Nghệ sỹ trẻ Tô Dũng: Kịch nói là “hơi thở” trong cuộc sống của tôi

Với phần thể hiện cực kỳ xuất sắc vai Bân trong vở kịch Điều còn lại (Nhà hát kịch Việt Nam), nghệ sỹ trẻ Tô Dũng đã được BGK trao tặng chiếc Huy chương vàng danh giá tại Liên hoan sân khấu kịch nói toàn quốc 2021. Tạp chí Sân khấu đã có cuộc phỏng vấn Tô Dũng về sự kiện này.

Bẩm sinh chỉ một phần nhỏ, nỗ lực mới là điều làm nên thành công

Chào Tô Dũng! Chúc mừng bạn vừa đoạt HCV trong Liên hoan sân khấu kịch nói 2021. Bạn thấy tấm HCV này có ý nghĩa như thế nào đối với bạn?

Cảm ơn Tạp chí sân khấu đã dành thời gian cho mình. HCV lần này thật sự có ý nghĩa rất lớn với mình vì ở hai lần Liên hoan trước  (Hình tượng người chiến sĩ CAND và Tài năng trẻ toàn quốc) mình đều dành được HCB. Anh chị em, cô chú có động viên là cố gắng tới Liên hoan toàn quốc thì đổi màu huy chương nhé,  và mình đã làm được. Nó là cả một quá trình cố gắng và nỗ lực không ngừng nghỉ. Và, để đạt được nó thì là công sức của cả một tập thể , đạo diễn, bạn diễn, âm thanh ánh sáng, trang trí… thiếu thứ gì đi nữa thì mình cũng sẽ không có được thành công này.

Là một chàng trai 9x lại sinh ra và lớn lên tại Hà Nội, nhưng bạn đã vào vai một người lính trở về sau chiến tranh ở một làng quê, vậy bạn đã làm thế nào để hóa thân một cách hoàn hảo vào vai diễn như thế?

Mình không dám nhận là hoàn hảo, mình chỉ nghĩ đơn giản mình là diễn viên, mình được học để làm một việc đó là hoá thân vào nhân vật, tìm tòi và thể hiện nhân vật. Thêm nữa, trong quá trình tập luyện, mình được đạo diễn NSƯT Kiều Minh Hiếu và bạn diễn NSƯT Bùi Phương Nga quan tâm và hỗ trợ rất nhiều, điều đó cũng giúp vai diễn của mình tốt hơn từng ngày.

Bạn có nghĩ rằng nhân vật Bân trong kịch bản văn học – bản thân nó đã quá hay rồi, nên bạn thực sự rất may mắn khi được giao vai Bân?

Bản thân nhân vật Bân ở kịch bản văn học rất hay, mình thừa nhận là rất may mắn khi được giao vai này, nhưng bên cạnh đó còn là cả 1 quá trình dài tập luyện, chỉnh sửa kịch bản, lời thoại, cách biểu đạt, để biến Bân trong văn học thành Bân hiện hữu trên sân khấu nữa.

Theo bạn, tài năng bẩm sinh và sự khổ luyện, cái nào chiếm tỷ % cao hơn trong sự thành công của vai diễn Bân?

Mình tự tin nói rằng với mình đó là khổ luyện. Mình không phải là người có tài năng bẩm sinh, từ hình thể cho tới đài từ. Ngày mới vào Nhà hát mình bị chê và góp ý rất nhiều. Rồi đọc kịch bản là một chuyện, thể hiện nó là một chuyện rất rất khác. Sân khấu kịch là vậy, vai diễn nào cũng cần sự khổ luyện. Khi lên sàn diễn, có những thứ mình nghĩ trước đó là hợp lý nhưng ghép vào tổng thể lại không. Mình sẽ phải lựa, tiết chế sao cho mọi thứ vừa vặn nhất, tất nhiên là dựa trên quan điểm của mình và đánh giá của đạo diễn.

Được biết, ông ngoại của bạn là cố NSƯT Xuân Dinh – một trong những nghệ sỹ kỳ cựu của Nhà hát chèo Quân đội. Bạn có học được điều gì từ ông ngoại mình trong sự nghiệp diễn xuất?

Để nói một cách chính xác hơn thì mình được “truyền cảm hứng“ nhiều hơn từ ông ngoại. Ngay từ bé mình đã đi cùng để xem ông dựng những trích đoạn chèo cho đội văn nghệ thôn hoặc các đơn vị nghệ thuật không chuyên… Ông hay kể mình nghe về cảm xúc thăng hoa của người nghệ sĩ khi đứng trên sân khấu, đứng trước hàng trăm khán giả. Hay rủ rỉ với mình về đài từ trên sân khấu, về cách biểu lộ cảm xúc vui – buồn – giận – hờn ở sân khấu nó sẽ như thế nào. Nhiều thứ lắm!

Mời quý độc giả xem lại vở kịch Điều còn lại tại Liên hoan kịch nói toàn quốc 2021

Là một diễn viên của Nhà hát kịch Việt Nam, nhưng bạn lại được khán giả nhớ đến hơn nhờ vào các vai diễn trên phim truyền hình. Nếu là một người nặng lòng với sân khấu kịch, bạn có buồn vì điều này?

Ngày trước thì mình buồn, nhưng bây giờ thì mình quen hơn bởi mình biết thời hoàng kim của sân khấu đã qua mất rồi. Và điều ấy bây giờ cũng dễ hiểu hơn bởi khán giả, nhất là khán giả trẻ có nhiều cách để giải trí hơn là đi xem kịch. Có những người bạn của mình khi mình mời đi xem kịch vẫn nói là “điên à, ai đi xem kịch” … mình không trách, chỉ là mình thấy rằng hiện nay đa phần mọi người vẫn nghĩ kịch nói là một thứ gì đó rất khô cứng, nhạt nhẽo… Thực ra, có một số người xem các chương trình như kịch truyền hình thì họ sẽ cảm nhận như thế, nhưng kịch nói khi xem trực tiếp mới thấy được giá trị của nó, và kịch nói thực sự không khô khan như các bạn vẫn nghĩ.

Giữa kịch và phim, làm thế nào để bạn diễn kịch không bị “phim” quá, và đóng phim không bị “kịch” quá?

Là một diễn viên chuyên nghiệp mình phải có ý thức điều chỉnh và biết cách tiết chế thôi. Kịch nói mình diễn trực tiếp, khán giả ngồi xa hơn, đài từ mình cần rõ ràng hơn, nhấn nhá hơn. Hình thể cũng phải hoạt và động nhiều hơn. Truyền hình cận mặt, thu tiếng trực tiếp, mình chỉ cần nói đúng với giọng của mình thường ngày kèm theo cảm xúc trong từng hoàn cảnh cụ thể là được. Khi quay cũng chỉ cần tập trung nhìn vào một đối tượng cụ thể khi đối thoại, không cần phải động nhiều quá.

Diễn viên cũng là con người, cũng cần tiền để thanh toán các tờ hóa đơn trong cuộc sống

Bạn nghĩ gì về tình trạng “hiu hắt” của sân khấu kịch hiện nay? Bỏ qua chuyện Covid, thực tế cho thấy kịch nói đã qua thời hoàng kim của bó, vậy là một nghệ sỹ trẻ, bạn có niềm tin vào một ngày nào đó kịch nói sẽ “hot” trở lại? Và muốn điều đó thành hiện thực, theo bạn chúng ta cần phải làm gì?

Mình muốn điều ấy xảy ra nhưng phải chia sẻ thật là mình không dám tin vào điều đó. Bởi như mình đã nói, hiện nay có quá nhiều cách để giải trí. Vốn dĩ lương diễn viên ở Nhà hát không cao, một vở diễn mất khoảng 1 tháng rưỡi tới 2 tháng tập luyện, tiền bồi dưỡng cho 1 vở diễn cũng không cao, 1 buổi diễn theo Nghị định 14, diễn viên chính nói xa xả suốt 2 tiếng được 200 ngàn. Diễn viên kịch cũng là con người, cũng cần phải có những hoá đơn cần phải chi trả nên biểu diễn cũng cần phải bán vé. Nhưng thử nghĩ xem: 150k ~ 200k 1 vé xem kịch so với 70k 1 vé xem phim trong rạp + đồ uống , xem những bộ phim điện ảnh của nước ngoài, mãn nhãn thoả mãn cả phần nghe lẫn phần nhìn… các bạn trẻ sẽ chọn cách nào để giải trí đây?

Thay vì trả lời câu hỏi chúng ta cần phải làm gì thì mình vẫn mơ một ngày kịch nói bước ra ánh sáng, những thứ liên quan đến nghệ thuật sân khấu cũng được trực tiếp trên truyền hình ví dụ như những buổi lễ trao giải vinh danh nghệ sĩ sân khấu cũng được phát sóng trực tiếp, cũng được báo chí quan tâm… hoặc những buổi lễ ra mắt vở diễn mới của các nhà hát cũng có thảm đỏ, được báo chí chia sẻ rộng rãi và anh em bạn bè khán giả tới dự… chứ không phải cứ làm mọi thứ trong âm thầm và chỉ người trong nghề mới biết.

Giữa kịch và phim, bạn thích diễn ở môi trường nào hơn? Trả lời thật lòng nhé!

Diễn sân khấu bạn không có cơ hội lần thứ 2, cả một vở diễn bạn phải tập trung cao độ, bạn chỉ có 1 lần thể hiện cho khán giả thấy. Khán giả thấy hay, tốt, là bạn đã chinh phục được. Nhưng nếu khán giả thấy tệ thì đó là lỗi của bạn, bạn không thể thanh minh rằng hôm qua tôi diễn tốt còn hôm nay tôi hơi mệt nên không làm được tốt bằng hôm qua.

Môi trường phim cho bạn cơ hội được làm lại tới khi bạn thực sự ưng ý, để có được những thước phim hoàn hảo nhất trước khi tới với khán giả. Ngoài ra, nếu bạn làm tốt nó cũng giúp bạn tới gần được với số đông khán giả trên cả nước, mang lại cho bạn nhiều lợi ích về hình ảnh, về kinh tế .

Cả 2 thứ đều rất tuyệt và nó mang lại những cảm giác khác nhau nhưng mình hơi nghiêng hơn một chút về cảm giác “cháy 1 lần và hết mình trên sân khấu“.

Nếu để nói một câu thể hiện tình yêu của mình đối với kịch nói, bạn sẽ nói gì?

Kịch nói là hơi thở! Không có sân khấu chắc chắn mình sẽ không trưởng thành như bây giờ. Mình của bây giờ vẫn chỉ là một giọt nước rất nhỏ trên đại dương nghệ thuật bao la rộng lớn, nhưng nó là tiền đề và xuất phát điểm để bắt đầu cho mọi ước mơ mà mình theo đuổi sau này.

Cảm ơn Tô Dũng về cuộc trò chuyện!

Tags: #Điều còn lại#Liên hoan kịch nói 2021#Nhà hát kịch Việt Nam#NSƯT Xuân Bắc#Tô Dũng