Kiều lại tỏa sáng trên sân khấu Cải lương

Nhà hát cải lương Việt Nam vừa ra mắt khán giả vở diễn “Nguyễn Cầm Ca – Kiều” do NSND Hoàng Quỳnh Mai đạo diễn. Thêm một lần, cuộc đời nàng Kiều nổi tiếng của văn học Việt Nam lại được “sống” lại trên sân khấu với đầy đủ những hỉ, nộ, ái, ố của phận người thời phong kiến.

“Truyện Kiều” của đại thi hào Nguyễn Du đã được nhiều đạo diễn khai thác trên sàn diễn, từ sân khấu kịch hát  truyền thống đến sân khấu kịch nói hiện đại. Có lẽ hình ảnh nàng Kiều với cuộc đời 15 năm lưu lạc đầy khổ ải, đau thương thích hợp  với những lời ca điệu, hát mềm mại, thướt tha của sân khấu cải lương hơn cả. Cũng chính vì thế, mà nàng Kiều trên sân khấu cải lương từ Nam chí Bắc xuất hiện khá nhiều trong suốt bao nhiêu năm qua. Mới đây, một lần nữa nàng Kiều lại được tái hiện trên sàn diễn Nhà hát Cải lương Việt Nam dưới bản dựng của đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai.

Tác phẩm mới “Nguyễn Cầm Ca – Kiều” do tác giả Nguyễn Văn Hiếu viết kịch bản và được chuyển thể cải lương bởi NSƯT  Ngọc Chi. Vở diễn có sự tham gia của nhiều gương mặt nghệ sĩ, diễn viên tên tuổi của Đoàn Cải lương truyền thống – Nhà hát Cải lương Việt Nam. Khán giả yêu nghệ thuật đã được thưởng thức một phiên bản mới về cuộc đời và thân phận của nàng Kiều trên sân khấu cải lương đầy mới mẻ.

Cốt truyện của “Truyện Kiều” đã quá quen thuộc với tất cả người dân Việt Nam. Vậy mà khi xem “Nguyễn Cầm ca – Kiều” của Nhà hát Cải lương Việt Nam, khán giả không hề có cảm giác chán mà thực sự bị hút theo toàn bộ diễn tiến của vở. Để giữ lửa cho khán giả ở một câu chuyện tưởng như đã cũ là một thử thách không dễ nhưng đạo diễn và các nghệ sĩ đã vượt qua.  Thành công của đạo diễn chính là việc lựa chọn diễn viên phù hợp với từng nhân vật. Trong đó có: Như Quỳnh (Thúy Kiều), Minh Hải (Từ Hải), Trung Tuấn ( Thúc Sinh)…đều sáng sàn diễn, ca hay, múa đẹp.

Tác phẩm không chỉ giữ được tư tưởng chủ đạo của “Truyện Kiều” mà còn làm nổi bật, khai thác những thông điệp riêng, theo cách nhìn riêng của người làm nghệ thuật sân khấu. Có thể ghi nhận ở một ê kíp sáng tạo có tâm, có nghề khi dàn dựng và thể hiện tác phẩm.

Đạo diễn đã đề nghị tác giả khai thác sâu vào cấu tứ tiếng đàn và âm nhạc trong “Truyện Kiều”. Cuộc đời truân chuyên của Kiều  được thể hiện qua mỗi lần tiếng đàn của Kiều cất lên. Tiếng đàn của Kiều khi bên Kim Trọng thì vô cùng trong sáng; bên Thúc Sinh thì bức bối nhầy nhụa; bên Hồ Tôn Hiến thì day dứt… Đặc biệt,  khi tiếng đàn của Kiều đánh thức Từ Hải đang chết đứng, lại có thể sống dậy dang tay ôm ấp, che chở thương xót cho sự nông nổi của nàng. Đạo diễn đã khai thác được chất đa cảm phù hợp với sân khấu cải lương trong câu chuyện bất hủ này.

Có thể nói, đạo diễn và các nghệ sĩ của sân khấu cải lương đã thể hiện những ưu thế nổi trội của nghệ thuật cải lương, đặc biệt là tận dụng chất thơ vốn dĩ đã rất gần với cải lương của tác phẩm. Với một thiết kế sân khấu không rườm rà, phức tạp, chủ đạo là bốn cây đàn thấp thoáng với tạo hình tượng trưng cho những chi tiết đẹp nhất trên cơ thể của người phụ nữ để tạo nên những khoảng không gian khác nhau trong từng phân cảnh.

Đạo diễn, NSND Hoàng Quỳnh Mai cho biết sở dĩ đạo diễn lấy cái tứ là cây đàn và âm nhạc chính từ trong một tài liệu nghiên cứu âm nhạc “Truyện Kiều” của GS Trần Văn Khê. Cung đàn bạc mệnh trong “Truyện Kiều”, mỗi lần một cảnh ngộ thì tiếng đàn, bản đàn của Kiều luôn mang một âm điệu bi thương. Chính vì vậy sân khấu của “Nguyễn Cầm ca – Kiều” tràn ngập những biểu tượng về cây đàn. Quê gốc của đạo diễn Quỳnh Mai chính ở Tiên Điền, Nghi Xuân, Hà Tĩnh, cũng là quê hương của cụ Nguyễn Du. Ngay từ nhỏ những câu thơ Kiều và câu chuyện trầm luân của nàng Kiều đã thấm sâu vào kí ức của chị, và chị luôn muốn làm Kiều theo cách riêng của mình.

Đạo diễn và các nghệ sĩ Nhà hát cải lương Việt Nam đã khẳng định được phong độ của một nhà hát mang thương hiệu quốc gia. Tác phẩm chìm vào sân khấu ước lệ sang trọng của sân khấu cải lương qua lối dựng tài hoa, ấn tượng, mạnh về cảm xúc của đạo diễn. Sau 200 năm, người đời vẫn khóc thương cho số phận của một người con gái tài sắc vẹn toàn nhưng bị xã hội phong kiến vùi dập, đọa đầy.

PV

Tags: #Minh Hải#Nhà hát cải lương VN#Như Quỳnh#NSND Hoàng Quỳnh Mai#Trung Tuấn