“Trăng” – thử nghiệm nâng cao chất lượng nghệ thuật múa rối

Nhà hát Múa rối Việt Nam vừa ra mắt chương trình nghệ thuật thử nghiệm mang tên “Trăng”, với nhiều nét mới trong việc tìm tòi thay đổi hình thức thể hiện nhằm nâng cao chất lượng nghệ thuật, đồng thời hướng tới đối tượng khán giả là khách du lịch.

​Lấy cảm hứng từ vẻ đẹp của Trăng trong phong cảnh yên bình, nhưng rất đỗi quen thuộc của làng quê Việt Nam. Giữa đêm tối, ánh trăng tỏa sáng, vạn vật khoác trên mình những quầng sáng óng ả, lung linh đầy huyền diệu. Ê kíp sáng tạo đã ​dùng nghệ thuật múa rối cạn kết hợp với múa rối nước hòa cùng âm nhạc dân tộc để biến hóa trên sân khấu Nhà hát Múa rối Việt Nam trong tác phẩm đương đại mà vẫn mang đậm chất truyền thống này.​ Ê kíp thực hiện: Tác giả và Đạo diễn: NSND Nguyễn Tiến Dũng, hoạ sỹ tạo hình: NSƯT Thế Khiển, trang trí mỹ thuật: hoạ sỹ Ngô Thắng, âm nhạc: Trần Đức Minh.

“Trăng được xây dựng từ mong muốn có một show diễn du lịch mang nhiều màu sắc văn hóa nghệ thuật như một số nước như Thái Lan, Hàn Quốc… Chính vì vậy lần này, ê kíp sáng tạo đã sử dụng nhiều yếu tố trình diễn như âm nhạc dân tộc, múa kết hợp với nghệ thuật múa rối để tạo sức hấp dẫn riêng. Chúng tôi đã mạnh dạn đưa các nét văn hóa độc đáo của nhiều vùng miền để làm sao khách du lịch khi tới xem sẽ phần nào có thêm những hiểu biết về nhiều nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam” – NSND Nguyễn Tiến Dũng, Giám đốc Nhà hát Múa rối Việt Nam, tác giả kiêm đạo diễn chương trình thử nghiệm “Trăng” cho biết.

​Với “Trăng”, khán giả du ngoạn thưởng thức các nét văn hóa của mọi vùng miền trên dải đất Việt Nam tươi đẹp. Từ miền sơn cước xa xôi với các chàng trai cô gái dân tộc trong trang phục ấn tượng đầy màu sắc, réo rắt tiếng đàn tính, tiếng sáo tiêu bay bổng hòa cùng ánh trăng mát dịu; những chiếc ô đầy sắc màu tô điểm cho núi rừng. Ánh trăng trải dài miền Trung du bên tiếng nước róc rách guồng nước, và không gian sẽ lãng mạn hơn khi đó là nơi hẹn hò của bao đôi nam nữ, in bóng của những cánh cò rập rờn khắp mặt nước. Ánh trăng ấm nóng lên nhuộm sáng mảnh đất Tây nguyên với những vũ đạo truyền thống mạnh mẽ, khỏe khoắn của đại ngàn; ánh trăng lại ngọt ngào trong từng câu hò, câu ví của mảnh đất cố đô Huế. Khán giả hòa mình trong ánh trăng ấm áp của vùng đất phương Nam với những làn điệu dân ca ngọt ngào cùng vũ điệu múa mâm vàng, múa hoa sen đặc sắc .

​Thông qua hình ảnh ánh trăng, thông điệp văn hóa đặc trưng của các dân tộc Việt Nam được đưa lên sân khấu múa rối một cách đầy bất ngờ, biến hóa cùng nhiều mảng miếng, trò rối kết hợp cùng dàn nhạc dân tộc mang tới một lối trình diễn mới, đầy sáng tạo. Âm nhạc phối khí đương đại, bay bổng vẫn mang đậm chất truyền thống, kết hợp với âm thanh – ánh sáng hiện đại, công phu, con rối ngộ nghĩnh, không gian sân khấu mở đã tạo nên tác phẩm đầy chất thơ, đặc sắc và ý nghĩa trong việc giới thiệu nghệ thuật – văn hóa các vùng miền của đất nước Việt Nam tươi đẹp.

Trăng là vở diễn cuối cùng trong năm, và là sản phẩm đặt hàng thứ 2. Giữa dịch covid, mọi cái đều chậm lại, nhưng trong 10 ngày, ê kíp thực hiện đã dàn dựng để kịp ra mắt. Chương trình này hướng tới khách du lịch để họ có nhiều lựa chọn. Nhân đây, Nhà hát muốn trau dồi anh em nghệ sĩ, nhân tiện phát huy ưu thế của dàn nhạc và đội múa để kết hợp với múa rối sao cho đạt hiệu quả cao nhất. Thời gian qua, Nhà hát đi biểu diễn ở nhiều nước trên thế giới theo lời mới của các Đại sứ quan. Khách nước ngoài muốn chương trình phong phú hơn về thể loại, âm nhạc, đó là lý do các nghệ sĩ mạnh dạn thử nghiệm chương trình này.

Thu Huyền

Tags: #Múa rối