NSƯT Thoại Mỹ: “Cải lương đã cưu mang cuộc đời tôi”

NSƯT Thoại Mỹ tên thật là Nguyễn Thị Ngọc Mỹ. Chị bắt đầu hát cải lương năm 11 tuổi với sự dìu dắt của người chị ruột – Nghệ sĩ Nhân dân Thoại Miêu. Thoại Mỹ được sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, cha là công nhân viên, mẹ làm buôn bán. Nhà có tới 12 anh chị em, Thoại Mỹ là con áp út nên không tránh được sự khó khăn trong cuộc sống.

Tuổi thơ của Thoại Mỹ là những tháng ngày gắn liền với cái đói khổ cùng cực. Từ lúc bé xíu, cô bé Thoại Mỹ đã lẽo đẽo đi theo mẹ buôn gánh bán bưng. Nhà nghèo tới nỗi, mỗi lần muốn ăn thịt gà, mẹ phải mua góp. Cũng bởi nghèo đói lại nợ nần nên tình cảm cha mẹ không thuận hòa. Mẹ Thoại Mỹ bỏ nhà đi ở đợ, kiếm tiền gửi về lo cho con. Lúc đó Thoại Mỹ còn nhỏ lắm, chỉ biết mẹ đi mà không biết mẹ đi đâu.

Từ khó khăn, chị trở thành cô đào cải lương thành danh và không bị đóng khung ở thể loại vai nào, từ đào thương, đào võ, đào lẳng đến đào độc, từ tuồng cổ đến tâm lý xã hội… Những vai diễn gắn liền với tên tuổi của Thoại Mỹ như: nữ soái Hồng Phụng trong vở “Ngọc Kỳ Lân”, Võ Tắc Thiên trong “Thái Bình công chúa”, Phượng vở “Rồng Phượng”, Thu trong “Duyên kiếp”, Ngọc Hân trong “Hồn thơ Ngọc”, Lan trong “Lời thú tội muộn màng”…

Điều gì khiến chị nhớ nhất khi hồi tưởng lại một tuổi thơ nhọc nhằn?

Tôi sinh ra trong một gia đình lao động nghèo và rất đông con. 13 tuổi, cắp sách vô học trường Trần Hữu Trang là tôi cũng tự lập không phiền gia đình lo cho mình cái gì. Thời gian đầu, tôi ở bán trú. Ngày đó còn bao cấp nên hàng tháng, mỗi học viên được lãnh 17 ký gạo, nửa ký thịt, nửa ký cá nhưng vì tôi ở bán trú nên phải để lại thịt, cá và 10 ký gạo ở trường để ăn trưa.

Phần vì thấy thiệt thòi, phần vì nhà quá nghèo nên sau đó tôi không ở bán trú nữa để được đem trọn tiêu chuẩn đó về cho cả nhà cùng ăn. Không ở bán trú cũng đồng nghĩa với việc tôi phải đi bộ hàng chục cây số mỗi ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, sáng đi bộ trưa chạy về nhà ăn cơm rồi lại đi bộ tiếp tới trường học chiều. Tan học, chạy nhanh về ăn cơm rồi tối cắp sách đến lớp học bổ túc văn hóa. Cứ như vậy, tôi cứ đi bộ suốt mấy năm trời. Và rồi, Cải lương đã cưu mang cuộc đời tôi, cho tôi một cuộc sống đủ đầy dù bản thân cũng phải đổ không ít mồ hôi nước mắt và máu trên sàn diễn.

Trên sân khấu cải lương chị luôn đảm nhận các vai ác, dữ dằn và lẳng. Những vai đó có phần nào con người chị?

Giọng hát và cách diễn của tôi thích hợp với những vai diễn đó hơn là vai chính. Cuộc sống có đủ hỉ nộ ái ố, cái xấu đan xen cái tốt nên nếu ai cũng đảm nhận vai tốt thì làm sao có kịch bản hay cho mọi người xem. Bản thân tôi cũng thích đóng vai dữ vì có nhiều đất diễn, đa dạng tâm lý, dễ dàng cho mình biến hóa với nhân vật. Nhiều lần đi quay ở ngoại cảnh, khán giả đứng xem chửi: “con quỷ kia ác dễ sợ” nhưng lúc tôi hoàn thành xong cảnh quay lại được khen hay. Những vai diễn đó khắc hẳn với con người tôi. Tôi sống thẳng, nóng tính, có sao nói vậy. Khi xem người khác đóng vai ác, tôi cũng chửi nhưng sau đó tấm tắc khen vì họ đóng quá đạt. Tôi học hỏi cách họ diễn ác chứ không học tính ác để mang ra ngoài đời.

Cải lương bây giờ đang suy yếu, nghệ sĩ cải lương như chị tồn tại với nghề bằng cách nào?

Thời hoàng kim của tôi tức là lúc cải lương đang mạnh, mỗi tuần trung bình tôi hát 7 suất tuồng dài. Giờ đây, thỉnh thoảng chúng tôi mới có dịp diễn một vở tuồng dài đúng nghĩa nhưng buồn là hát chỉ một hai suất thì ngưng. Còn lại chúng tôi ca lẻ trong các chương trình truyền hình, hát cúng đình, hát chùa.

Bản thân tôi được mời lưu diễn cho bà con kiều bào nhiều nên xem như hoạt động cũng dày. Nhờ thế thu nhập vẫn tốt. Nhưng thẳm sâu trong lòng, tôi vẫn mong muốn sân khấu cải lương được sáng đèn thường xuyên hơn hiện tại.

Chị có nghĩ rằng sẽ đến lúc cải lương chết hẳn?

Cải lương đang khó khăn nhưng tôi không nghĩ cải lương sẽ chết. Một bộ môn nghệ thuật sẽ chết khi nó không còn được công chúng yêu thích đằng này khán giả vẫn còn mê cải lương lắm. Đặc biệt ngày càng có nhiều khán giả trẻ thích cải lương.

Vấn đề quan trọng là nhà tổ chức, những người có trách nhiệm phải nghiên cứu cách nào đó để cải lương có cơ hội tốt hơn phục vụ công chúng. Cải lương có mất dần sân khấu nhưng sẽ không bao giờ chết. Những người từng tẩy chay nếu có cơ hội tiếp xúc sẽ thấy gần gũi, mê cải lương lúc nào không hay. Bởi những vở diễn ngày càng gần gũi đời sống, giúp khán giả hiểu, xúc động, đến với cải lương tự nhiên hơn.

Chị nghĩ sao khi công chúng mặc định “cải lương là sến”?

Cuộc sống đời thường còn bi đát hơn vai diễn. Trong các vở cải lương, ông hoàng, bà chúa phải mặc đồ màu mè sặc sỡ. Mọi người cứ thấy nghệ sĩ diện quần áo màu sắc thì nói đó là “cải lương”. Cách nói đùa vui đúng chỗ là dễ chịu, còn nếu nói không đúng, bản thân nghệ sĩ sẽ thấy bị xúc phạm.

Được hoạt động ở giai đoạn cải lương trong thời kỳ hoàng kim, chị có cảm thấy mình may mắn không? Nhìn thế hệ đàn em vẫn yêu nghề và theo đuổi nghề nhưng gặp giai đoạn khó khăn, chị trăn trở gì không?

Có chứ. Chúng tôi may mắn hơn các bạn trẻ. Vì chúng tôi còn có cả một khoảng thời gian dài được hát, một khoảng thời gian dài ra mắt các vở cải lương qua video để các khán giả không chỉ trong nước mà còn ngoài nước biết đến mình.

Các em bây giờ bị hạn chế hình ảnh trên sóng truyền hình. Đã là sóng truyền hình thì phút, giây đều bị hạn chế. Các vở kinh điển nổi tiếng mang đi dựng lại nhưng vì thời lượng không cho phép nên phải cắt đi khá nhiều tình tiết khiến các em không có cơ hội thể hiện tốt khả năng ca diễn của mình. Những khán giả đã từng xem các vở diễn trọn vẹn trước đây khi xem các tuồng các em diễn lại sẽ có sự so sánh và cho rằng các em diễn không hay. Đó thật sự là một bất lợi. Thêm vào đó, bây giờ sân khấu không còn thường xuyên hoạt động, không còn thường xuyên sáng đèn như trước nên sẽ không có cơ hội cho các em trau dồi ca diễn. Đứng ca hoài thì dù có ca hay đến đâu cũng sẽ bị chán. Vì ngoài nghe, khán giả còn muốn xem, không lẽ bắt họ nhắm mắt lại chỉ để nghe nghệ sĩ hát.

Thanh Thanh

Tags: