Quang Đông, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Trưởng Ban Chỉ đạo Cuộc thi đã phát biểu khẳng định: “Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên Kịch nói toàn quốc – 2020 đã khép lại với những dư âm tốt đẹp. Điều đáng chú ý tại Cuộc thi lần này đó là sự tham gia đông đảo của đội ngũ diễn viên trẻ của các đơn vị nghệ thuật trong và ngoài công lập, đồng hành với các thí sinh là sự quan tâm tạo mọi điều kiện tốt nhất có thể cho các thí sinh của các đơn vị. Cuộc thi được coi như một Ngày hội để các nghệ sĩ có cơ hội gặp gỡ, trao đổi, học hỏi bạn bè đồng nghiệp. Cuộc thi cũng cho thấy lòng say mê nghề nghiệp của các nghệ sỹ trẻ thật đáng trân trọng, giúp chúng ta có thêm niềm tin vào lớp nghệ sỹ kế cận cũng như những giá trị của nghệ thuật sân khấu Kịch nói trong đời sống xã hội hôm nay”.

Thay mặt Ban Chỉ đạo, PGS. TS Tạ Quang Đông đã trân trọng cảm ơn sự quan tâm, chỉ đạo, phối hợp, tạo điều kiện giúp đỡ của các đồng chí lãnh đạo Sở Văn hóa, Thể thao Hà Nội, Nhà hát Tuổi trẻ và các đơn vị liên quan; Cảm ơn Hội đồng Giám khảo đã làm việc nhiệt huyết, công tâm, khách quan để đóng góp quan trọng cho thành công của cuộc thi. Ông cũng ghi nhận, biểu dương và cảm ơn Ban Tổ chức Cuộc thi đã nêu cao tinh thần trách nhiệm, làm việc chuyên nghiệp, khoa học từ công tác xây dựng kế hoạch, soạn thảo các quy chế tổ chức, khen thưởng, lịch tập luyện, diễn thi, âm thanh, ánh sáng, công tác thư ký, hậu cần, quảng bá… được thực hiện đồng bộ, nghiêm túc với sự phối hợp chặt chẽ; Cảm ơn các cơ quan thông tấn, báo chí đã theo dõi và kịp thời đưa tin hiệu quả về Cuộc thi.

Trong bất kỳ lĩnh vực nào, nguồn nhân lực trẻ, tài năng là lực lượng kế cận có vai trò quan trọng, quyết định cho sự tồn tại và phát triển của lĩnh vực đó, trong đó có nghệ thuật sân khấu Kịch nói. Với những kinh nghiệm thu được từ cuộc thi năm nay, Ban tổ chức mong muốn mỗi thí sinh sẽ tiếp tục dành tình yêu cho nghệ thuật sân khấu kịch, tiếp tục học tập, không ngừng sáng tạo và nâng cao kỹ năng biểu diễn để tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật sân khấu kịch nói trong những năm tiếp theo, góp phần đưa nghệ thuật sân khấu Kịch nói Việt Nam ngày một phát triển và hội nhập với sân khấu kịch nói quốc tế.

Kết quả, Ban tổ chức đã trao các giải thưởng gồm: 9 Huy chương Vàng cho các nghệ sĩ: Phạm Tố Uyên vai diễn Lý Chiêu Hoàng trích từ vở “Rừng trúc”, Trương Minh Hoàng vai Othello trong “Othello” (Nhà hát Kịch Hà Nội), Ngô Minh Hoàng vai Mê Đê trong “Mê Đê”, Lê Thị Tuyết Trinh vai diễn vợ Macbeth trong “Macbeth”, Vũ Thị Việt Hoa vai Phồn Y trong “Lôi Vũ” (Nhà hát Kịch Việt Nam), Nguyễn Lan Anh vai Bedelia trong “Tên cớm và bản thánh ca” (Công ty TNHH Nguyễn Vĩnh Lộc), Huỳnh Thị Kim Hoài vai Sen trong “Làm đĩ” (Sân khấu Kịch Hồng Vân), Nguyễn Anh Tú vai Tartuffe trong “Tartuffe”, Trương Mạnh Đạt vai Ông già 95 tuổi trong “Những cái ghế” (Nhà hát Tuổi trẻ) và 15 Huy chương Bạc. Ngoài ra Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam cũng có trao những giải thưởng khác cho các diễn viên tham gia Cuộc thi.

PV

Tags: #Cuộc thi tài năng trẻ diễn viên kịch nói