Nghệ sĩ Thiên Kim: Cuộc đời truân chuyên của một nghệ sỹ tài ba

Xuất thân từ một nghệ sỹ cải lương nhưng nghệ sỹ Thiên Kim lại ghi dấu ấn mạnh mẽ với khán giả qua hàng trăm vai diễn trên phim điện ảnh cũng như truyền hình. Hơn 80 tuổi, ở trong trại dưỡng lão nhưng bà vẫn luôn miệt mài, đam mê với nghệ thuật, như con tằm rút ruột nhả tơ. 

Nghệ sĩ Thiên Kim tên thật là Đoàn Thiên Kim, sinh năm 1932 tại Sài Gòn trong một gia đình có truyền thống cải lương. Cha bà là kép độc Sáu Đỏ nổi tiếng một thời. Từ nhỏ, bà đã theo các gánh hát cải lương của Nam bộ, tham gia diễn xuất nhiều vai diễn. Rồi bà kết duyên phim ảnh và nổi tiếng trong lĩnh vực diễn xuất với hàng trăm bộ phim, cả vai chính lẫn vai phụ. Các phim ghi dấu ấn của bà là: “Võ sĩ bất đắc dĩ”, “Vua sân cỏ”, “Mẹ chồng nàng dâu”, “Chàng trai không biết ghen”, “Hạnh phúc quanh đây”, “Những đứa con thành phố”, “Bỗng dưng muốn khóc”, “Hoa hồng không dành cho em”, “Hot boy nổi loạn”… Nữ diễn viên có cuộc đời truân chuyên. Từ 20 năm nay, bà không sống cùng con cháu mà đến với viện dưỡng lão nghệ sĩ TPHCM để vui vầy cùng đồng nghiệp.

– Thưa nghệ sĩ Thiên Kim, bà có thường nhớ lại những ngày tháng xa xăm đã qua? Tuổi thơ bà có gì đặc biệt?

Tôi đơn độc từ nhỏ tới lớn. Cuộc đời tôi chưa bao giờ có tuổi thơ. Cha tôi bỏ mẹ con tôi từ khi tôi lọt lòng. Sau đó, mẹ tôi lấy một người khác. Nhưng vì nhiều biến cố mà mới 3 tuổi, tôi đã phải ở cùng mẹ ghẻ. Mẹ ghẻ tôi độc ác đúng như trong chuyện cổ tích. Mỗi lần nhà có đám giỗ, mẹ ruột về thăm mà tôi không dám nhìn vì nếu nhìn bà mẹ kế sẽ đánh thừa sống thiếu chết. Mặc dù thương nhớ mẹ, muốn chạy lại bên cạnh và sà vào lòng mẹ như bạn bè cùng trang lứa cho thoả nỗi nhớ mong lâu ngày xa cách nhưng tôi không dám. Tôi phải chui vào phòng giả vờ nói với mẹ ghẻ: “Má ơi má! Bà đó mà kêu con, đừng chỉ nha”. Tôi chui vào buồng rồi mới dám vén màn, nhìn mẹ ngồi ngoài phòng, nước mắt lã chã tuôn. Ác nghiệt ở chỗ, bà mẹ ghẻ đánh nhưng không bao giờ cho tôi khóc mà bắt phải cười. Miệng phải cười theo ý của mẹ ghẻ nhưng nước mắt tuôn dài trên đôi gò má xanh xao. Nỗi khiếp đảm tuổi thơ ấy cho đến bây giờ vẫn còn ám ảnh trong tâm trí tôi.

– Vậy bằng cách nào bà đã đến với cải lương?

Tới 8 tuổi, người cha dượng mất, tôi được về với mẹ đẻ và bắt đầu đi hát. Tôi được giao nhiều vai trẻ con, vai lính hay vai người hầu. Thu nhập lúc bấy giờ rất ít, chủ yếu được nuôi ăn ngày hai bữa nhưng với tôi không quan trọng. Sau những buổi diễn, tự tôi miệt mài luyện tập. Đến khi mười mấy tuổi, cô Bích Thuận kêu tôi qua đoàn của cô để diễn chung với cô. Ở đây, tôi được chọn đóng đào chính Điêu Thuyền trong vở cải lương “Phụng Nghi Đình”. Tuy lần đầu tiên được đóng vai chính, Điêu Thuyền đã được nhiều khán giả hoan nghênh, để lại dấu ấn trong lòng khách mộ điệu miền Tây. Thành công sau vai chính đầu tiên, tôi được giao thêm nhiều vai trong các vở khác. Vai nào tôi cũng làm hài lòng nhiều người, từ ông bầu đến người xem. Cứ thế, tôi tiếp tục phát triển nghề nghiệp của mình. Qua nhiều năm, trải nhiều gánh hát, cuối cùng, tôi về với gánh Kim Thoa khi gánh hát này tái lập sau một thời gian vắng bóng.

– Lẽ ra bà đã trở thành một đào cải lương nổi tiếng?

Năm 23 tuổi, gánh hát Kim Thoa khai trương bảng hiệu mới với vở “Lấp sông Gianh” của soạn giả Kinh Luân tại rạp Nguyễn Văn Hảo, trên đường Trần Hưng Đạo. Trong một lần đang diễn, đùng một cái, sân khấu bị trúng một trái lựu đạn, cháy rụi toàn bộ. Tôi sợ quá nên bỏ cải lương luôn, năm đó là 1955. Từ ấy, tôi thất nghiệp, chuyển qua lồng tiếng phim. Vai nào tôi cũng lồng được. Nếu trên sân khấu, tôi chỉ diễn một vai thì lồng tiếng lại đảm nhận khá nhiều vai. Từ tiếng của nam giới, phụ nữ đến trẻ em trong cùng một phim, tôi đều thể hiện thành công, không ai phát hiện. Có những đoạn phim tôi vừa nói giọng nam miền Bắc, rồi trả lời bằng giọng nữ miền Nam. Công việc lồng tiếng đòi hỏi rất nhiều công sức và trí tuệ, buộc tôi phải cố gắng rất nhiều. Sau này, tôi chuyển sang tân nhạc, hát hoạt cảnh, rồi theo kịch nói.

– Từng là cô gái xinh đẹp, đa tài, chắc có nhiều đàn ông theo đuổi và sẵn sàng mang lại hạnh phúc cho bà?

Tôi lấy chồng năm 19 tuổi, do mẹ bảo chứ không yêu. Một năm sau, tôi sinh con trai đầu lòng, cậu bé được 3 tháng thì chồng qua đời. Sau đó, tôi đi thêm bước nữa nhưng không được chồng yêu thương. Thân gái dặm trường, một mình tôi phải làm ngày làm đêm để nuôi mẹ, 5 con và 5 cháu của chị gái. Nhưng do bận quá nên tôi chỉ đưa tiền về cho bà ngoại nuôi chúng được thôi, vì thế các con không thương tôi. Thế nhưng, tôi không giận con mà vẫn chấp nhận sự thật ấy một cách nhẹ nhàng. Ngày nhỏ, chứng kiến mẹ đóng vai bà hoàng, bà chúa trên sân khấu, các con tôi nói: “Hình ảnh của mẹ không thương được”. Chúng nó bảo mẹ hiền phải gắn với hình ảnh khổ cực, rách rưới, còn mẹ thì quá sang trọng. Nhưng chúng nó đâu biết, cởi bỏ lớp màn nhung, tôi còn lại gì? Không ai biết mỗi khi con ốm, mẹ không có tiền mua thuốc, tôi đau thế nào.

– Các con quên bà từ đó?

Không hẳn như thế. Hiện giờ, chỉ còn con trai út thường xuyên chăm sóc tôi. Cháu không theo nghiệp diễn mà làm thợ may để nuôi vợ con. Xong việc, cháu lại từ Gò Vấp qua quận tám để thăm hỏi mẹ. Dù nghèo, con tôi vẫn tất bật lo cho tôi không thiếu thứ gì. Đó cũng là niềm tự hào và an ủi lớn nhất của tôi lúc này. Điều tôi ước ao là có thêm sức khỏe để hoạt động nghệ thuật, đỡ đần một phần gánh nặng cho con trai.

– Giờ đây, sống trong trại dưỡng lão nghệ sĩ, bà thấy sao?

Tôi cho rằng được ở trong viện dưỡng lão cũng là một ân xá mà Tổ nghiệp đã ban cho mình bởi ở đây, tôi luôn nhận được tình thương của biết bao khán giả gần xa ngày đêm lui tới. Cải lương bây giờ không còn tỏa sáng như trước nữa. Buồn lắm nhưng biết làm sao? Thôi thì chúng tôi vào đây ở để vui chơi với tình đồng nghiệp, để thỉnh thoảng cùng nhau nhắc lại những kỷ niệm vui buồn ngày xưa. Ánh đèn sân khấu không bạc bẽo, mà chính là niềm hạnh phúc lớn nhất của tôi. Sống nhờ sân khấu xin cũng được chết trên sân khấu.

– Khán giả vẫn thường xuyên thấy nghệ sĩ Thiên Kim xuất hiện trên truyền hình. Ở tuổi này, bà đóng phim vì đam mê hay vì còn gánh nặng cuộc sống?

Già rồi nhưng tôi vẫn được mời đóng phim, quảng cáo và hễ ai gọi vai, tôi nhận hết, dù vai khó đến mấy và không nề hà cát-xê. Dù được trả 200.000 đồng tôi vẫn thấy vui. Mặc dù hoàn cảnh không dư dả như một số đồng nghiệp, nhưng giờ đây, tôi làm việc không phải để kiếm tiền mà vì đam mê nghề. Tôi vẫn theo đoàn phim cả ngày, từ sáng sớm đến tối mịt, người trẻ than mệt, riêng tôi chưa bao giờ kêu ca. Dù lịch quay là 5h sáng thì tôi cũng đến rất đúng giờ. Trước lúc bấm máy, tôi đã hóa trang kỹ lưỡng, đọc lại cho nhuần nhuyễn lời thoại, hồi hộp như lần đầu đi diễn. Những lúc không có vai diễn, một ngày với tôi như dài vô tận.

Nguyên Minh

Tags: #Cải lương#Diễn viên#Kịch nói#Nghệ sỹ#Phim ảnh#Thiên Kim